Sách Việt Hải Ngoại – Hiện Tại và Tương Lai

8

 

Sách Việt Nam tại hải ngoại, trong hiện tại thế nào, về tương lai ra sao?

Xin đọc ba chuyện dưới đây.

Chuyện thứ nhất: Tâm sự của một tác giả đã có trên ba tác phẩm biên khảo: Có hai người từ tiểu bang khác đặt mua sách, tôi gửi sách đi theo priority mail, nhưng họ nhận sách rồi…”quên” luôn, không trả tiền, dù cho tôi đã gửi thư nhắc nhở.

Chuyện thứ hai: Hai tiểu bang Maryland, Virginia, cộng thêm Thủ Đô Washington-DC – nơi có cộng đồng người Việt đông thứ năm tại Hoa Kỳ, vậy mà không có lấy một tiệm sách. Đúng ra, chỉ có một tiệm bán băng nhạc, ké thêm vài kệ sách. Vậy cũng là đáng mừng lắm rồi.

Chuyện thứ ba: Kinh nghiệm bản thân người viết. Có lần gởi sách cho một anh – một nhà báo từ trong nước ra tới hải ngoại. Anh viết thư cám ơn nhưng kèm thêm dòng chữ: “Nói thật, An đừng mất công nữa nhé”.

Ba câu chuyện trên – có thể nói là điển hình trong thế giới sách Việt tại hải ngoại, cho thấy càng ngày càng ít người đọc sách. Nói đúng hơn, ít người mua sách. Hoặc cả hai.

Tôi có cảm tưởng đó là một cuộc chiến.

Cuộc chiến có ba phe.

Phe người đọc, phát ngán lên được với những buổi giới thiệu sách không-đi-không-được của bạn bè. Thấy bạn hào hứng kể lể về đứa con tinh thần, hớn hở ký tặng sách, còn mình thì rầu thúi vì phải bỏ tiền ra mua và biết chắc sách lại chiếm thêm một chỗ trong nhà vốn đã đầy ắp đồ đạc. Tâm trạng héo hon ấy chẳng khác gì tâm trạng nàng Kiều, mặc người mưa Sở mây Tần, riêng mình nào biết có Xuân là gì!

Phe người viết, hì hục, vò võ, tốn cả ngàn tiếng đồng hồ ra viết, viết miệt mài, viết lầm lũi; rồi thì tốn cả ngàn đồng để in thành sách, lại tốn thì giờ, tốn tiền bạc tổ chức ra mắt sách, gởi chỗ này chỗ kia bán. Cuối cùng tâm trạng cũng in hệt Kiều nương, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, giật mình, mình lại thương mình xót xa!

Và phe… những cuốn sách. Khi in ra – được nâng niu vô cùng từ bìa đến ruột. Đến lúc bán đi (nhiều khi là “cho đi”) – bị xếp ngay vào một góc, đóng bụi. Nếu sách có nói được hẳn sẽ than, như Kiều nhi từng than, khi sao phong gấm rũ là, giờ sao tan tác như hoa giữa đường!

Trong cuộc chiến, phe đọc sách và phe làm sách dường như nằm trong chiến hào của mỗi bên. Rình rình nhau, xem bên nào đổ trước. Đọc-Sách lâu lâu hỏi vói qua: Chết chưa? Làm-Sách đáp: Chưa chết! Đọc-Sách càng không thèm mua, rồi lại hỏi vói qua: Chết chưa? Vẫn đáp: Chưa chết! Và cuộc chiến cứ thế tiếp diễn, dai nhách.

Một số Đọc-Sách, cuối cùng “xông lên”, nhất định không thèm đọc nữa, dù có cho free cũng không thèm. Uyên Thao có lần chỉ vào gói sách bị trả về, nói với tôi: “Không sai địa chỉ, nhưng sách gửi đi thì bị trả về, chắc người ta không muốn nhận”. Sách của Tủ Sách Tiếng Quê Hương được gởi đi trước, bạn đọc ai muốn trả tiền thì trả, không thì thôi. Nhưng nhiều người đọc dứt khoát không “thỏa hiệp”. Họ thét to: “Các ông ơi, bọn tôi không đọc nữa đâu, xin làm ơn làm phước đừng viết nữa, đừng in nữa, đừng gởi nữa” – “Không, không, không. Tôi không còn, tôi không còn đọc sách (của các ông) nữa…” v.v. và v.v.

Vậy người viết có chùn bước không, có bỏ cuộc không?

Câu trả lời là KHÔNG!

Vào những số đầu tiên của bản Tin Sách, Trần Phong Vũ nhắc tôi: “Giới thiệu 10 cuốn sách trong một kỳ Tin Sách thì tốt đấy, nhưng lỡ đến lúc không còn sách hay thì chả nhẽ đi giới thiệu sách coi bói à?”

Tôi cười, thầm nghĩ, ông anh mình cũng thuộc loại không (thèm) đọc sách rồi. Vì nếu có theo dõi thị trường sách Việt hải ngoại mới thấy số lượng sách được xuất bản không hề giảm mà chỉ có tăng. Tin Sách chạy hụt hơi cũng không giới thiệu hết sách của các văn hữu của gia-đình-chúng-ta đâu.

Trong cái-gọi-là “cuộc chiến sách Việt hải ngoại”, phe làm sách quả rất ngoan cường. Chê gì chê, cười gì cười, họ vẫn lầm lũi tiến lên, như thể muốn nói: “Các ông không mua thì thôi. Chúng tôi cứ viết đấy, cứ in đấy. Đã sao nào”.

Cứ như nếu gặp câu hỏi: Why do you have to make books?
Thì câu trả lời sẽ là: Why not?

Những người viết không phải không có lý, nhất là khi sách thuộc thể loại hồi ký. Khi những người ông, bà, cha, mẹ, viết ra với mục đích để lại ký ức của mình. Nhờ đó, một ngày kia, con cháu sẽ biết được tại sao chúng có mặt trên xứ người chứ không là Việt Nam. Sách dành riêng cho người trong nhà đọc, người ngoài có đọc thì chỉ là đọc ké mà thôi.

Có điều cần viết, có người muốn viết, và có đối tượng để viết cho. Vậy là đã đạt yếu tố con người, tức Nhân Hòa. Thế thì phe làm sách đã chiếm lĩnh được một ưu thế rồi đó.

Về yếu tố Địa Lợi? Nếu nói theo kiểu chơi chữ, “địa” là “tiền”, thì không có gì khó khăn với phe “mần” sách cả. Nhiều vị có sẵn tiền… hưu, để dành một năm, vài năm, cộng thêm con cái giúp cho một ít là đủ “đắc địa” rồi.

Tôi biết một người dành dụm tiền hưu in hồi ký. Ông tự soạn sách, tự dàn trang, tự xuất bản. Sách ông trình bày chẳng theo bất cứ quy tắc nào hết. Hễ thấy cần nhấn mạnh, ông cho chữ đậm hay chữ hoa to tướng, trông rất tức cười. Nhưng ông viết thẳng, viết thật, viết tếu lâm, nên đọc thấy rất gần gũi, dễ thương. Sách bán được hơn 200 cuốn. Tác giả hỏi Uyên Thao nghĩ sao. Uyên Thao cười, vậy thì quá giỏi rồi còn gì.

Và yếu tố cuối cùng – Thiên Thời, thì sao?

Chưa bao giờ thời cơ lại thuận lợi với người viết hơn lúc này. Phương pháp Print-On-Demand (in sách theo yêu cầu) – với Amazon là trung tâm tiên phong – đang là một cơ hội Trời ban cho những ai muốn xuất bản sách mà không rủng rỉnh tiền vốn hay rộng rãi kho chứa.

Điển hình là cuốn Cưỡi Ngọn Sấm mà tôi được dịp phụ với các anh Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền trong việc dịch thuật. Anh Quý lo phần xuất bản sách. Anh tạo trương mục (account) với Amazon, làm layout trên khuôn có sẵn của Amazon. Khi nào có người muốn mua sách, anh báo tin cho Amazon biết, thế là Amazon gởi thẳng về địa chỉ của người mua. Tiền thu được từ bán sách, sau khi trừ hoa hồng (không nhiều lắm) sẽ được Amazon gởi về cho tác giả. Thật gọn gàng, nhẹ nhàng. Người làm sách không phải ôm cả trăm cuốn sách, cũng không phải hì hục gói sách, gởi sách, rồi còn nơm nớp lo bị quỵt tiền hay bị thất lạc.

Và như thế, với cả ba yếu tố: thiên thời – địa lợi – nhân hòa, thị trường sách Việt hải ngoại hiện tại vốn đang dồi dào, thì trong tương lai gần, sẽ còn dồi dào hơn.

Nhưng, vẫn còn đó câu hỏi: Sách in ra nhiều thật, nhưng ai đọc cho đây?

Thưa đúng, sách in để đọc chứ chẳng để ngắm, và người đọc hải ngoại thì cứ như sao buổi sớm, như lá mùa thu…

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, mà có lẽ trong kho Nhà Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ vẫn còn một đống sách tồn đọng, trong một buổi họp mặt văn nghệ đã rất lạc quan tiên đoán rằng: “Chúng ta chả có gì phải lo ngại. Một ngày không xa, sách hải ngoại sẽ “vượt biển” xâm nhập Việt Nam. Tới lúc đó, chỉ e chúng ta không có đủ sách để bán nữa chứ”.

Nhà văn quân đội Trần Hoài Thư, ròng rã hàng chục năm với việc sưu tầm, tự in ấn và phát hành những tác phẩm của Miền Nam–Việt Nam Cộng Hòa qua Nhà Xuất Bản Thư Ấn Quán, vẫn đều đặn cho ra đời những tập sách nho nhỏ, xinh xắn. Loạt sách này dần được sự hưởng ứng của người trong nước, nhất là giới trẻ Việt Nam, khi họ ngày càng ý thức rằng trên đất nước ngột ngạt đang sống đã từng có một nền văn học tự do.

Còn Uyên Thao, người sáng lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương, thì từng nói ông đang “làm ăn mày để in sách”. Với Uyên Thao, người tự cho mình “chưa bao giờ làm văn học” mà “chỉ chọn cây viết thay cây súng”. Với ông, mỗi cuốn sách là một “người cán bộ” . Người cán bộ nếu không giữ tư cách thì không thuyết phục được dân, cũng thế, nếu cuốn sách không chỉnh tề, từ nội dung đến hình thức, thì sẽ không được bạn đọc đón nhận. Và thế là “gã hành khất” Uyên Thao cứ lầm lũi ăn mày để đào tạo cán bộ. Cho tới nay, Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã cho ra đời trên 70 tác phẩm.

Còn riêng tôi, trong việc làm Tin Sách, tôi không ngừng xúc động mỗi khi đọc được những cuốn sách thật hay nhưng ít người nhắc đến. Sách như trẻ nhỏ. Em nào may mắn vào gia đình khá giả, khi sinh ra được mọi người đón mừng, chúc tụng. Còn những em kém may mắn hơn lỡ sinh trong gia đình nghèo khó thì sự ra đời của các em sẽ thật lặng lẽ, âm thầm. Tôi chỉ hy vọng Tin Sách sẽ giúp bạn đọc biết đến những cuốn sách kém may mắn ấy dù chỉ qua vài hàng giới thiệu ngắn ngủi.

Xin có vài lời cuối…

Với người đọc: Xin đọc ít nhất một vài trang cho một cuốn sách. Có thể bạn sẽ bắt gặp một câu – và chỉ cần một câu thôi, sẽ giúp bạn rất nhiều. Và sau đó, nếu bạn muốn giục sách vào thùng rác thì cứ tự nhiên vì bạn đã được nhiều hơn là bỏ ra rồi đấy. Ngay cả khi không thu lượm được gì, bạn cũng sẽ học được cách đừng viết như thế, đừng nói như thế. Không phải khoa học gia lừng danh Thomas Edison đã bảo rằng: “Tôi biết tới một ngàn cách để không thành công”.

Với người viết: Xin cứ tiếp tục viết, dù khó khăn, dù nản lòng, dù biết mình viết dở ẹc. Nếu sách viết ra không bán được thì càng mừng nữa chứ, vì bạn đã hoàn toàn được tự do – tự do khỏi cái ràng buộc vật chất đời thường. Bạn tốn tiền, bạn nhọc công vì một cuộc chơi. Mà nghĩ thử coi, cuộc chơi nào mà chẳng tốn tiền, tốn công. Nghề chơi cũng lắm công phu huống hồ là… chơi chữ.

Tôi vẫn phục Nguyễn Liệu. Ông thực hiện một cuốn sách dày cui, đặt tên hết sức chảnh: “Đời Tôi”. Sách in ra, bán được bao nhiêu thì bán, còn lại đem cho hết. Bây giờ, sách thành tuyệt bản, không phải thích thú sao?

Tôi hên, mua được một “Đời Tôi”. Quý lắm. Mỗi lần cầm sách lên, tâm trạng không khác tâm trạng nàng Thúy Kiều thuở nao:

Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!

Trịnh Bình An

8 BÌNH LUẬN

  1. SÁCH VÀ NGƯỜI

    Ngàn xưa đã có sách rồi
    Con người đã đọc mới đời càng lên
    Sách luôn đủ loại trên đời
    Bởi người đủ loại phải kèm sách thôi

    Sách khi đọc những bồi hồi
    Có khi lại muốn chưởi cha đứa gàn
    Vậy người và sách ai oan
    Có khi oan đến đại tràng vậy thôi

    Ai ham viết sách cho đời
    Ai ham viết sách cũng nơi kiếm tiền
    Ai ham viết sách tuyên truyền
    Gạt đời để thấy mình toàn ngon cơ

    Thôi thì sách loại y tờ
    Hay là bác học ai ngờ là đâu
    Sách ra để bụi phủ đầu
    Hay là sách quý dễ hầu tìm sao

    Nên người vẫn mãi tào lao
    Có khi cả sách tào lao hơn người
    Có khi sách đọc để cười
    Có khi sách đọc nhìn đời tiếu lâm

    Bây giờ hỏi sách có cần
    Khi internet ngoài sân trong nhà
    Kinh doanh còn có thiết tha
    Hay người thiện chí có là còn không

    Bây giờ sách quả viễn vông
    Nó thành nước loãng quả không ra gì
    Đạp lên trên sách mà đi
    Nhưng nhìn lên chẳng thấy gì sách đâu

    Khác xa tài của Truyện Kiều
    Của Chinh Phụ Khúc vẫn đời tưng tiu
    Khác xa kiểu Đạo Đức Kinh
    Nên chi sách Mác Lênin ai cần

    Sách ngoài hải ngoại vang rân
    Một thời rồi cũng dần dần rồi qua
    Người mình thật cũng xót xa
    Chỉ ham con mắt hơn ham cái đầu

    Bởi vì mắt thấy thích ngay
    Còn như đầu thảy mọi bề tư duy
    Nên thôi lịch sử ê chề
    Người mình đâu đọc sách mê như đời

    Sang Âu sang Á mà chơi
    Có ai hiếu học như người Việt Nam
    Chỉ duy có thói càm ràm
    Chỉ ham đọc sách hiểu liền mới mê

    PHIẾM NGÀN
    (27/3/17)

  2. Từ ngày internet thịnh hành thì không những sách báo mà cả nhạc, phim cũng chết
    Người ta lên mạng đọc chùa nhiều
    Sách VN Hải ngoại cách đây 10 năm về trước thì lai rai có khá nhiều người mua, số người đọc ngày một giảm vì nhiều lý do:
    -Nay có nhiều giải trí khác cạnh tranh như nhạc, phim, du lịch…
    -Cuộc sống vật chật khiến con người xa lánh cuộc sống tinh thần
    Người mình ít đọc sách nhưng người Tây phương vẫn đọc, có bản tin cho hay người Nga rất ham đọc sách báo
    Các tiệm sách VN hải ngoại, các nhà xuất bản sách VN lớn như Đại Nam, Xuân Thu nay đều đã dẹp tiệm
    Thời thế đổi thay, ngay cả giới trí thức bây giờ cũng mệt mỏi huống hồ

  3. Cảm ơn tác giả TBA đã diễn bày sự thật về “văn đàn” của người Việt hải ngoại với âm điệu thơ phú rất sâu sắc.
    Hiểu biết thấu đáo vấn đề bao giờ cũng là một niềm vui nhưng nếu cười được ba tiếng thì cũng phải khóc ba tiếng !!!

  4. Cảm khái cho bài viết. Cám ơn tác giả! Tôi nhớ đã đọc đâu đó hơn bốn thập niên về trước ” Giai phẩm đam mê người kiến thức. Tố thư quyến rủ khách tài hoa. “, không biết có phải của thi hào CBQ, NCT hay trạng trình NBK? Any Way, thuở còn học lớp ba tôi có thằng bạn thân “chí cốt”, tên hắn là Nguyễn Thành Tư, tự “tư sún”. Tôi mê đọc truyện ‘bằng tranh’ có hình, nên ngày nào cũng để dành tiền ‘ăn sáng’ đi học má tôi cho, mỗi chiều tan học là tấp ngay vô sạp sách, báo vớt ngay một cuốn Lucky-Luke, phiên âm tiếng bồi là Lú ky Lú ke đọc “Phê” luôn, rồi từ từ chuyển hệ qua Bonaza, Wild Wild West vv toàn là…Anh hùng miền Tây, tiếng Việt. Sau này sắp lên lớp Nhì thì đổi qua “Tây Du Ký” rồi “Loan Mắt Nhung”, cũng truyện bằng tranh ảnh nhưng ít hình nhiều…Chữ. Quyển tiểu thuyết đầu tiên, (đã nâng cấp) là “Bồn Lừa” của Duyên Anh, rồi từ đó tôi bước vào “Cổng Trường Vôi Tím” của Nhã Ca, sau khi đọc xong “Giải Khăn Sô Cho Huế” tôi hận đời cô độc (đùa thôi) sách cây tàn bái đao giả dạng Dương Chí Tôn, huyết tẩy võ lâm với…”Lệnh Xé Xác” của Lã Phi Khanh, sau khi tham quan “Chín Tầng Địa Ngục” LPK, tôi chán nản vì không muốn chung chạ với tên “Bả Chó” Uncle Ho, (Google Translated)… Sau một thời gian rèn luyện ‘Nhứt Dương Chỉ’ tôi lên Hoa Sơn phân tài cao hạ với “Võ Lâm Ngũ Bá” của Kim Dung và làm quen với “Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp” lần cuối tôi gặp Triệu Minh “Cô Gái Đồ Long” trên Quang Minh Đỉnh thì…Miền Nam đứt bóng, tôi ‘Phi Thân’ một lèo qua Mỹ năm 1975 truy sát mấy em tóc vàng mũi lỏ để…”trả thù dân tộc”! Ha ha. Mười năm không gặp thằng bạn nối khố, tôi có hỏi thăm gia đình tôi về Tư sún, mới hay hắn đã bị đi “nghĩa vụ quân sự” bên Cam-pu-chia rồi mất tích hay đúng hơn là mất xác. Có một chuyện về hắn mà tôi không bao giờ quên là: Hắn luôn mượn sách của tôi đọc mà…quên trả!? Bực mình, mỗi khi đòi thì hắn nhe răng ‘sún’ ra cười, tao…quên. Thiệt muốn đục cho hắn một cái cho hắn thành ‘hăng rết’ luôn. Cũng vì, bởi vậy mà sau nầy mua quyển sách nào tôi đều viết lên trang đầu bìa…”Có tiền mua sách mà coi, có của cho mượn mắc công đi đòi.”…Thời đó tôi có một ‘Thư Viện tí hon’ khoảng năm trăm cuốn đủ loại, sau ngày VC cưỡng chiếm MN người nhà đem đốt sạch, tiếc ghê. Bây giờ tôi cũng có một Thư Viện mini khoảng ngàn quyển, để vây thôi chứ gần mười năm qua tôi chưa đọc nổi nửa quyển. Mỗi lần mua nhà hoặc dọn nhà là…bá thở. Mỗi khi ngồi buồn nhìn kệ sách lại chạnh lòng nhớ đến bạn tôi “Tư sún”, phải chi hắn có đây tôi cho hắn mượn…bất hoàn!!! Avcđ

    • Thật thà dễ thương qúa, đàn anh! (trích Avcđ)
      (Bây giờ tôi cũng có một Thư Viện mini khoảng ngàn quyển, để vây thôi chứ gần mười năm qua tôi chưa đọc nổi nửa quyển.)
      Viết hay thế. Bravo!

      • Thanks bác tonydo! Lâu lâu tùy hứng, trải lòng mình một tí góp ý mua vui cùng huynh đệ trên dđ cho…xôm tụ vậy mà, chẳng lẽ suốt đời đọc “chịu” thì hơi bị…kì! Chứ thật lòng thì, nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn, ai khanh tướng ai công hầu, rồi tất cả cũng trở về cùng cát bụi phải không bác tonydo? Sách nhiều quá đâm ra làm biếng…đọc, hi hi. Có lẽ đây là điều tất yếu, thuận theo luật đào thải của Tạo vật, càng già càng lười (đừng hiểu lầm càng già càng dẽo càng day!). Theo tôi thì văn chương cũng tương tự như vườn hoa vậy, nó trăm hồng ngàn tía đủ sắc đủ màu, mỗi người một thị hiếu, kẻ sai mê Lan, kẻ chuộng Mai, người yêu Hồng (xin lỗi, đây là tên của các loài hoa, nếu có sự trùng hợp là.. ngẫu nhiên ngoài ý muốn của người viết, đa tạ!), cũng có một nhạc sĩ nào đó đã viết…”nàng yêu Mai tím, tôi chuộng Hồng, đúng không quí vị?! Ví dụ những pho dã sử-kiếm hiệp-Trung Hoa, có nhiều bộ nhìn thôi cũng đủ oải, dài ba bốn ngàn trang, cả chục cuốn ứ hự. Đôi khi tui cũng phục tui luôn, thời tuổi trẻ ít nhất đã đọc vài lần, bây giờ thì nếu lại tui phải…ăn gian, chơi cuốn chót, ha ha. Cũng như anh ‘Thiến Heo’ đã đề cập phần còm ở dưới, quan trọng là nội dung, cốt truyện và tình tiếc đặc dị của mổi nhà văn. Lấy một vd điển hình, bạn đã đọc trọn bộ “Tiếu Ngạo Giang Hồ” hay còn gọi là “Quỳ Hoa Bảo Điển” lẽ đương nhiên bạn đã biết tg KD muốn lột mặt nạ tên ‘ngụy quân tử’ Nhạc Bất Quần, bất chấp thủ đoạn kể cả ‘tự cung’, tự thiến để học cho được tuyệt thế võ công “QHBĐ” trên mảnh ‘sa bào’, áo cà sa, để kết cuộc phải trở thành một kẻ bệnh hoạn, biến thái, thân bại danh liệt, nhơ danh hậu thế. Nói đến NV Bình Nguyên Lộc, ngươi ta nghĩ ngay đến truyện “Đò Dọc” nói về bối cảnh…bỏ phố lên rừng và đã được phổ nhạc dù BNL có mấy chục tác phẩm khác, như “Nửa Đêm Trảng Sụp” mà tôi đang có bảy, tám cuốn trên kệ sách tại nhà. Nói đến NV Lê Xuyên, thì có Nguyệt Đồng Soài, Vợ Thầy Hương, Kinh Cầu Muống và “Chú Tư Cầu” tác phẩm ưng ý nhất của LX. Mai Thảo, thì Sau Khi Bảo Tới, Sống Chỉ Một Lần, nổi tiếng nhất là “Sau Giờ Giới Nghiêm” vì được chọn làm phim. NV Nguyễn Thụy Long, thì có Kinh Nước Đen, Vang Tiếng Ruồi Xanh và “Loan Mắt Nhung” được dựng phim. Nói đến Tự Lực Văn Đoàn, Nhất Linh, Thạch Lam, người ta biết đến “Đoạn Tuyệt”, “Trống Mái”. Và nếu nói đến nhà văn Chu Tử, thì cái đặc điểm của CT là tiểu thuyết của ông chỉ võn vẹn tên một chử, như ” Yêu, Sống, Tiền” vân vân, nhiều lắm kể không hết, mệt nghỉ. Avcđ

  5. Sách hay thì có người đọc

    Tôi quan niệm cái gì hay, đẹp, ngon thì có người thưởng thức. Một bản nhạc hay thì mới nghe khúc đầu đã bị thu hút vào. Một bát phở ngon, mới lùa thử một miếng đã thấy ngon. Sách, dĩ nhiên khác. Nhưng bộ sách hay cho dù dày cộm thì người ta vẫn đón đọc. Bằng cớ là Harry Potter. Sách tiểu thuyết trường thiên ngoài văn chương còn phải chú ý cốt truyện, kiến thức và giải trí.

    Người Viết hải ngoại hay viết sách các thể loại hồi ký, dịch thuật, biên khảo, tập truyện ngắn, và thơ. Ngoài biên khảo, các thể loại khác đều thuộc văn chương và sáng tác. Nói đến văn chương là nói đến sự lôi cuốn của chữ. Của văn phong, bút pháp và ngữ vựng từng nhà văn. Không đúng sao, thời VNCH sở dĩ sách truyện thơ hay dịch phẩm hấp dẫn, phần lớn là do yếu tố văn chương từng tác giả. Bình Nguyên Lộc, Duyên Anh, Sơn Nam, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Mặc Đổ, Võ Phiến hay các nữ văn sĩ Túy Hồng, Thụy Vũ, v.v… đọc họ điều trước hết đọc giả kết vào chính là văn chương giọng điệu riêng biệt của họ.

    Ngoài giá trị căn bản văn chương, một quyển sách truyện hoặc hồi ký, ngay cả biên khảo đều phải có một chủ kiến, một cốt truyện mạch lạc, hấp dẫn thì người ta mới hứng thú đọc. Đọc Anh Hùng Xạ Điêu, Ba Chàng Ngự Lâm, Sống Thác Với Tình, Chú Tư Cầu, Bà Chúa Hòn … sở dĩ quyến rũ cũng là nhờ nó có cốt truyện.

    Quý vị nghĩ xem, nghe một bản nhạc mới tinh mà dường như có cảm giác là nghe… rồi đâu đó thì hỏng. Sách cũng vậy thôi.

    • Trịnh Bình An viết bài chủ đã thật và hay (Đoạn kết thì hơi….dối lòng), nhưng Thiến Heo gõ ý kiến coi bộ còn…..ngon cơm hơn một bậc.
      Xin cám ơn hai ngài!

Leave a Reply to Áo vải cờ đào Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên