Chuyện Ba Lan: Đi tù vì con… rắn nước

6
Rượu rắn. Ảnh Internet

Nói cho chính xác thì đó là một con rắn nằm cuộn tròn chiếc trong bình ngâm rượu ngũ xà được một người Việt Nam xách tay vào Ba Lan. Con rắn có cái tên khoa học dài loằng ngoằng nằm trong cuốn sách đỏ mà thường chỉ có các nhà chuyên môn ghé mắt vô, hoặc mấy ông bà Tây ‘rách việc’ thích bảo vệ động vật quan tâm.

Bình rượu rắn được bày bán hợp pháp trong cửa hàng Duty Free ở sân bay Nội Bài đã khiến một số người mua nó gặp nạn khi nhập cảnh Ba Lan. Nhẹ thì giam giữ, thẩm vấn, phạt tiền, nặng thì bóc lịch vài tháng.

Án tù đồng nghĩa với việc người di dân đó sẽ không bao giờ có thể nhập tịch Ba Lan và có thể gặp khó khăn khi khi kinh doanh hay làm việc trong những lĩnh vực đòi hỏi giấy xác nhận chưa phạm tội.

Phạm tội ở đất trời này đôi khi xuất phát từ những việc hết sức nhỏ nhặt, từ sự thiếu hiểu biết hay khác nhau về chuẩn mực giữa các quốc gia.

Nhân viên hành chính đi… nhòm tổ chim

Dăm ba người Việt khác từng gặp rắc rối với vấn đề chặt cây. Những suy nghĩ đơn giản kiểu, “cây trong vườn nhà tôi, tôi không thích nữa thì chặt bỏ”, hay “cây này do chính tay tôi trồng, nên tôi có quyền chặt’ có thể sẽ khiến bạn bị phạt một đống tiền tới hàng chục ngàn usd và rắc rối dài lâu với cơ quan chức năng.

Tôi đã từng đi xin giấy phép chặt một cây sồi trong chính mảnh vườn của nhà mình. Sự việc diễn ra vào năm 2011 (1).

Thủ tục này mất đúng 3 tuần. Khi tới quận kê khai đơn xin chặt cây, họ đã đặt ra những câu hỏi rất chi tiết như: Đó là cây gì, cao khoảng bao nhiêu, đường kính gốc bao nhiêu cm?

Nhưng có một câu hỏi, hoàn toàn bất ngờ và ‘đương sự’ ấp úng không trả lời được, vì thực sự không biết, không chú ý. Đó là: Trên cây có tổ chim hay không?

Sau đó vài tuần, một nhân viên hành chính quận tới thực địa. Ảnh ngó nghiêng chiếc cây rồi dùng một ống nhòm soi lên ngọn. Cây không có tổ chim. Và nhờ đó, gia đình tôi đã được phép chặt nó.

Vâng. Cơ quan hành chính Ba Lan ‘rỗi hơi’ vậy đó, và luật Ba Lan có rất nhiều thứ tréo ngoe với Việt Nam. Ví như muốn đi câu cá phải  có giấy phép (trừ khi bạn câu cá trong một hồ tư nhân với sự giám sát của chủ hồ và người chủ đã quán triệt các nguyên tắc pháp luật thay bạn).

Để xin được giấy phép, phải qua một khóa học ngắn (có thể trên mạng), phải thi đỗ bài kiểm tra (test) rằng, cá nào thì được câu, cá nào không. Ngay cả loại cá được phép bắt, cũng tùy theo mùa vụ và kích cỡ của con cá. Nói túm lại là rất nhiêu khê!

Nỗi đau từ thịt chó

Câu chuyện ăn uống, bảo vệ môi trường hay động vật có sự khác biệt rất lớn giữa một quốc gia như Ba Lan với một quốc gia ‘con gì cũng ăn’, ăn gần sạch cả động vật hoang dã như Việt Nam.

Không kể động vật hoang dã, nhiều vật nuôi, người Ba Lan cũng cấm giết thịt. Và ngay động vật nuôi để giết mổ họ cũng áp dụng  ‘Súc Quyền’ rất chặt chẽ. Ví như điều kiện nuôi dưỡng, con vật phải không bị hành hạ bỏ đói, phải đạt chuẩn và bộ luật về giết mổ quy định rất chi tiết. Chẳng hạn như, con vật phải được chết nhẹ nhàng, êm ái nhất, nhanh nhất; con đang sống không được nghe thấy tiếng kêu của con bị giết.v.v.

Người Việt ở Ba Lan từng gặp tai nạn, một tai nạn rất lớn từ việc ăn thịt chó. Phóng sự trên TVN24 mà bất kỳ ai làm quán ăn thời đó đều nhớ rõ, chiếu cảnh khám xét một ngôi nhà với mấy con chò mèo đã cạo lông, làm sạch.

Vì sự khoái khẩu của một nhóm người mà ngành ăn uống của người Việt vốn đang hưng thịnh chuyển qua… chết lâm sàng trong rất nhiều năm. Hàng chục triệu usd đầu tư của người Việt trong lĩnh vực này sau một đêm trôi ra sông ra biển. Trẻ em Việt Nam đi học cũng chịu sự bài xích, chễ giễu rất khổ sở.

Sau nhiều năm, bằng sự kiên trì bền bỉ, sự đầu tư nâng cấp theo chuẩn châu Âu, cộng với sự lắng xuống của dư luận, ngành ẩm thực Việt mới phục hồi, khởi sắc, nhưng cái bóng ma thịt chó vẫn lơ lửng đâu đó, mà chưa hề khuất hẳn.

Không cấm chưa hẳn đã ổn

Bạn sẽ đặt ra câu hỏi, vậy Ba Lan có cấm ăn thịt chó mèo không? Câu trả lời lại là không. Ba Lan không cấm ăn thịt chó mèo, hay nói cho đúng hơn là không có bất kỳ văn bản nào cấm chuyện này. Họ chỉ cấm giết mổ, hành hạ, đánh đập chúng.

Tức, theo suy luận trên logic pháp luật, bạn hoàn toàn có thể mở một quán thịt chó giữa Warsaw với nguồn cung cấp thực phẩm từ Việt Nam hay Trung Quốc. Nhưng bạn có sống nổi ở đó hay không và con bạn đi học có bị phỉ nhổ không, lại là chuyện khác.

Thực tế, báo chí Ba Lan đã từng ồn ào một hồi vì có một bạn trẻ gốc Việt định làm việc này, nhưng rồi câu chuyện lại lắng xuống.

Mới đây một bạn Việt Nam khác, qua trang diễn đàn cộng đồng, muốn mở một nhà hàng bán tổ yến sào tại Ba Lan.

Ba Lan có cấm ăn tổ yến không? Cũng như chó mèo, không cấm, hay ít nhất chưa tìm thấy văn bản nào cấm. Nhưng người Ba Lan liệt nó vào danh sách mười món ăn kinh tởm nhất thế giới.

Nhìn vào danh sách đó và chuyện nhân viên hành chính Ba Lan đi nhòm chiếc tổ chim thì không rõ việc kinh doanh có thể phát đạt nổi không, chưa kể tới các rào cản về kiểm dịch thực phẩm, giấy xác nhận yến nuôi hay yến từ tự nhiên.v.v.

Và còn nữa, chuyện khai thác tổ yến rất có thể làm động lòng trắc ẩn của các nhà bảo vệ động vật hay những người yêu mến tự nhiên, gìn giữ môi trường.

Đã có những bài viết về sự đau thương của loài yến được đăng trên chính báo chí nước nhà. 

Bài báo này cho hay: “Khi con người khai thác yến sào thì loài chim yến sẽ rơi vào nhiều bi kịch thương tâm như phải thổ huyết để xây tổ, trứng hoặc chim con trong tổ bị vứt xuống biển, chim mẹ lao đầu vào vách núi tự tử vì mất con, chim bố chung tình quyên sinh theo chim mẹ… Cảnh tượng đó lặp đi lặp lại trong những ngày vào mùa, mùa mà một loài hân hoan trên sự chết chóc đau thương của một loài khác

Một đôi Yến khi đã sống cùng nhau là trọn đời trọn kiếp. Khi đã xây tổ ở đâu là vĩnh viễn không dời đi nữa. Hàng vạn tổ Yến ken đặc trên vách đá đó mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác? Nhưng cũng chính những tập tính này lại giết chết chúng.

Nếu không may gặp một thợ hái tổ không chuyên hay thiếu kinh nghiệm. Không chừa lại một phần tổ, hoặc lấy đúng chiếc tổ của Yến sắp sinh. Chim mẹ trở về trong tình trạng mất tổ, không chịu nỗi đau đớn vì cơn chuyển dạ. Yến sẽ quẩn và chọn cách gieo mình vào vách núi, chính nơi đã xây mái ấm để quyên sinh”.

Tuy yến sử dụng ở Việt Nam hiện nay đa phần là yến nuôi và đã nuôi thì họ phải có cách duy trì và phát triển đàn, chứ không chỉ có lột tổ và ném những chú chim non đỏ hỏn hay những quả trứng mà chim bố mẹ đang áp ủ đi, khiến chúng phải lao đầu tự tử.

Nhưng chuẩn mực chăn nuôi của Việt Nam còn khác xa với thế giới và không gì đảm bảo rằng, chiếc tổ yến mà bạn ăn không gây đau thương cho loài chim yến.

Thử làm một quán yến sào- đương nhiên – là quyền của bạn. Những người sính luật thường nói “những gì luật pháp không cấm thì đều làm được”.

Câu đó không sai. Nhưng xã hội không chỉ có luật pháp, nó còn có các giá trị truyền thống, tín ngưỡng, thói quen hay những chuẩn mực đạo đức, tình cảm cần phải được tôn trọng hay ít nhất là lưu ý.

Hãy đừng đem một số các quốc gia phương Tây ra để so sánh với Ba Lan. Các quốc gia đó có sự giao thoa giữa các nên văn hóa từ thời ông Cristoforo Colombo rong ruổi đi tìm châu Mỹ cơ. Ba Lan mới đang trên con đường hòa nhập và thích ứng với sự đa dạng về văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực.

Mạc Việt Hồng


Chú thích:

(1) Gần đây Ba Lan đã nới lỏng luật về chặt cây. Câu chuyện trên diễn ra vào thời điểm 2011.

 

6 BÌNH LUẬN

  1. …không riềng Ba Lan mà cả Âu châu gần như thế, do đó người mình khi sang sống ở các đất nước này thiphari cô gắng tìm hiểu luật lệ của họ để trách nhửng chuyện không hay xảy ra !

  2. “mùa mà một loài hân hoan trên sự chết chóc đau thương của một loài khác”

    Mùa “rộ” lên vào tháng 4 hàng năm

  3. Nhân nói về xứ Ba Lan, cách đây mấy hôm, báo chí Mỹ loan tin một người Ba Lan , ông Jakiw Palij, 95 tuổi, đã bị thu hồi quốc tịch Mỹ , và cuối cùng đã bị tống xuất sang Đức, sau nhiều chục năm trốn lánh sống yên ổn ở New York City.

    Jakiw Palij di cư sang Mỹ năm 1949. Được nhập tịch năm 1957. Y đã khai láo với sở Di Trú rằng trong thời Thế Chiến Thứ Hai , y chỉ làm việc ở nông trại và nhà máy.

    Đến năm 2001, y thú nhận với bộ Tư Pháp rằng y đã từng làm lính gác trại giam Trawniki trong năm 1943. Mà theo tài liệu thì ngày 3 tháng 11 năm 1943 có xảy ra vụ Đức Quốc Xã tàn sát một loạt khoảng 6000 người Do Thái trong trại giam này. Thế nên bản án trục xuất Jakiw Palij buộc tội rằng ” Bằng vào việc làm người lính gác trại giam và ngăn ngừa không cho tù nhân Do Thái trốn thoát, Jakiw Palij đã khiến cho nhiều người Do Thái bị thảm tử vào tay Đức Quốc Xã “.

    Y phản cung rằng y và những người trẻ tuổi Ba Lan đã bị ép phục vụ cho Đức Quốc Xã.

    Năm 2003, y bị thu hồi quy chế công dân Hoa kỳ và bị án lệnh trục xuất. Thế nhưng chẳng có quốc gia Âu châu nào muốn đón nhận y.

    Rồi sẽ đến lượt những tên lính, công an cộng sản ác ôn canh giữ các trại giam, trại ” cải tạo” từ trước đến nay….

  4. Vì nhiều người Mỹ ở Hoa kỳ thương yêu chó nên việc giết chó để ăn thịt ít xảy ra, do đó , luật pháp không chú ý quá đến vấn đề này. Luật pháp liên quan đến vấn đề ăn thịt chó thay đổi theo từng tiểu bang. Các tiểu bang như California, Georgia, Hawaii, Michigan, New Jersey, New York, và Virginia minh định rõ ràng cấm ăn thịt chó. Tất cà các tiểu bang cấm không được mở lò giết mổ chó và bày bán thịt chó ở các cửa hàng. Do đó đã không ngăn chặn việc một cá nhân giết chó để ăn thịt hoặc bán cho người khác – miễn là không qua một cửa hàng. Có những tiểu bang cho giết chó để ăn thịt miễn là giết một cách ” nhân đạo”.

Leave a Reply to Noileo Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên