Thế giới muốn biết gì về Vũ Hán?

1
Phòng thí nghiệm Vũ Hán

Việc Hoa Kỳ thúc đẩy một cuộc điều tra mới để xác định nguồn gốc của vi-rut corona – kể cả việc liệu nó có bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không – đặt ra một câu hỏi quan trọng: Trung Quốc đã không tiết lộ những gì?

Người ta trông đợi sau cuộc họp tuần này, nhóm G-7 sẽ kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới WHO triệu tập một cuộc nghiên cứu mới, minh bạch về nguồn gốc của loại vi-rut này; tuy nhiên, cho đến nay nhóm G-7 vẫn chưa biết chính xác họ muốn gì.

Khi ra lệnh cho các cơ quan tình báo 90 ngày phải nhân đôi nỗ lực tìm nguồn gốc của COVID-19, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu họ đưa ra “các câu hỏi cụ thể cho Trung Quốc”, trong khi các quan chức Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận thông tin vi-rut rò rỉ từ phòng thí nghiệm và chỉ ra một báo cáo của WHO hồi đầu năm nay cho rằng nguồn gốc rất có thể là tự nhiên.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm cần được điều tra thêm, và ông sẵn sàng tăng thêm các nguồn lực. Ông nói các nhà khoa học sẽ được “quyền truy cập đầy đủ vào dữ liệu”, trong đó có cả các mẫu sinh học ít nhất là từ tháng 9 năm 2019. Liên minh châu Âu cũng kêu gọi cung cấp thêm dữ liệu.

Dưới đây là những gì một nghiên cứu mới nên kiểm tra:

Thông tin chi tiết về Phòng thí nghiệm Vũ Hán

Một câu hỏi nổi bật là loại công việc nào đang thực sự diễn ra ở Viện nghiên cứu vi-rut tại Vũ Hán (WIV). Bà Sử Chính Lập , Tổ trưởng tổ nghiên cứu vi-rut  dơi tại đây cho biết trong một bài báo tháng 3 năm 2020 trên tạp chí Scientific American rằng mã di truyền của vi-rut gây ra COVID-19 không khớp với bất kỳ mẫu nào trong phòng thí nghiệm của bà. Bà cũng nói với WHO rằng tất cả nhân viên trong viện đã xét nghiệm âm tính với kháng thể COVID-19.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của WHO vẫn chưa được quyền truy cập vào tất cả các phân lập vi-rut corona và dữ liệu trình tự bộ gen được lưu giữ tại WIV. Họ cũng không có quyền truy cập vào sổ ghi chép và hồ sơ của cuộc nghiên cứu đang được thực hiện trên vi-rut corona, đặc biệt là vi-rut có chuỗi RaTG13 nơi dơi, tương tự như SARS-CoV-2, mầm bệnh làm cơ sở cho COVID-19.

Ngoài ra còn có câu hỏi về việc liệu viện có tiến hành các thí nghiệm tăng chức năng hay không, trong đó các nhà nghiên cứu điều khiển các vi-rut tự nhiên để xem liệu chúng có dễ gây cái chết hơn hay lây truyền nhiều hơn hay không.

Hồ sơ y tế của nhân viên phòng thí nghiệm

Tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng trước rằng tình báo Hoa Kỳ chỉ ra rằng có 3 nhà nghiên cứu làm tại WIV đã bị ốm vào tháng 11 năm 2019 đến độ phải nhập viện để chăm sóc. Một số phương tiện truyền thông cũng đưa tin chính phủ Trung Quốc đã hạn chế quyền ra vào một mỏ đồng bị bỏ hoang ở tây nam Trung Quốc, nơi các nhà nghiên cứu của WIV đã thu thập các mẫu vi-rut corona sau một sự cố năm 2012, trong đó 6 công nhân trong mỏ mắc loại bệnh hô hấp “bí ẩn”.

Bà Sử Chính Lập nói với WHO rằng tất cả các chuyên viên thu thập mẫu đã xét nghiệm âm tính với kháng thể COVID-19. Tờ China Daily lại đưa tin trong tuần này rằng không có nhân viên nào của WIV từng nhiễm vi-rut  gây ra COVID-19.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu quốc tế vẫn chưa có quyền truy cập vào hồ sơ trung gian và mẫu vật được thu thập từ các nhân viên tại viện đã từng được chăm sóc tại bệnh viện vào cuối năm 2019. Và họ cũng muốn xem hồ sơ y tế và mẫu vật được thu thập từ các thợ mỏ ở tây nam Trung Quốc.

Thêm dữ liệu về các trường hợp đầu tiên

Để xác định các trường hợp mắc bệnh sớm nhất ở người vào tháng 12 năm 2019, nhóm chuyên viên của WHO đã xem xét hồ sơ sức khỏe, dữ liệu tử vong, tình hình bán lẻ thuốc cảm và thuốc ho cũng như báo cáo các dạng bệnh giống như cúm và nhiễm trùng đường hô hấp nặng trong 2 tháng trước khi dịch bùng phát ở Vũ Hán.

Các nhà điều tra quốc tế đã kiểm tra 76.000 trường hợp của hơn 200 trung tâm y tế, và các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cũng đã kiểm tra 4.500 mẫu bệnh phẩm được lưu trữ tại các bệnh viện ở Vũ Hán và các vùng khác của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, nhóm của WHO đã đến Vũ Hán vào đầu năm nay đề nghị cần có phân tích sâu hơn về các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp xảy ra ở Vũ Hán vào tháng 10 và tháng 11 năm 2019.

Tài liệu về các chợ thực phẩm tươi ở Vũ Hán

Để xác định xem có phải là nguồn động vật hay không, 11.000 mẫu máu lấy từ gia súc và gia cầm ở 31 tỉnh đã được xét nghiệm cùng với 1.914 mẫu từ 35 loài động vật hoang dã. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã tìm kiếm SARS-CoV-2 trong 12.000 mẫu gạc động vật và 50.000 mẫu từ 300 loài động vật hoang dã khác nhau. Tất cả đều âm tính.

Các nhà nghiên cứu trong tuần này đã phát hiện ra rằng chồn, cầy hương, chó gấu trúc, chồn Siberia, lợn rừng và chuột tre nằm trong số 38 loài động vật được bán trong tình trạng chưa giết mổ tại các chợ ở Vũ Hán từ tháng 5 năm 2017 đến tháng 11 năm 2019.

Tuy nhiên, vẫn còn thiếu những bằng chứng để hỗ trợ một giả thuyết rằng vi-rut lây sang người từ động vật. Các nhà nghiên cứu của WHO chưa thấy tài liệu đầy đủ về những loài động vật nào được bán trong tình trạng chưa giết mổ tại các chợ ở Vũ Hán vào năm 2019, khi các nhà nghiên cứu có mặt, danh sách các người bán háng và các người cung cấp.

Nhóm của WHO đã tìm cách lấy thêm mẫu các loài động vật có thể giữ vai trò của một ổ dịch, kể cả đám dơi ở Trung Quốc và các nước lân cận. Họ cũng muốn có tên, địa chỉ của các trang trại nuôi chồn, cáo, chó gấu trúc và các loại thú nuôi lấy lông khác ở Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2020.

Bằng chứng từ bên ngoài Trung Quốc

Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần gợi ý rằng vi-rut có thể bắt nguồn từ những nơi khác trên thế giới và được đưa vào Trung Quốc thông qua nhập khẩu thực phẩm đông lạnh hoặc thậm chí là do một chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ. Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc  đã nhiều lần kêu gọi Hoa Kỳ mở cửa cho mọi người tiếp cận trại Fort Detrick ở tiểu bang Maryland, nơi đặt trụ sở của cơ quan sinh học của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Nhóm của WHO đã kêu gọi thu thập và phân tích dữ liệu dịch tễ, lâm sàng, phân tử và môi trường từ các quốc gia khác để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của vi-rut, vì một số báo cáo cho rằng nó có thể vi-rut đã hiện diện bên ngoài Trung Quốc trước tháng 12 năm 2019. Họ cũng đang nghiên cứu thêm để tìm hiểu liệu nó có thể được truyền từ các sản phẩm bị nhiễm khuẩn sang người hay không và nếu vậy thì xảy ra trong điều kiện nào.

(Theo Boomberg News)

1 BÌNH LUẬN

  1. Còn tìm tòi gì nữa. Dấu vết đã xóa sạch. Với lại có đòi đi chăng nữa mà Tàu+ không đưa thì làm gì được Tàu+.

Leave a Reply to Viễn Xứ Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên