Xắn tay áo lên

2

Trong khi chờ đợi nhận liều vaccine chống virus Vũ Hán, chúng ta thường gặp cụm từ: Hiệu quả (efficacy) hay Công hiệu (effectiveness) và kèm theo những con số phần trăm. Thí dụ, ở Mỹ có vaccine của Moderna hiệu qủa 94.5%; vaccine của Pfizer-BioNTech hiệu quả 94%; vaccine Johnson & Johnson hiệu quả 72%. Tại Anh quốc, có vaccine AstraZeneca hiệu quả từ 60 đến 90%. Tại Nga có vaccine Spunick V đạt hiệu quả 90%. Vậy, những con số phần trăm này đến từ đâu, mang ý nghĩa gì, và chúng ta nên quan tâm đến nó không?

Để hiểu được ý nghĩa của nó, xin nhắc lại đôi dòng về quá trình thử nghiệm vaccine. Mọi vaccine đều phải qua ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn I và II là đánh giá mức độ an toàn. Giai đoạn III đánh giá mức độ hiệu quả. Những con số phần trăm kể trên đến từ kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.

Giai đoạn III được tiến hành như sau: Hãng dược phải tìm đủ số người tình nguyện, rồi chia họ thành hai nhóm: Nhóm I được tiêm vaccine chống Covid-19. Nhóm II được tiêm một loại huyết thanh; thực ra, là vaccine giả hay còn gọi là placebo.

Bước tiếp theo, các nhà vaccine học theo dõi xem: Ai bị nhiễm virus? Họ thuộc nhóm nào: nhóm vaccine thật hay vaccine giả (placebo), mức độ bệnh nhẹ, vừa, nặng, trầm trọng, hay tử vong. Cuối cùng, họ tính toán, đánh giá, so sánh giữa hai nhóm và đưa ra những con số phần trăm trên để kết luận.

Một thí dụ cụ thể: Hãng Pfizer đã kêu gọi được 43,661 tình nguyện viên, rồi chia thành hai nhóm như trên để thử nghiệm. Kết quả, có 170 người bị nhiễm virus corona (phải có cả triệu chứng và thử dương tính). Trong số 170 người này, có 8 người thuộc Nhóm I (vaccine thật) và 162 người thuộc Nhóm II (placebo – vaccine giả). Từ những con số trên, những nhà vaccine học tính tỷ lệ của mỗi nhóm, so sánh sự khác biệt giữa hai nhóm, và đưa ra giá trị gọi là “Hiệu quả 95%”. Như vậy con số phần trăm này là phép so sánh, tương tác giữa Nhóm I – vaccine thật và Nhóm II – vaccine giả.

Con số 95% này không hề ngụ ý rằng cứ 100 người tiêm vaccine, thì có 95 người được miễn nhiễm, và 5 người còn lại có nguy cơ bị nhiễm. Con số phần trăm này cũng không hàm ý: Tỷ lệ phần trăm càng cao, thì vaccine đó càng tốt. Con số 95% này cũng không ám chỉ 95% cơ hội bạn được an toàn khi tiếp xúc với virus.

Ngày 27/2/2021, hãng Johnson & Johnson công bố kết quả phép thử vaccine trên 45,000 người, đạt hiệu quả 66%. Chính phủ Mỹ và nhiều quốc gia khác đã chấp nhận và đưa vào thị trường ngay ngày đầu tháng 3/2021. Như vậy, không có nghĩa là vaccine của Johnson & Johnson kém hiệu quả hơn so với những loại vaccine khác.

Hơn nữa, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thời gian tiến hành phép thử đóng vai trò quan trọng. Cùng một vaccine, nhưng nếu thử nghiệm vào thời điểm đỉnh dịch kết quả rất khác so với thời điểm dịch đang thoái lui. Nơi chốn thực hiện phép thử cũng rất quan trọng. Thí dụ, vaccine của Johnson & Johnson có hiệu quả 72% tại Mỹ, nhưng 57% tại Nam Phi. Vaccine của Novavax có hiệu quả 90% tại Mỹ, nhưng 50% tại Nam Phi. Đó là chưa kể tới yếu tố: cơ địa, bệnh tật, tập quán, văn hóa, khí hậu, chủng tộc, thói quen.

Tất cả những nhà y học đều cho rằng hiệu quả của một loại vaccine trên 50% là chấp nhận được.

Khi một người bị nhiễm virus corona, những khả năng xảy ra: Thể nhẹ và vừa chỉ cần cách ly tại nhà. Thể nặng phải nằm viện. Thể trầm trọng phải nằm hồi sức cấp cứu hoặc tử vong. Mục đích của vaccine là ngăn chặn nguy cơ phải nằm viện hoặc tử vong. Những vaccine hiện có trên thị trường Bắc Mỹ đều đáp ứng được mục đích này. Vậy, chúng ta không cần phải quá cầu toàn.

Mục đích lớn nhất là dập tắt đại dịch càng sớm càng tốt. Vậy khi vaccine có mặt, bạn nên tiêm ngay, đừng chần chừ, đừng kén chọn, càng nhanh càng tốt, càng nhiều người tiêm càng tốt. Đây là con đường nhanh nhất, và an toàn nhất để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Bạn phải vượt qua một chặng đường dài. Xe nào đưa bạn đến đích đều tốt. Tại sao phải chọn Toyota hay Honda. Hãy xắn tay áo lên! Nhận lấy bất cứ liều vaccine nào mà sở y tế địa phương cung cấp. Ấy là, bạn đã tham dự vào cuộc chiến đầy cam go, và góp phần chiến thắng Virus Vũ Hán.

Calgary, Alberta, Canada

March 18, 2021

2 BÌNH LUẬN

  1. Ngoại trừ một số ít người Việt tại Mỹ không tin Covicd19 là dịch , tất cả người Việt Nam còn lại đều tin covicd19 là đại dịch nguy hiểm .

    Số ít người Việt không tin covicd19 chính là thành phần cuồng Trump . Không giống với người Mỹ Trắng cuồng Trump , người Việt cuồng Trump miệng nói không tin đại dịch nhưng trong bụng thì rất sợ . Khi có thuốc chich người đã tìm cách được chích ưu tiên . Sau đó khoát lác bảo mình chống chích ngừa , không chích ngừa , thậm chí tuyên bố chỉ chích 1 liều không cần chích liều thứ nhì .

    Bản chất cuồng Trump vì tự ái đã lộ ra bản chất gàn bướng của kẻ anh hùng rơm , chỉ biết chú trọng cái mặt mũi . Quên rằng mình đã có hành động và lời nói của kẻ sống bám vào người khác và gây nguy hiểm cho cộng đồng .

    Sự sống của những người cuồng Trump còn được tới ngày hôm nay là nhờ sống bám vào những người “ chịu khó mang khẩu trang , chịu khó giãn cách xã hội , chịu khó rửa tay nhiều lần , chịu khó chờ đợi ghi danh tham gia chích ngừa covicd19 “

    Những người Việt cuồng Trump chính là những kẻ sống bám vào những người tuân thủ ngừa và chích ngừa covicd19 , rất đáng bị lên án là thành phần sống bám vào thiện tâm , thiện ý của người chống đại dịch covicd19 .

  2. Hoàn toàn đồng ý. Châu Âu vừa mới cho phép xử dụng lại vaccine của AstraZeneca. Như vậy là còn thấy tương lai sáng sủa. Chích ngừa là một việc làm khôn ngoan, nó đã giúp cho biết bao triệu người thoát cảnh bệnh tật ngặt nghèo mà trước đó nhân loại đã bó tay. Xin đừng nghe lời của một thiếu số ngu ngốc mà bỏ lỡ cơ hội để cứu mình và cứu người.

Leave a Reply to Dân chơi lăng cha Cả Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên