Tản mạn về chuyện The VietNam War

4
Hovering U.S. Army helicopters pour machine gun fire into the tree line to cover the advance of South Vietnamese ground troops in an attack on a Viet Cong camp 18 miles north of Tay Ninh, northwest of Saigon near the Cambodian border, in March 1965 during the Vietnam War. (AP Photo/Horst Faas)

 

Khi bộ phim tài liệu dài 10 tập, The VietNam War, mà toán làm phim do đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick bỏ ra cả 10 năm để thực hiện chỉ mới chiếu trailer quảng cáo thì dư luận đã bàn tán, bình luận xôn xao về nhiều mặt. Điều nầy cho thấy người Việt Nam vẫn đang còn băn khuăn tự hỏi về cuộc chiến đã chấm dứt từ 42 năm trước. Tại sao có chiến tranh và mục đích đã đạt được là gì? Khi đặt câu hỏi như vậy thì tự nó đã mang nội hàm là tại sao lại chọn con đường chiến tranh trong khi các nước chọn con đường khác cũng đạt cùng mục đích mà không gây ra thảm họa? Thảm họa ở đây là xương máu, là sự chia rẽ đến cùng cực trong lòng dân tộc!

Đặt dấu hỏi là đương nhiên không chấp nhận thực trạng như đang có. Vì nếu Việt Nam đang là Nam Hàn thì cuộc chiến tàn khốc 20 năm tại miền Nam trước 1975 (còn miền Bắc bị bom Mỹ tàn phá là hậu quả tất yếu về chiến thuật của Mỹ lúc đó, một vấn đề khác) tự nó đã đi vào lịch sử với ý nghĩa là tan biến theo thời gian. Việc còn lại là nghiên cứu để viết sử của giới sử gia mà thôi. Vì khi chế độ thành công việc thực hiện tự do hạnh phúc cho người dân, vật chất đầy đủ, tinh thần thoải mái, dân chủ pháp quyền, người Việt đang ngẩng cao đầu trước thế giới… thì đương nhiên họ đã nghĩ cuộc chiến đó là cần thiết.

Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược!

Hiện tại, không như hứa hẹn của đảng cộng sản Việt Nam lúc ban đầu, mà tất cả ngược lại, thì đương nhiên người ta muốn tìm về nguyên nhân. Như một cuộc hôn nhân không hạnh phúc người trong cuộc băn khoăn nhìn về quá khứ.

Nhà văn Nguyên Ngọc, người được ca ngợi là “cây xà nu Tây nguyên”, hiện vẫn là một đảng viên, đã từng lăn lộn tại chiến trường miền Nam, ca ngợi bộ phim là khá trung thực. “Đây là một phim lớn, rất quan trọng về chiến tranh Việt Nam”. Ông khen người Mỹ “luôn luôn nhìn trở lại và đặt câu hỏi về quá khứ”, đó là “điểm mạnh” để Hoa Kỳ được như hiện tại. Ông cũng muốn Việt Nam biết “nhìn lại” một cách trung thực, “tôi ao ước Việt Nam có thể có một bộ phim tài liệu theo kiểu như vậy. Giá như Việt Nam cũng tự hỏi mình như thế” và, theo ông, chiến tranh để giải phóng đất nước lúc ban đầu là đúng nhưng càng về sau đã biến thành nội chiến, cốt nhục tương tàn.

Nhận xét như vậy thì chuyện Việt Minh cướp chính quyền hợp pháp của chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, một chính phủ đã tập hợp được thành phần ưu tú thời đó, rồi từng bước tiêu diệt các đảng phái khác qua nhiều thủ đọan, cuối cùng là độc quyền gây chiến tranh tiến chiếm miền Nam sau nầy là “đúng”? Còn những người yêu nước chống Pháp, dựa vào Mỹ, khác chính kiến với cộng sản đều sai? Đó là chưa nói đến việc nhân loại đã loại bỏ chủ nghĩa cộng sản từ năm 1989, 1990 thì phải giải thích thế nào?

Bộ phim có lẽ khá hấp dẫn với người ở phía Bắc vì ngày đó họ hoàn toàn mù tịt về mọi sinh hoạt xã hội miền Nam cho đến sau “giải phóng”! Nhưng với người miền Nam, là nạn nhân trực tiếp, và bị phe chiến thắng gán ghép vô số tội ác dù họ chỉ hoàn toàn tự vệ, tại sao không là trọng tâm phim? Khi đã gọi là “tài liệu” mà bỏ tiếng nói của nạn nhân chính thì đã hẳn chủ đích của phim nhắm vào đối tượng khác. Đối tượng đó là cho chính người Mỹ vì những hệ lụy bi đát của quân nhân Mỹ sau ngày họ thảm bại quay trở về nước. Cho dù sau nầy đã sáng tỏ phần nào, như bức tường đen ghi danh 58.000 tử sĩ, nhưng sự chia rẽ quan điểm về sự thất bại đó vẫn còn là điều nhức nhối.

Nhưng chính người Việt Nam “học” được gì?

Người lính miền Bắc học được bài học đắt giá nhất. Đó là bài học bị tuyên truyền nhồi sọ và cưỡng bức vô Nam. Đảng cộng sản đã đưa họ vào chỗ chết. Chết rải rác dọc Trường sơn. Chết không tên tuổi, không mồ mả đến nỗi hơn 40 năm sau đồng đội vẫn còn bươn bã đi tìm. Những nghĩa địa dọc Trường sơn ai dám xác tín đó đúng là hài cốt của từng cá nhân chứ chưa nói đến là xương động vật! Chế độ khéo léo tạo ra phong trào tìm xác qua các “dịch vụ ngoại cảm”, cốt để xoa dịu nhất thời nỗi phẫn uất của thân nhân, cho thấy họ chỉ là những con tốt thí, hy sinh cho các “bầy sâu” “ăn không chừa một thứ gì” hiện tại.

Với người phía Bắc thì có đổi đời, tiến từ “bao cấp” đến văn minh hơn. Tiến từ đói rách lầm than đến tiện nghi vật chất. Nhưng nếp văn hóa cổ truyền lại gần như mất trắng. “Giá trị cao quý” hiện tại là bất chấp mọi thủ đoạn chỉ vì tiền, vì quyền, sẵn sàng đạp lên mạng sống người khác để hưởng thụ!

Sau 1975, người phía Bắc đã ồ ạt vào Nam mang theo tính giành giật và dối trá thời bao cấp, vì đã trở thành bản chất, rồi dựa vào gốc tích, đảng tịch nên chiếm được những cơ ngơi tốt đẹp từ thành phố đến khắp thôn quê, người “bản địa” bỗng chốc trở thành loại công dân hạng hai về mọi mặt. Như vậy khi kể lể “có công thống nhất đất nước” thì thống nhất thế nào? Và câu trả lời đã có sẵn: Hàng triệu người miền Nam liều chết vượt biên!

Đó là kết quả cụ thể của chiến tranh “giải phóng miền Nam”.

Sự thật trần trụi như thế thì The VietNam War lột tả được những gì?

Đây là lời của đạo diễn Lynn Novick tóm tắt về bộ phim:

“Chúng tôi muốn biết cái gì đã xảy ra ở nơi đây … mô tả thực tại, chiến tranh, chiến trường, sự chết chóc, sự hy sinh…Chúng tôi cố gắng không phán xét. Chúng tôi nói về những trải nghiệm tối tăm nhất trong cuộc đời nhân vật. Chúng tôi cố gắng trung thực với những bi kịch, kể câu chuyện từ nhiều phía, và tìm cách thể hiện rất nhiều trải nghiệm của người Việt Nam trong cuộc chiến.”

Và, sau khi xem bộ phim, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng để lại câu hỏi:

Phim muốn kể câu chuyện từ nhiều phía…rất nhiều trải nghiệm của người Việt Nam trong cuộc chiến” nhưng đã phỏng vấn rất ít người từ phía VNCH, mà cuộc chiến xảy ra căn bản là ở Miền Nam Việt Nam.

Thời giờ dành cho những người này cũng rất vắn vỏi, coi như chỉ qua loa để gọi là có phỏng vấn. Đâu là những hình ảnh và câu chuyện của những người quân nhân anh dũng của VNCH? Đâu là những hình ảnh vợ con của họ sống trong cảnh khó khăn, cô đơn ở thôn quê Miền Nam, chờ mãi không thấy chồng về?

Trong chập choạng nắng hoàng hôn soi bóng giữa mây trời và mặt nước hồ tĩnh lặng sau nhà, đang nhìn mẹ con nhà chim quốc bơi thẳng hàng, rẽ sóng thành hình chữ V từ mấy đôi chân nhỏ bé, người bạn chợt hỏi: “Tại sao anh không xem bộ phim?” Dù không muốn trả lời nhưng quay nhìn lại, trong đôi mắt đó có cái gì đó thật bâng khuâng, phải lên tiếng: “Bộ phim chỉ nên dành cho người ngoài cuộc tìm hiểu hay thưởng ngoạn. Người phía Bắc có thể rất thích vì họ chưa từng biết sự thật tại miền Nam thời đó. Họ cần mắt thấy tai nghe thân phận của người phía Nam trong máu lửa. Còn mình, người miền Nam, mới sinh ra đã bị ném ngay vào lò lửa chiến tranh, đã thấm đẫm vào ký ức rồi. Chuyện đã trôi qua 42 năm, dù vết thương da thịt đã lành nhưng vết thương tâm hồn vẫn còn nguyên vẹn. Tại sao không để nó ngủ yên mà tự mình cào xới lại? Cào lại cho tươm máu để làm gì? Đó là công việc của sử gia, của khán giả không liên quan trực tiếp đến cuộc chiến cần xem để biết rõ chiến tranh và tội ác”

Chữ V do mẹ con nhà chim quốc rẽ sóng, loãng dần, rồi tan biến. Tôi tự hỏi đó là chữ V biểu trưng của chiến thắng (victory) hay như thực tế trước mắt, là một chữ V upside down (chữ V ngược), V là Việt Nam, đang chìm dần dần vào bóng tối, vì kẻ chiến thắng 42 năm trước chủ trương bảo vệ đảng đang quỳ gối trước giặc phương Bắc?

(28/9/201)

Hồ Phú Bông

 

4 BÌNH LUẬN

  1. CHIẾN VÀ PHẢN CHIẾN

    Chiến tranh nào phải điều vui
    Chỉ đều bất đắc trên đời vậy thôi
    Chỉ thằng mê muội hồ đồ
    Mới thường lên tiếng hô hào đánh nhau

    Bởi vì máu chảy thịt rơi
    Nó luôn hủy hoại bao nhiêu con người
    Tinh thần vật chất rõ rồi
    Nhung còn dân chủ nhất là tự do

    Chiến tranh đều kiểu phường trò
    Được vua thua giặc lẽ nào không hay
    Bây giờ dù đã qua lâu
    Việt Nam hai cuộc chiến tranh trường kỳ

    Hy sinh nói mấy cho vừa
    Cả hòa bình đến cũng hoài hi sinh
    Nên giờ tranh cãi còn hăng
    Chiến và phản chiến phải chăng đâu huề

    Đúng toàn là dại lê thê
    Chiến tranh ý hệ mọi bề hiểu đâu
    Vậy mà chỉ nói một chiều
    Giống đời ngu hết chỉ mình mình khôn

    Một thời chưa đủ hoàn hồn
    Jane Fonda đó hỏi còn nữa đâu
    Hay là kiểu Nguyễn Thái Bình
    Qua rồi nhiều lắm tên trường đặt thôi

    Còn như sự thực đâu tồi
    Dần dần im ắng mọi điều rõ ra

    Vậy mà chưa thấy mù lòa
    Chiến tranh vệ quốc quả là nói điêu
    Miền Nam với Mỹ đồng minh
    Có đâu ám xác là quân “chư hầu”

    Khác xa miền Bắc mọi màu
    Bởi vì “ý hệ” đều hầu “phe ta”
    Ngay như chỉ chuyện Hoàng Sa
    Quả đều đủ thấy Trung Hoa hay gì

    Vậy nên không thấy ngu si
    Chỉ vì kết quả còn gì nói sao
    Toàn như Miền Bắc “cờ đào”
    Còn Miền Nam vẫn chỉ luôn “cờ vàng”

    Dù giờ lịch sử sang trang
    Khách quan là vậy chỉ người ngu thôi
    Con hươu lại bảo con cò
    Cũng nào đâu được chỉ vì hươu cao

    Nên thôi đừng nói tào lao
    Dân ngu thì biết thế nào là ngu
    Cho dầu sự thật thù lù
    Vẫn nhìn chỉ thấy tù mù khác đâu

    Tuyên truyền thật hại làm sao
    Nó làm não trạng con người hư đi
    Dễ nào còn có tư duy
    Mà đều cảm tính từ ngoài cài vô

    Quốc gia gặp lúc ba đào
    Con người hại chính con người khác đâu
    Nên thôi chờ đến mai sau
    Dễ chi sự thật mục mà hoài lo

    Dẫu non thế kỷ đi rồi
    Chẳng qua như nước dưới cầu mà thôi
    Nước thì cứ chảy hoài hoài
    Ngàn đời vẫn vậy dễ nào chủ quan

    TIẾNG NGÀN
    (29/9/17)

  2. Bộ phim sẽ không nói lên sự thật lịch sử mà mục đích là để giải tỏa và hòa giải giữa hai cựu thù giai đoạn sau bang giao, và phim cũng hoàn toàn bỏ sót vai trò lịch sử nước đồng minh của Mỹ là VNCH, mà trong đó, người lính của QLVNCH và cũng có thêm nhiều đồng minh khác tham chiến là để bảo vệ tự do, không chỉ cho MNVN mà là cho cả thế giới khỏi họa đỏ cộng sản. Người lính VNCH không thua kém về trí tuệ, về chiến thuật hành quân, và chiến lược nhưng thua vì đã không làm vừa lòng người đồng minh Mỹ.
    Tại sao người Mỹ sau 42 năm vẫn chưa có cái nhìn trung thực là điều dễ hiểu vì cộng sản Hà Nội vẫn còn đang cầm quyền và Mỹ đang còn cần đến họ. Thử nghĩ xem, mới chỉ cho thêm vài sự kiện mới so với nhiều bộ phim trước như phỏng vấn vài người bên thua cuộc mà cộng sản Hà Nội đã cấm chiếu thì nếu nói toàn bộ sự thật thì liệu Vietcong có còn đất sống mà để làm bạn với Mỹ? Thú thực là nv không coi phim và cũng không cần coi mà vẫn hiểu, vì ngày nào chính giới, truyền thông, và sử gia Mỹ chưa nhìn nhận xương máu của quân dân MNVN đổ ra là để bảo vệ tự do và dân chủ là chính nghĩa thi tất cả phim ảnh và sách vở về cuộc chiến tranh VN vẫn còn nói chỉ một chiều, không bao giờ công bằng, không trung thực và đầy đủ, dẫu có 100 bộ phim nữa cũng vậy.

    nv

  3. Bộ phim này, như Bùi Quang Vom đã nói là người Mỹ tự giải thoát cho nhau. Còn nạn nhân của sự xô đẩy khắc nghiệt từ cộng sản Bắc Việt và “đồng mình Mỹ ” đã không có được tiếng nói nào về thời cuộc và bản thân của họ, nhất là những người lính tác chiến. Phim này có khuynh hướng kể tội của phe chống cộng sản và lập lơ về tội ác của phía bên kia. Một bên thì giết choc bởi một số cá nhân, một bên thì tàn sát có chủ truong, có hệ thống từ trên xuống. Bạn đã thấy gì về CCRD, tết Mậu Thân, khủng bố với mìn và lựu đạn…trong phim này? Tôi hoàn toàn hoài nghi về nội dung của những câu hỏi mà bọn đạo diễn dành cho mỗi nhân chứng trong phim. Đó là chưa kể những sự thật nằm đang sau các sự kiện có dính dáng tới HCM mà đạo diễn đã hoàn toàn bỏ qua. Dù họ có nói gì đi nữa thì cái sự thật rành rành là cả thế giới khi muốn nhờ đến Mỹ đều nhớ đến sự bỏ rơi của họ đối với miền nam VN. Bộ phim này là dành cho người Mỹ theo đúng ước nguyện của họ.

Leave a Reply to PHIẾM NGÀN Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên