Thằng cháu ông xẩm mù

1
Ông lão hát xẩm mù trên hè phố Hà Nội khoảng năm 1940 – 1941. Hình: Harrison Forman.

Vào những năm khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống ở ngoại ô thành phố, gần một khu chợ khá lớn. Khu chợ nằm ngay trên lối đến trường, mỗi lần tan học về tôi thường tạt vào chợ để nghe hát xẩm.

Ông cháu lão xẩm mù (Người ở chợ gọi như vậy) ngày nào cũng hát đi hát lại mấy vở tuồng cổ, đến nỗi tôi gần như thuộc lòng tất cả. Nhưng càng nghe càng thấy hay, càng hấp dẫn..

Ông già mù vai đeo cái bị cói, ngồi trên manh chiếu rách. Toàn thân ông gầy guộc như một cành củi khô đét, ôm lấy cây đàn nhị. Hai con mắt ông nhỏ tí, đục lờ luôn hấp háy dưới hai hốc mắt tối xầm. Tay ông đung đưa kéo cần nhị tạo ra một âm điệu cổ xưa ai oán , đệm cho thằng cháu ông hát.

Thằng cháu ông xẩm, nếu căn cứ vào vẻ mặt có lẽ cũng chạc tuổi tôi, nhưng lại thấp hơn tôi gần một cái đầu. Người nó tả tơi như một mớ giẻ rách. Gia tài của nó về mùa đông cũng như mùa hè chỉ độc một cái áo bộ đội cũ đã mất cả hai tay áo, một cái xắc vải con cáu bẩn luôn đeo sát bên sườn. Đầu nó to quá khổ so với mấy cẳng chân cẳng tay lở loét, thậm chí còn to hơn cả đầu tôi. Tóm lại trông nó chỉ thấy cái đầu to và đôi mắt cũng to, vàng ệch vì đói khát.

Vậy mà khi nó cất cao tiếng hát trong trẻo hòa với tiếng đàn nhị của ông xẩm mù thì trước mắt người xem là một người vợ dịu hiền, tần tảo. Rồi cũng chính tấm thân rách mướp ấy của thằng cháu lại hóa thành quan phò mã phong lưu quyền quý (Lúc này nó đóng vai Tần Thế Mỹ, người sau khi thi đỗ trạng nguyên đã phụ bạc và toan ám hại vợ con để trở thành phò mã).

Rồi khi những ngón tay gầy guộc của ông xẩm dật mạnh dây đàn, tạo ra những âm thanh vang vọng như tiếng trống triều đình ; Tùng…Tùng…Tùng…thì đôi mắt vàng ệch của nó bỗng bừng lên một cái nhìn oai nghiêm, sắc lạnh…tưởng như đôi mắt ấy, thấu mọi ngóc ngách cuộc sống. Đó là đôi mắt của Bao Công, và nó thét to đầy phẫn nộ : “ Cho điệu Tần Thế Mỹ ra đây hỏi tội”.

Và chỉ một lát nữa thôi nó lại hóa thân thành Khương Linh Tá trong tuồng “Sơn Hậu”. Thành Trịnh Ân trong “Trảm Trịnh Ân”. Cứ như thế, một manh áo rách, một cái xắc con luôn deo sát bên mình, thằng cháu ông xẩm mù ngày ngày cất cao tiếng hát giữa cuộc đời.

Tôi rất ngưỡng mộ biệt tài của nó. nhiều người ở chợ cũng tỏ ra thích nó, họ bỏ vào cái mũ rách để đầu manh chiếu những đồng xu nhỏ và thường kháo nhau “Cứ phải năng làm phúc mới có nhiều lộc các bác ạ”. Tôi biết họ là những người tốt bụng, và rất đáng kính trọng. Còn tôi thì ước ao mình cũng sẽ hát được như thằng cháu ông xẩm mù. Rồi tôi nẩy ra ý định sẽ làm quen với nó để học hỏi.

Thật ra chiều nào tôi cũng có mặt ở chợ xem nó hát nên nó đã quá quen tôi. Mỗi khi thấy tôi đến nó nháy mắt với tôi một cái đầy ngụ ý, tôi nhận thấy những nét xót xa, thèm muốn…có lẽ nó thèm được đến trường như tôi.

Một chiều tôi nán lại để làm quen. Khi người ở chợ thưa dần, các quán hàng đã thu dọn thúng mẹt, ai về nhà nấy thì hai ông cháu hát xẩm mới thôi hát. Thằng cháu đưa ông vào góc thềm cửa hàng mậu dịch. Ở đây kín gió và có mái che, hơn nữa có chút ánh sáng của ngọn đèn từ cột điện hắt xuống. Lúc này trời đã nhá nhem tối.
Thằng cháu quét dọn sạch sẽ góc thềm, trải lại chiếu cho ông ngồi, rồi lôi trong bị cói ra cái bát sắt to và đi đâu đó. Còn lại mình ông già ngồi đờ đẫn, tay vẫn ôm khư khư cây đàn nhị như sợ ai cướp mất.

Ít phút sau thằng cháu trở lại với một bát đồ ăn. Tôi không biết đó là những món gì, chỉ thấy ông già cầm lấy thìa lặng lẽ ngồi ăn, còn thằng cháu ông thì đổ tiền trong cái mũ ra ngồi đếm. Tiền giấy nó để thành từng xấp theo loại, còn tiền xu nó bỏ vào trong một con lợn đất. Nó vừa kiểm tiền vừa lúc lắc cái đầu to, miêng khe khẽ huýt sáo vẻ hài lòng với số tiền đã kiếm được trong ngày,. Tôi lại gần hỏi :
– Này cậu, làm gì đấy?
Nó giật mình quay lại, nhận ra ngay tôi là người vẫn thường xem nó hát, đôi mắt vàng ệch sáng lên, nó cười hồ hởi :
– A… cậu đấy à..
Nó vội thu số tiền trước mắt lại, nhét con lợn đất vào cái xắc con, để dành một chỗ cho tôi ngồi.
– Cậu ngồi đây, – nó nói.
Tôi ngồi xuống bên cạnh . Cái góc thềm này tuy đã được quét dọn sạch sẽ nhưng lại gần một đống rác to nên rất lắm ruồi muỗi. Vừa ngồi xuống đã có mấy con lao vào đốt khiến tôi phải dùng tay đập muỗi. Thấy vậy nó bật cười nói:
– Nhiều muỗi quá phải không…tệ thật, tôi thì quen rồi – Nó lại cười và vung tay một cái, đám muỗi bay túa ra – Với lại tối nào cũng chỉ có hai ông cháu buồn lắm, đành phải chơi với muỗi vậy.

Chúng tôi vào chuyện với nhau thân mật, vui vẻ…khi tôi hỏi về nơi ở và chuyện học hành của nó. Nó lắc đầu nhè nhẹ rồi chậm rãi nói với giọng không phải người Hà nội..:
– Xưa chúng tôi ở Trôi, ở đấy đói, chẳng mấy ai nghe hát…nên mới lên đây. Hồi ấy ông còn hát được tôi chỉ có mỗi việc là đưa mũ ra xin tiền .. rồi ông hỏng mắt, yếu đi… không hát được nữa,…..tôi hát thay ông.

Cũng lúc này người ông đã ăn xong, thằng cháu bảo tôi chờ nó một chút rồi đem bát thìa đi rửa ở cái máy nước công cộng đầu chợ. Xong xuôi nó cất cẩn thận vào trong bị cói và lấy ở đó ra cái màn vá chằng vá đụp, mắc lên cho ông nằm nghỉ . Nó còn cẩn thận đập những con muỗi đã nhanh chóng lẻn vào màn…

Khi tôi nói ra cái ý định muốn học hát, nó vui vẻ đồng ý ngay và còn tỏ ra hãnh diện nữa. Nó cũng muốn tôi dạy chữ cho nó vì nó chưa biết đọc. Nó còn lôi con lợn đất trong xắc ra, dơ lên lắc lắc cho những đồng xu trong đó va đập kêu loảng xoảng, ra điều đấy là một gia tài lớn lắm. Mặt tươi như hoa nó nói :
– Khi nào biết chữ tôi sẽ mua sách về đọc.

+
+ +

Một buổi chiều sau đó, khi tôi vừa nghe hát về đến cổng chợ thì dẫm phải một cái ví con. Tôi nhặt lên thấy đấy chỉ là một cái ví rỗng, nắp ví đã mở hoác ra. Tôi cầm cái ví vừa đi vừa nghĩ chưa biết làm gì với nó thì bỗng có ai đó nắm chặt lấy tay tôi bẻ quặt ra sau làm tôi đau nhói.
Người vặn tay tôi là một người đàn ông cao lớn đã có tuổi, dáng điệu đạo mạo. Ôn ta xiết chặt đến mức tôi oằn cả lưng theo tay ông ta. Một tay ông giữ tôi, một tay ông nhặt cái ví lúc này đã rơi xuống đất lên xem. Thấy không có gì trong đó, ông bắt đầu lục soát khắp người tôi và luôn mồm quát tháo :
-Đồ ăn cắp….tiền của tao đâu, tiền đâu…

Tôi đau đến vã mồ hôi, nghẹn cả lời mà không sao nói được rằng tôi nhặt được cái ví rỗng. Những người trong chợ đổ xô lại xem, bàn tán :…và nhìn tôi với anh mắt căm giận khinh bỉ.
Tôi dùng hết sức hét to lên với những người tốt bụng, những người đáng kính trọng đang vây kín xung quanh rằng tôi nhặt được cái ví rỗng. ..Tôi cầu mong ai trong số họ sẽ lên tiếng giải cứu cho tôi khỏi đôi bàn tay như một gọng kìm đang xiết chặt lấy cổ tôi… tôi chỉ còn nghe thấy những lời xỉ vả :
– Thằng ranh con này thế mà ăn cắp…
– Cứ phải cho nó vào nhà đá mới thôi cái thói ăn cắp.

Lúc này tôi thấy thằng cháu ông xẩm mù len lỏi giữa đám người lớn, xô lại giằng tay người đàn ông và nói :
– Cậu ấy vừa xem tôi hát…làm sao mà ăn cắp được…
Người đàn ông bực tức dùng cánh tay còn lại túm lấy tay thằng cháu ông xẩm mù vặn ngược ra sau như đã vặn tôi. Ông ta nghiến răng lại :
– À ra đồng bọn…quân cướp ngày, phải đưa cả lũ này ra công an để họ tống vào nhà đá mới được..

Nhưng thật là nhanh, thằng cháu ông xẩm mù lộn người một vòng như làm xiếc qua tay người đàn ông. Hai người dằng co xô đẩy. Thằng cháu ông xẩm mù trông còm nhom thế mà khỏe, nó làm cho người đàn ông loạng choạng mấy lần suýt ngã. Người đàn ông nổi khùng lên, buông tôi ra và dùng cả hai tay quật nó một cái ngã nhào xuống đất. Nó nằm song sượt trên mặt đất, con lợn đất tiết kiệm trong cái xắc con văng ra, vỡ tan…những đồng xu nhỏ tung tóe, lăn lóc trên rác rưởi của chợ.

Thừa dịp tôi vớ lấy cặp sách bỏ chạy …kéo theo sau lưng là những tiếng hô lạc giọng :
– Bắt …bắt ..bắt …lấy…ăn cắp.
Tôi chạy thẳng một mạch về nhà, chui tọt lên giường và đắp kín chăn nằm mãi cho đến khi mẹ gọi gọi dậy ăn cơm vẫn chưa hoàn hồn.

Tối hôm ấy, tôi quyết định giữ im lặng không kể chuyện này cho bố mẹ nghe vì biết sẽ lại bị phê bình, trách móc, rằng “ Tại sao đi học qua chợ”, “Tại sao không chơi với các bạn học giỏi ở lớp mà lại chơi với những người cầu bơ cầu bất như vây” ..v…v Và chuyện sẽ rắc rối hơn . Cả buổi tối cố tỏ ra là không có chuyện gì đặc biệt, mặc dù chỉ một ít ồn ào, huyên náo nhỏ ở ngoài phố, tim tôi lại đập thình thịch … ngỡ là những người ở chợ đã phát hiện ra nơi tôi ở.
Những ngày sau tôi không dám đi học qua khu chợ nữa mà phải đi vòng theo một lối khác xa hơn. Tôi sợ người đàn ông vẫn rình tôi ở đó. Và rất có thể những người ở chợ vẫn nhớ mặt tôi họ sẽ bắt tôi và giao nộp cho công an.

Thật ra, tôi rất sốt ruột muốn gặp thằng cháu ông xẩm mù, không biết nó có bị sao không sau cú quật trời giáng của người đàn ông nọ. Tôi còn muốn tặng cho nó một quyển truyện tranh mà tôi có từ hồi nhỏ. Tôi biết nó không biết đọc chữ nên rất thích truyện tranh. Và …tôi vẫn thích được xem nó múa hát mỗi ngày.

Phải đến hai tuần lễ sau tôi mới dám đi lại khu chợ nhưng chỉ men theo bức tường bên ngoài, đến chỗ tường đổ để nhìn vào trong chợ, nơi hai ông cháu vẫn ngồi hát.
Không thấy hai ông cháu đâu…Chợ vẫn đông đúc như mọi ngày với những con người đã hô hoán đuổi bắt tôi hôm trước.
Hay là ông cháu lão xẩm mù thay đổi nơi hát ? Nghĩ thế, chờ cho trời xẩm tối và chợ thưa người hơn , tôi đi vào tận chỗ mái hiên cửa hàng mậu dịch, nơi hai ông cháu ở đó mỗi khi đêm về. Không thấy họ.

Ít bữa sau tôi dò hỏi ở chợ thì được biết người đàn ông đã đưa thằng cháu ra công an ngay sau vụ lộn xộn hôm ấy. Và ngày hôm sau người ông cũng không được ngồi ở chợ nữa. Người ta đến đưa ông đi, có thể đã đưa ông vào một trại tế bần nào đó.

Nhiều năm sau tôi cũng không biết gì hơn về hai ông cháu lão xẩm mù. Người ông còn sống hay đã chết ? Số phận thằng cháu ông ra sao, có còn hát xẩm nữa không? Tôi cũng không biết. ..Nhưng tôi không bao giờ quên những làn điệu cổ xưa…không bao giờ quên hỉnh ảnh thằng cháu ông lão xẩm mù hát giữa chợ . Tất cả nuôi dưỡng, và trở thành một phần tâm hồn tôi những ngày thơ ấu… Dù giờ đây chỉ là câu chuyện để viết lại về một thời đã xa.

Trần Thạch Linh.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên