S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Đi & Về

2

Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam.

T.T. Nguyễn Xuân Phúc

Chiều về trên xứ lạ

Cười nụ cười Anglais

Buồn qua hơi thuốc Thái

Thèm một phin cà phê

Chiều về trên xứ lạ

Xe ngược xuôi trăm đường

Trăm ngàn khuôn mặt lạ

Mong một người đồng hương

Tôi viết những câu thơ trên khi đến thủ đô Bangkok lần đầu, vào một chiều hè, năm 1980. Mấy mươi năm sau tôi trở lại nơi này với nụ cười Anglais cố hữu nhưng thuốc lá Thái đã biến mất khỏi thị trường, và “người đồng hương” thì xuất hiện (hơi nhiều) khắp mọi nơi.

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Lan (Học Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á – The Institute of Southeast Asian Studies) có hơn năm trăm ngàn lao động Việt Nam ở nước ngoài, trong số này khoảng 50 ngàn người đang làm việc tại Thái Lan. Phần lớn đều “làm chui,” và được gọi một cách lịch sự là những công nhân không có giấy tờ – undocumented workers.

Họ lầm lũi đẩy những chiếc xe bán nước dừa, hay bán trái cây trên đường phố. Họ tất bật quét dọn, lau chùi, bưng bê trong những quán ăn bình dân chật chội và nóng bức. Họ nhễ nhại mồ hôi giữa những công trường bề bộn.

Tất cả đều rất cần cù, nhẫn nại, chắt chiu và (vô cùng) chịu thương, chịu khó. Tuy thế, gần như không ai kiếm được quá năm trăm Mỹ Kim mỗi tháng nhưng ai cũng dành dụm phân nửa (hoặc hơn) số tiền nhỏ nhoi này để gửi về quê cho gia đình, hay chòm xóm, ở một làng quê nào đó thuộc Nghệ An hay Hà Tĩnh.

Bên thủ đô Vientiane cũng thế, theo lời của thông tín viên (RFA) Anh Vũ:

“Đất nước Lào nhỏ bé chỉ với 7 triệu dân, song lại là nơi có rất đông người Việt Nam tìm đến để cư trú và làm việc trong điều kiện là lao động bất hợp pháp… Hiện nay số người lao động VN sang Lào làm việc có khoảng chừng 40 ngàn. Họ thường làm các nghề trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế biến đồ gỗ, bán hàng rong, làm thuê, sửa xe …”

Nhóm Phóng Viên Tường Trình Từ Việt Nam cho biết thêm:

“Hầu hết những người trốn sang đất Lào để làm thuê đang độ tuổi lao động hoặc đang tuổi học sinh phổ thông trung học, nhiều em đã bỏ ngang việc học để tìm đường dây trốn sang Lào làm thuê… Hầu hết những người trốn sang đất Lào để làm thuê đang độ tuổi lao động hoặc đang tuổi học sinh phổ thông trung học, nhiều em đã bỏ ngang việc học để tìm đường dây trốn sang Lào làm thuê.”

Tuần rồi, tôi tình cờ gặp gỡ một người đồng hương tại đền thờ Phap Tha Luan. Em mời mua kem nhưng khi thấy mặt tôi ngớ ra vì không hiểu tiếng Lào nên liền gặn hỏi:

– Chú người Việt à?

– Yes!

Tuy tôi bất giác trả lời một cách ngớ ngẩn bằng tiếng Anh nhưng vẫn được đáp nhận bằng một nụ cười tươi vui, hớn hở. Thái độ thân thiện của em cũng khiến tôi cảm thấy ấm lòng, và nhẹ nhõm. Sau đôi ba câu thăm hỏi thân tình, sợ em bận bán hàng, tôi ngỏ ý mời em ăn tối để có dịp trò chuyện nhiều hơn.

Phap Tha Luan, Vientiane 2019

Chúng tôi hẹn nhau ở quán ăn Việt Nam, Bê Thui Sài Gòn. Em đến rất đúng giờ cùng vợ với một bé trai. Quê hai em ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Chỉ sau một chuyến “tham quan” nước Lào là vợ chồng quyết định từ bỏ xứ Việt luôn.

  • Ở bên này thoải mái, và dễ chịu hơn nhiều chú ạ.

Vì con chưa đến tuổi đến trường, cháu gái na thằng bé theo khi đi quanh quẩn cắt móng chân và móng tay dạo mỗi ngày trong Khu Chợ Sáng (Morning Market) trên đường Lane Xang. Cũng kiếm đủ tiền ăn và tiền trọ. Còn lợi tức nhờ bán kem thì dành dụm với dự tính sẽ thuê được một nơi tươm tất để mở tiệm làm móng tại nhà.

Ước vọng gần nhất là cả nhà sẽ đi du lịch Myanmar một chuyến. Xa xôi hơn là giấc mơ lớn, khi có điều kiện, sẽ trở về quê hương để làm việc từ thiện ở những bản làng miền núi. Khi tôi hỏi sao không về luôn thì cả hai đều lắc đầu quầy quậy, với một nụ cười buồn.

Tôi chưa bao giờ có cơ hội đặt chân đến Hải Phòng, chỉ được biết vài nhân vật nổi tiếng ở nơi đây vì những nỗi gian truân của họ với chế độ hiện hành: Vũ Cao Quận, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Lê Chí Quang, Phạm Thanh Nghiên, Lê Trí Tuệ, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Qúi … Tuy thế, tôi tin là mình hiểu tâm cảm và quyết định của hai em vì chính tôi cũng rời bỏ đất nước khi tóc hãy còn xanh và chưa bao giờ trở lại.

Chiều hôm sau tôi được mời cơm tại nhà, với thực đơn đặt sẵn: đậu phụ rán mỡ hành, rau muống luộc dầm cà chua, chấm với nước mắm chanh và ớt. Đó là những món thức ăn mà theo tôi là … ngon tuyệt cú mèo, nếu có chút rượu đi kèm.

Hai thanh niên trong nhóm công nhân đến từ Thừa Thiên Huế làm phụ hồ tại công trường Đại học ChămPasack, bên Lào. Ảnh & chú thích lấy từ RFA

Dù đã sống qua nhiều thứ trại ̣(trại lính, trại tù, trại tị nạn …) tôi vẫn cảm thấy hơi ái ngại khi bước vào nơi cư trú của đôi vợ chồng trẻ măng này. Cứ y như cảnh sống trong thơ của Lưu Quang Vũ:

Nhà chỉ mấy thước vuông,sách vở xếp cạnh nồi

Đêm nằm mơ,em quờ tay là chạm phải thùng gạo

Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo

Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình

Hai em giúp cho tôi hiểu và thêm tin tưởng rằng hạnh phúc hay đau khổ của chúng ta tuỳ thuộc rất nhiều vào nhận thức, và nhận thức luôn luôn là nhận thức về cái tương đối. Sinh sống như thế mà cả hai cứ suýt xoa mãi là mình may mắn, may là  tìm được kế sinh nhai nơi xứ lạ và công việc lại không quá nặng nhọc. Mà sự thực thì đúng vậy nếu so với nhiều người đồng cảnh khác.

Tính hồn nhiên và đôn hậu của hai em khiến tôi thốt nhớ đến tâm sự của một nhà văn, cũng từ Thành Phố Cảng:

“Thế hệ nào cũng có người đáng yêu, tài năng, tâm huyết. Sự cảm thông giữa con người, giữa các thế hệ là rất lớn, là tuyệt đối. Sự cảm thông ấy vượt qua mọi khoảng cách địa lý, khoảng cách thời gian. Càng ngày tôi càng thấm thía bài học ấy. Nó làm tôi an tâm hơn khi tuổi già đang đến, khi tôi nghĩ đến lúc mình vĩnh biệt cõi đời này. Người xấu rất nhiều nhưng người tốt cũng rất nhiều. Không ai có thể tiêu diệt hết những người tốt trên đời. (Bùi Ngọc Tấn. Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Tiếng Quê Hương, Fall Church, VA: 2014).

Tôi tận tình chia sẻ với niềm tin lạc quan của tác giả đoạn văn thượng dẫn, và không khỏi phiền lòng khi vừa nghe kỳ vọng (hão huyền) của một vị lãnh đạo tối cao của đất nước (T.T. Nguyễn Xuân Phúc) như sau:

“Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam.”

Ảnh internet

Có người mẹ nào đủ nhẫn tâm đến độ đẩy cả bầy con cái vào con đường tha phương cầu thực, và còn khốn nạn đến nỗi mong mỏi chúng mang được cả “thế giới về” nhà. Tôi không tin rằng ông Phúc hoàn toàn không biết gì về hiện trạng thê thảm hiện nay của tuổi trẻ VN. Ông ấy chỉ tự dối mình, và dối người cho qua khỏi nhiệm kỳ thôi.

2 BÌNH LUẬN

  1. Cách đây vài năm báo Tuổi trẻ trong nước ,có đăng tải tài liệu Di Trú của VNCS.Tôi không nhớ rỏ con số chính xác,nhưng chắc chắn: con số nhập tịc trong một năm không quá 100 người. Nhưng từ bỏ Quốc tịch, con số lên đên hàng ngàn người Cú đà nầy ,thì đến một lúc VN hết Dân số !!Còn nói chuyện “mang thế giới về VN ” thì quá rỏ ràng : nào là Xướng ngôn viên đài truyền hình VN-chiêu đải viên hàng không-phi công- du sinh -lao động..ăn cắp nổi tiếng ở các nước ngoài ,đem hàng ăn cắp về VN ! Đó không phải : Đem Thế giới (đồ ăn cắp) về VN hay sao ?Hảy nhìn Xuân Phúc từ trang phục cho đến chiếc xe hơi đều là đồ ngoại -Đó không phải đem thế giới về VN hay sao ? Đem về để ăn xài! Còn Sáng tạo và phát minh thì có Tết maroc!!

  2. “Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam” – Nguyễn Xuân Phúc.

    Dzậy chớ thế lày nà nghĩa nàm thao hở lú lẫn Nguyễn xuân Phúc?! :

    …Quốc Hội nghe thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng điều trần : “Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về.” Ông Thăng báo cáo đa số các trường hợp đi du học từ cấp phổ thông và đại học không về.

    …Tại phiên họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn ngọc Hòa đã đặt câu hỏi ” Vì sao 13 cháu đi du học mà 12 cháu không chịu về nước?”. Theo ông Hòa, chuyện 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi ” Đường Lên Đỉnh Olympia” đi du học, 12 cháu ở lại nước ngoài là một ví dụ minh họa cho tình trạng ” chảy máu chất xám” tại Việt nam hiện nay.

    …Theo tài liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.
    Hầu hết người Việt Nam di cư đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ (hơn 1,3 triệu người), Pháp (125,7 nghìn người), Đức (gần 113 nghìn người), Canada (182,8 nghìn người), Úc (227,3 nghìn người), Hàn Quốc (114 nghìn người),…

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên