S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Đêm Tam Giác Vàng & ngày trên cầu biên giới

2

Đường đời muôn vạn nẻo

Đâu lối về quê hương?

Giao Chỉ – Vũ Văn Lộc

Xong mấy việc lặt vặt ở Nam Vang, tôi qua Chiang Rai. Đây là một tỉnh lỵ ở cực bắc của Thái Lan – nằm một phần trong khu Tam Giác Vàng – thuộc vùng tam biên giữa Miến, Lào và Thái. Vì không “gây thương để nhớ” cho ai – ngoài dăm ba đứa trẻ thơ đen đủi, và ngơ ngác giữa Biển Hồ – nên tôi cứ lặng lẽ mà đi thôi, chả có song ca (hay hát đôi) bài Biệt Ly với bất cứ ai!

Ấy thế mà vừa xuống phi trường Mae Fah Luang, đã thấy tin nhắn của cố nhân qua fb:

  • Còn ở Phnom Penh không?

Đáp:

  • Sang Thái rồi. Tính mai chạy lên Tam Giác Vàng, rồi mốt đi bộ qua Miến Điện chơi chút xíu…
  • Trời! Muốn qua Burma thì nên xin visa cho nó đàng hoàng, dù có hơi tốn kém và mất công hơn chút xíu. Cũng như Golden Triangle, Myanmar không phải là đất lành đâu nha – thí chủ à!

Tôi cười (khà khà) mình ên. Ông bạn này đã từng ra vô Việt Nam vài lần, và lần nào cũng làm hao tốn không ít giấy mực của báo Quân Đội Nhân Dân (với rất nhiều lời lẽ vu khống và bịa đặt bẩn thỉu) vậy mà sau khi trở thành một nhà sư – sư Minh Trí bỗng trở nên cẩn thận và hiền lành thấy rõ.

Ông bạn (vong niên) khác – một nhà văn tăm tiếng, và nổi tiếng lang bạt kỳ hồ – cũng nói đến Golden Triangle, với ít nhiều dè dặt:

“Với diện tích khoảng 195 ngàn km2 với lịch sử là những năm máu me liên quan tới sản xuất và buôn bán ma túy đem lại lợi nhuận hàng triệu đôla nên có tên là Tam Giác Vàng. Đây là khu vực nổi tiếng với huyền thoại về những đoàn xe do lừa kéo có võ trang chuyên trở toàn thuốc phiện trong một vùng rừng núi rộng lớn không luật pháp chỉ có quyền uy bằng súng đạn giữa các lãnh chúa… Phúc và họa, khúc sông Mekong chảy qua khu Tam Giác Vàng đôi khi đỏ ngầu ấy vừa là mạch sống và cũng là dòng chảy có lẫn máu và cả nổi trôi những xác chết.” (Ngô Thế Vinh. Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Văn Nghệ: California, 2000).

Tôi chạy tới nơi thì “khúc sông Mekong chảy qua khu Tam Giác Vàng” chả còn máu me gì nữa, xác chết cũng không, chỉ thấy tấp nập ghe thuyền cùng những đoàn người ồn ào (xì xào) đến từ Trung Hoa Lục Địa. May là họ đi theo tour nên sự náo nhiệt cũng mất hẳn, khi những chiếc xe bus to đùng chất đầy du khách đã rời bãi đậu, lúc vừa nhạt nắng.

Có lẽ chỉ mỗi mình tôi còn ở lại, ngơ ngác giữa trời chiều, với dòng nước đục ngầu phù sa đang mải miết và cuồn cuộn cuốn nhanh. Rồi ngày tàn, đêm đến. Đêm Golden Triangle êm ả và tĩnh lặng. Hàng quán đóng im ỉm, đèn đóm lờ mờ. Phố xá vắng tanh. Chỉ thấy năm ba con chó ốm loanh quanh, thơ thẩn.

Nhà trọ nằm cạnh bờ, nhìn ra khúc giao lưu của hai nhánh sông từ Lào và Miến. Từ đây Khong River sẽ tiếp tục xuôi dòng theo nước Thái, vượt qua Cambodia, rồi trở thành Cửu Long Giang khi vào đến xứ mình.

Golden Triangle River – ảnh chụp 09/2018

Ôi, xứ mình! Sao cứ nhắc đến quê nhà là tôi cảm thấy hơi nặng lòng, và muốn … ực vài ly. May là giữa con lộ vắng vẻ chạy ngang Tam Giác Vàng có một tiệm Seven Eleven, mở cửa 24/24, rượu bia không thiếu.

Đêm nay mà không say rất uổng. Mà nào có riêng gì đêm nay. Đêm nào tôi cũng “xỉn” thấy mẹ luôn, dù (thường) chỉ uống một mình!

Sáng, cà phê thuốc lá xong, tôi ghé lên chùa chút xíu (chùa Prathat Pukhao) cho bà má vui lòng nơi chín suối. Chả có một mống khách thập phương nào ráo trọi. Cũng không thấy sư sãi, hay nghe ê a chuông mõ gì cả. Chỉ có tiếng chim lưa thưa, và thánh thót, tự trên những nhánh cây cao.

Cảnh vật trầm lắng, điêu tàn, và hoang phế. Riêng mỗi tượng Phật Thích Ca, đứng sừng sững giữa trời xanh, là trông còn rõ vẻ vẫn thách thức với thời gian.

 

Chùa Prathat Pukhao – ảnh chụp 09/ 2018Chùa chiền, thánh thất, giáo đường, đền miếu … đều là những nơi hoàn toàn không hợp với cái tính hiếu động của tôi nên cũng chả muốn nấn ná làm chi. Thôi thì đi chỗ khác chơi để chư Phật, cùng chư tăng, đỡ phải phiền lòng hay chướng mắt!

Cha tài xế taxi “dụ” đưa tôi đi lên Mae Sai, tới tận cửa khẩu Thái/ Miến luôn, với giá 600 baht. Khoảng hai mươi Mỹ Kim thì cũng chả là bao nhưng tôi vốn không ưa quăng tiền qua cửa sổ nên kiên nhẫn đứng đón một cái xe đò, chỉ tốn 30 baht (cỡ một đô la) là hết mức.

Có thời gian (không ngắn) tôi chạy xe lôi và “đứng bến” ở bến xe Lạc Hồng – Rạch Giá. Bốn mươi năm đã qua tôi mới lại có dịp bước lên một chiếc xe đò già nua, xộch xệch, và thân thuộc với quãng đời xưa cũ. Nó khiến tôi chợt nhớ lại thời  mình còn là một chú lơ xe nên vui vẻ và lăng xăng đỡ đần hành khách, lên xuống, dọc đường.

Vô tới trung tâm huyện lỵ Mae Sai hồi nào không hay. Xe vừa ngừng bánh, tôi lại hăng hái phụ giúp mọi người với mớ hành lý cồng kềnh của họ. Nhờ vậy nên bác tài hào phóng phẩy tay, khi thấy tôi loay hoay móc ví.

Thank you, sir!

Đỡ được đồng nào hay đồng đó. Tôi chỉ là một thằng tị nạn, đi phượt cho nó quên đời, chớ có phải khách du lịch (thứ thiệt) đâu mà bầy đặt chảnh làm chi.

Từ đây đi bộ tới cửa khẩu cỡ chừng hơn tiếng là cùng nhưng (thôi) cứ bắt cái xe tuk tuk cho nó khoẻ thân, và lẹ làng chút xíu, dù tôi chả có hẹn hò với bất cứ ai ở bên kia biên giới.

Tôi chỉ nôn nao muốn biết coi cái vụ “vượt biên bằng đường bộ” nó lạ lẫm ra sao thôi. Và sự thực thì nó chả ra cái (con bà) gì cả. Lằn ranh thiên nhiên giữa hai nước chỉ là một dòng nước đục, nối liền bởi một cây cầu ngăn ngắn. Ngay chính giữa cầu là hai lá cờ khác mầu, cắm kế cạnh nhau. Bên này là nước Thái, nhích thêm một gang tay là qua đất Miến rồi. Hết.

Bên cầu biên giới Thái Lan/Miến Điện – ảnh chụp 09/ 2018

Thủ tục nhập cảnh cũng giản dị không kém, cứ y như mua một cái vé vô cửa coi đá banh hay coi cải lương vậy hà. Thảo nào mà không ít du khách thích ghé ngang đây chỉ vì muốn có con dấu của hải quan Miến Điện (ịn trong sổ thông hành, để kỷ niệm chơi) với giá là 500 baht – cỡ 15 U.S.A dollar – tiền lệ phí.

Tôi không cần cái thứ “kỷ niệm” vớ vẩn như thế vì đã đến Yangon, đôi lần, bằng máy bay rồi. Tôi cũng đã có dịp ngược xuôi giữa Mandalay và Bagan –  đôi bận – bằng thuyền, dọc theo dòng sông Irrawaddy. Tôi chả lạ gì với cái nghèo, hiển hiện khắp nơi, ở xứ sở này nhưng vẫn cảm thấy (đôi chút) ngỡ ngàng vì sự nhếch nhác và bệ rạc của thành phố cận biên – Tachileik.

Mấy chú xe ôm đều mời chào khách với câu hỏi mở đầu (nghe) hơi sống sượng:

  • Lady?

Bộ ở đây không còn có sản phẩm gì khác, ngoài gái gú, sao Trời? Cách đây chưa lâu, chỉ mới đôi ba năm trước, tôi còn cảm thấy vô cùng xúc động khi (lần đầu tiên) nhìn thấy hàng chữ “Moving Myanmar Forward” in trên một chiếc taxi ở tỉnh Bago.

Ở thời điểm này, Miến Điện đang nỗ lực chuyển động và cố nhoai mình về phía trước – moving forward – dưới sự thúc đẩy của hai nhân vật sáng giá, được cả thế giới mến mộ: tổng thống Thein Sein và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi.

Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2018 vừa qua, Viện Bảo Tàng Holocaust của Hoa Kỳ đã thu hồi giải thuởng nhân quyền trao tặng cho Suu Kyi vì “đã không tỏ thái độ thích đáng trước các vụ giết người tập thể nhắm vào cộng đồng sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya.” Sang tháng 9, Hạ viện Canada lại tước danh hiệu công dân danh dự của bà cũng vì những lý do tương tự. Đến tháng 11 năm 2018, theo BBC, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế sẽ tước giải thưởng cao nhất họ đã trao cho Aung San Suu Kyi vì “thất vọng sâu sắc về chuyện bà không lên tiếng bảo vệ cho người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.”

Burma, xem ra, không “nhoai” được bao xa. Và nhân loại, xem chừng, đã đặt kỳ vọng (cũng như ghánh nặng) quá lớn trên đôi vai mảnh mai của người phụ nữ lãnh đạo dân sự của xứ Chùa Vàng.

Tôi vẫy một cái cyclo, ra dấu là mình muốn dạo quanh một vòng thành phố. Tuy thế, chỉ sau vài phút đã phải lật đật nhẩy xuống vì nghe tiếng hơi thở nặng nhọc sau lưng. Hoá ra là con đường dốc quá. Đến lúc đó tôi mới để ý đến thân thể còm nhom của người phu xe, và không dưng lại chợt nhớ đến những ngày tháng đạp xe lôi kiếm sống của chính mình nên dúi vội cho ông bạn đồng nghiệp một nắm tiền – chắc đủ nhậu cả tuần, hay cả tháng – cùng với lời cảm ơn và từ biệt.

Loay hoay một lúc rồi tôi cũng nhắm hướng cây cầu biên giới mà quay trở lại thôi. Thôi, cũng từ biệt xứ Miến luôn dù chưa biết là rồi sẽ đi đâu nữa? Đi đâu thì đi miễn là đừng có tìm cách quay về, chúng túm được là bỏ mẹ!

2 BÌNH LUẬN

  1. 27/2/11- Nguyễn Văn Huy/ dailyvnewswordpress : Tháng 10/1949, Quốc Dân Đảng Trung Hoa bị cộng sản đánh bật ra khỏi lãnh thổ. Thành phần chủ lực theo Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan lập căn cứ, số còn lại chạy về phía Nam trốn trong những vùng rừng núi giáp ranh với Miến Điện, Thái Lan và Lào dựng lập chiến khu chống lại quân cộng sản tại Hoa Lục. Về sau, nhóm tàn quân này cũng bị đánh bại , số còn lại phân rã thành nhiều nhóm nhỏ trở thành những băng đảng sinh sống bằng nghề buôn bán thuốc phiện.

    Sự hiện diện của nhóm tàn quân người Hoa làm thay đổi toàn bộ sinh hoạt của các sắc dân trong vùng và biến nơi đây thành một trong những trung tâm sản xuất thuốc phiện lớn nhất và khó bài trừ nhất thế giới. Thuốc phiện trở thành một nguồn lợi lớn, giá đắt như vàng nên từ thập niên 1950 khu vực biên giới phía Bắc ba nước Lào, Thái Lan và Miến Điện có biệt danh là khu “Tam Giác Vàng”. Mỗi năm , khu này cung cấp trên 4.000 tấn thuốc phiện hay 335 tấn heroin tinh chế. Theo tài liệu của tổ chức bài trừ ma túy của Hoa Kỳ, trong năm 1990 , chỉ riêng một mình Miến Điện thôi cũng đã sản xuất gần phân nửa số thuốc phiện tiêu thụ trên toàn thế giới: 2.365 tấn hay 197 tấn heroin, sản lượng thuốc phiện hiện càng tăng lên gấp nhiều lần.

    Nguồn bạch phiến (heroin) từ khu Tam Giác Vàng do các tổ chức buôn lậu đưa vào Hoa Kỳ và Châu Âu tràn ngập các thị trường tiêu thụ bù đắp lượng ma túy từ Trung Mỹ bị chặn đứng. Theo tổ chức ODCCP, Lào là quốc gia sản xuất thuốc phiện đứng hàng thứ ba trên thế giới, sau Miến Điện và Afghanistan.

    Sáu quốc gia liên quan tới khu Tam Giác Vàng (Lào, Thái Lan, Miến Điện, Kampuchea, Trung Quốc và Việt Nam) được chương trình bài trừ ma túy của Liên Hiệp Quốc và Hoa kỳ tài trợ nhiều số tiền lớn để phá hủy những nơi sản xuất thuốc phiện.

    Nhóm tàn quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa, các đảng cộng sản Miến Điện và Thái Lan, các tổ chức tôn giáo của người Haw và Kachin ( Miến Điện), cảnh sát và quân đội Thái Lan , Miến Điện ,Việt nam, Lào – không nhiều thì ít – tham gia buôn lậu thuốc phiện. Nhiều vụ án lớn đã xảy ra trong đó có những sĩ quan và cán bộ cao cấp dính líu vào.

  2. Giọng văn dí dỏm ,cùng cái tâm sự u hoài của kẻ tha hương .
    Mang mang nặng tình cố quốc ,có nhà mà không về được .
    Chỗ nào cũng cố gắng coi là nhà ,sao mà nó thê thiết quá .

    Cuối năm mà đọc cái này , chắc khóc ròng .

Leave a Reply to Trần Tưởng Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên