30 năm Gạc Ma: Báo chí và tưởng niệm tại Hà Nội

1
Các nhà hoạt động kỉ niệm 30 năm Gạc Ma

Hôm nay 14/03/2018, đánh dấu 30 năm trận chiến Gạc Ma với sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Sự kiện này trong suốt nhiều năm luôn chỉ được tưởng niệm bởi thế giới ‘lề trái’. Các cuộc tưởng niệm không được thừa nhận và đặc biệt luôn bị phá quấy.

Nam nay, một biến chuyển quan trọng đã diễn ra, khi báo chí lề phải lên tiếng mạnh mẽ, chỉ đích danh Trung Quốc trong các bản tin.

Đài truyền hình Việt Nam cũng đưa tin chi tiết về buổi gặp gỡ thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma. Trong đó có nhiều bà mẹ, vợ liệt sĩ và những giọt nước mắt lắn trên gương mặt họ. Từ trước tới nay, chưa có cuộc tưởng niệm nào công khai như vậy dành cho các liệt sĩ Gạc Ma. Thân nhân chỉ được biết, con em họ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Từ báo đài trong nước

Tuổi Trẻ có bài “30 năm Trường Sa, Gạc Ma“, trong đó có đoạn:

“Nhân tưởng niệm 30 năm ngày đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm, chúng tôi may mắn gặp lại nhiều nhà báo đàn anh đã có mặt trong chuyến đi tròn 30 năm trước.Những tấm ảnh, những câu chuyện dưới đây nối hai chiều thời gian, cho chúng ta thêm tin yêu vào những người lính, làm bùng lên một tình yêu mãnh liệt với Trường Sa.”

Bài báo chỉ rõ Trung Quốc là thủ phạm cưỡng chiếm Trung Quốc.

VTC giật tít 1 cách ‘hoành tráng’: “Thảm sát ở Gạc Ma 1988: Cả thế giới cần biết đầy đủ, chính xác hành động xâm lược tàn bạo của Trung Quốc”. Bài báo viết: “Cuộc chiến xảy ra trong điều kiện về tương quan lực lượng chênh lệch, giữa một bên là hàng ngàn quân đội Trung Quốc với nhiều tàu chiến và vũ khí hạng nặng để tấn công và thảm sát những người lính công binh làm nhiệm vụ xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Trung đoàn Công binh 83 (quân chủng Hải quân) và lực lượng giữ đảo Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân). Trong bối cảnh như thế, quân đội Trung Quốc hung hãn và tham vọng như thế thì những người sẵn sàng ra đảo Gạc Ma cắm cờ Tổ quốc và xác lập chủ quyền đều xứng đáng là những người anh hùng”.

VietNamNet đưa bài “Từ bài học xương máu Gạc Ma nhìn về phía trước” kèm theo video clip thả hoa, nến tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma tối 12/3.

Bài báo đề cập tới việc trả lại sự thật bị che giấu trong nhiều năm qua: “Những sự thật và bối cảnh lịch sử từ vụ thảm sát Gạc Ma cần được trả lại tính chất của chúng. Nhưng mục đích không phải để tạo một tâm thế định kiến trong ứng xử cho các thế hệ tiếp theo.

Điều có thể giúp Việt Nam đi tiếp mạnh mẽ và thực tế đã chứng minh đúng đắn là phương châm không quên quá khứ nhưng cố gắng tập trung thay đổi hiện tại và tương lai.”

Tác giả Thạch Hà cũng cho rằng: “Sự hy sinh ở Gạc Ma của các chiến sỹ không hề vô ích bởi các anh đã dâng hiến sự sống cho điều mà các anh tin là còn lớn hơn bản thân mình: sự sinh tồn và tiến bước của dân tộc Việt.

Trận chiến Gạc Ma sau nhiều năm quên lãng giờ đây có thể sẽ được đưa vào giảng dậy trong nhà trường.

Ông Trần Trung Hiếu, thành viên Hội đồng góp ý và phản biện Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử của Bộ GD-ĐT được truyền thông Việt Nam trích lời, cho hay:

“Chương trình giáo dục môn Lịch sử phổ thông mới dự kiến đưa sự kiện Gạc Ma, cũng như cuộc hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974, bổ sung đầy đủ hơn sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới Tây – Nam (1975-1978), chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989)… vào chương trình và SGK.”

Cộng đồng mạng

Một nhóm các nhà hoạt động tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma sáng nay tại Hà Nội. Ảnh N.X.Diện

Trong lúc đó, cộng đồng mạng đặt ra nghi vấn về thái độ mạnh mẽ bất ngờ của phía Việt nam trước sự kiện lịch sử bị ém nhẹm lâu nay.

Có những ý kiến cho rằng, sự thay đổi thái độ của Việt Nam liên quan tới chuyến thăm viếng mới đây của tầu USS Carl Vison mới đây tới Đà Nẵng.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam, vào đúng dịp đánh dấu 53 năm lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Chuyến thăm viếng thu hút sự chú ý của dư luận và báo giới quốc tế.

Các nhóm hoạt động xã hội độc lập, như hàng năm, vẫn tố chức tưởng niệm. Tuy không bị phá rối trắng trợn, ngăn chặn quyết liệt như mọi năm, nhưng việc bắt giữ và câu lưu vẫn xảy ra.

DLV “Quang Lùn” (quần áo đen) tới cản phá buổi tưởng niệm

Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho hay trên Facebook cá nhân rằng nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, vợ ông, bị công an đưa đi sau khi ra thắp hương tưởng niệm các tử sỹ Gạc Ma tại tượng đài vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội.

Chia sẻ trên BBC ông cho hay:

“Đến khi chuẩn bị ra về thì một nhóm nhiều người lạ mặt vòng trong vòng ngoài ập đến mời Thúy Hạnh về đồn công an làm việc vì lý do ‘gây rối tại khu vực tượng đài.”

“Tôi và Thúy Hạnh hỏi giấy mời đâu nhưng họ không nói, cứ lầm lỳ vây chặt lấy cô ấy không cho lên xe.”

“Giằng co một lát thì một chiếc xe 16 chỗ ập đến, cưỡng chế cô ấy lên xe.”

Sau đó, ông Chênh thông tin rằng bà Thúy Hạnh gọi điện thông báo đang ở phòng cảnh sát điều tra bộ công an.

Hoạt động dâng hương tưởng niệm 64 liệt sỹ ở Gạc Ma cũng được một nhóm nhà hoạt động tổ chức trong sáng 14/3 tại Nghĩa Trang Tây Tựu, Hà Nội.

Buổi lễ tưởng niệm này được cho là ‘diễn ra tương đối suôn sẻ, không bị ngăn cản’.

Đàn Chim Việt tổng hợp

1 BÌNH LUẬN

  1. 14/3/18- Quê Hương: Cho đến ngày hôm nay CSVN vẫn chưa thừa nhận ngày 14/03 là ngày lễ của dân tộc (ngày lễ cấp nhà nước) .

    Một số trang Facebook của một số nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam cho biết hôm nay ngày 14/03 vẫn diễn ra một số hành động hỗn xược đến từ các an ninh thường phục như trường hợp Facebooker Dung The Phung sinh sống tại Hà Nội đã loan tin cho cộng đồng mạng xã hội biết là anh bị “02 trong 04 tên an ninh xử sự rất côn đồ. Sáng nay (14/03) chúng chặn cửa, buộc dây thép, mấy bữa trước ném đá lên tường có cửa sổ, đập phá cửa nhà. Chúng gây hắn, thách thức tôi trong khi bản thân tôi chưa nói hoặc có hành động với chúng…”. Cũng trong ngày 14/03, Facebooker Huynh Ngoc Chenh cho biết, vợ ông là bà Nguyễn Thúy Hạnh sau khi tham dự buổi tưởng niệm ngày xảy ra trận chiến Trường Sa tại Hà Nội thì bị tốp an ninh đến bắt giải về đồn làm việc, trước đó buổi tưởng niệm bị một người đàn ông với biệt hiệu Quang “lùn” phá rối. Hoặc Facebooker Le Doan The cũng ở Hà Nội cho biết, sáng sớm đã bị hai an ninh thường phục đeo bám, khi Facebooker Le Doan The đưa máy chụp hình thì hai an ninh đến dọa “có muốn sống không ?”. Ở Sài Gòn, một số nhà hoạt động xã hội cũng cho dư luận mạng xã hội được biết là bản thân bị lực lượng an ninh canh giữ tại nhà, không cho đi tham dự các hoạt động tưởng niệm.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên