S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Cái mũ & cái búa

4

Không dừng ở những phương cách “dầu nhớt, mắm tôm” như trước. Cuộc trấn áp các nhà bất đồng chính kiến và phong trào dân chủ Việt đã sang giai đoạn rất bạo tàn.
Trương Duy Nhất

Ghé thăm Myamar, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng “phát hiện” ra đôi điều hơi khác lạ về xứ sở này:

“Té ra mắm tôm cũng là thức ăn gia vị thông thường của người Miến Điện. Tuy nhiên, trong những ngày chính quyền quân phiệt Miến Điện đàn áp khủng khiếp phe đối lập, tôi chưa bao giờ nghe nói công an Miến Điện liệng mắm tôm vào cửa nhà bà lãnh tụ phe đối lập Aung San Suu Kyi …”

Tuy bị rất nhiều tai tiếng, chính phủ Burma – ít ra – cũng còn có được một ưu điểm nhỏ: họ ngại những việc làm bẩn thỉu. Các đồng chí lãnh đạo ở nước ta lại khác, rất khác, không ngại ngùng chi cả. Tác giả Nguyễn Duy Vinh cho biết:

Ngày Nhân Quyền ở Việt Nam từ nay sẽ được cả thế giới biết đến nhờ vào cách sống mới: văn hóa đàn áp và khủng bố dùng… mắm tôm. Mắm tôm đã được các ông công an không mặc đồng phục và một vài dân phòng thi nhau ném vào đám dân hiền hòa đang họp mặt để cùng nhau ôn lại Tuyên Ngôn về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. (“Cách Dùng Mắm Tôm Trong Văn Hoá Đàn Áp Ở Việt Nam” Dân Luận – 10/12/ 2013).

Hàm huyết phun nhân. Tiên ô tự khẩu. Ngậm cứt phun người hay ném mắm tôm vào tha nhân cũng vậy. Bởi vậy, qua năm sau, đám công an Việt Nam đổi cách đàn áp. Gọn ghẽ và sạch sẽ hơn, chút xíu. Họ bạo hành bằng tuýp sắt – theo tường thuật của RFA, vào hôm 25/5/2014:

“Bà Trần Thị Nga, một người tham gia đấu tranh tích cực cho quyền con người tại Việt Nam, hôm qua bị đánh đập đến thương tích. Thủ phạm được cho là người của an ninh.”

Nạn nhân kế tiếp là nhà báo Phạm Đoan Trang. Cô cũng bị an ninh đánh gãy cả hai chân khi tham gia biểu tình ôn hoà bảo vệ cây xanh năm 2015.

Ảnh: FB

Nếu vì sợ què chân mà chúng ta không dám bước đi thì có khác chi là chân mình đã bị què rồi. Có lẽ vì qua niệm như thế nên dù với đôi chân đã bị thương tật, Đoan Trang vẫn đi đến tham dự buổi trình diễn ca nhạc của Nguyễn Tín.

RFA tường thuật:

“Ca sĩ trình diễn tại buổi nhạc các ca khúc trước năm 1975 và một số nhà hoạt động tham dự bị hành hung nặng nề vào tối ngày 15/8. Tin tức từ những người trong cuộc cho biết ca sĩ Nguyễn Tín, anh Nguyễn Đại – người tham gia tổ chức chương trình, và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang là những người bị hành hung nặng nề sau khi bị đưa đến đồn công an làm việc cũng như trước khi bị bỏ xuống giữa đường vắng trong đêm.”

Hai hôm sau, Đoan Trang cho biết thêm chi tiết:

“Nửa đêm 15/8, công an chở tôi từ đồn phường 7, quận 3 về bằng taxi. Tới đoạn đường tối họ thả tôi xuống, nói tôi phải tự đi về vì họ có việc phải vào viện gấp thăm người nhà bị tai nạn …

Sau đó tôi xuống và đứng bên vỉa hè vẫy xe khác về nhà. Chỉ vài phút sau, có 6 ‘đồng chí’ to cao đi ba xe máy lao đến, bỏ xe xông vào đánh hội đồng. Mũ bảo hiểm bị vỡ là mũ của họ. Khi tôi ngồi dậy được để giữ tay vào vết thương trên đầu cho bớt chảy máu, thì thấy chiếc mũ vỡ một mảng to bị vứt lại trên đường, quanh đó là chi chít mảnh vụn.

Cầm chiếc mũ vỡ nát, tôi nghĩ hoặc là đầu tôi quá cứng, hoặc là công an xài mũ rởm. Càng về sau tôi càng ngả về khả năng thứ hai hơn.”

Dùng một cái mũ bảo hiểm đánh lên đầu người ngay giữa đường phố là hành động sát nhân. Ác độc và tàn bạo đến cỡ này thì tôi đề nghị, từ nay, công an Việt Nam cứ dùng búa cho nó khoẻ. Hung khí này hiệu quả hơn nhiều, cũng chả bị hư hại bao giờ, lại đậm nét truyền thống cách mạng – theo ghi nhận của Giáo Sư Nguyễn Tuấn:

Cây búa dưới đây được chụp ở Bảo tàng Quân đội Việt Nam. Phía dưới kỉ vật có ghi như sau: ‘BÚA. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, huyện đội phó huyện Mỏ Cày (Bến Tre) dùng bổ chết 10 tên ác ôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước’. Ngoài ra, còn có dòng chữ tiếng Anh: ‘HAMMER. WITH THIS, CAMARADE NGUYEN VAN THANG, DEPUTY CHIEF OF MO CAY MILITARY DISTRIS, BEN TRE PROVINCE, KILLED TO DEATTS A TOTAL OF 10 LOCAL TYRANTS.’ (Chú ý phiên bản tiếng Anh sai văn phạm và ngữ vựng rất nhiều, nhưng không có nói đến “Chống Mỹ cứu nước”). Có lẽ không cần nói gì thêm, đây là một chứng từ về tội lỗi trong chiến tranh.

Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Nhìn cây búa này và dòng ghi chú làm tôi nhớ đến kỉ niệm chiến tranh thời tôi còn nhỏ ở dưới quê. Lúc đó tôi đã độ 10 tuổi, tức là vào tiểu học rồi. Tôi thường hay theo Má đi chợ làng, cách nhà tôi độ 500 mét. Ở chợ có một bến đò rất tấp nập, nơi người dân đậu xuồng, ghe và vỏ tắc ráng để đem nông sản ra bán. Thỉnh thoảng tôi thấy xác người ở bến đò và người ta bu quanh. Má tôi bằng mọi cách không cho tôi đến gần xem, nhưng về nhà thì tôi nghe chuyện mới biết là có người bị giết chết. Người chết thường bị đập đầu, rồi quăng xuống sông, xác trôi theo lục bình.

Lạ một điều là khi đến khu chợ thì mấy xác người ‘dừng’ lại ở đó! Thế là dân làng vớt lên và mai táng. Sau này nghe ca khúc ‘Bài Ca Dành Cho Những Xác Người’ của Trịnh Công Sơn, tôi thấm lắm:

Xác người nằm trôi sông
phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ ?
dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố
trên thềm nhà hoang vu

Thời đó, đập đầu là một cách giết người rất phổ biến của mấy người mà người dân quen gọi tắt là ‘VC’. Sợ lắm. Lúc đó tôi có biết VC là gì đâu, mãi đến khi lớn lên mới biết. Hôm nay, nhìn cây búa này, kỉ niệm về những chết chóc thời còn chiến tranh lại ùa về.

Mới đây, tướng Lê Đức Anh có một bài quan trọng có tựa đề là ‘Lòng nhân ái làm nên 30/04/1975’ trên Vietnamnet. Nhưng cây búa đó và những lời chú thích rất rõ ràng, nói theo ngôn ngữ phản nghiệm (falsificationism) của Karl Popper, thì khái niệm ‘nhân ái’ không phù hợp với cuộc chiến vừa qua.”

Tôi thì e rằng “khái niệm nhân ái” hoàn toàn (và tuyệt đối) không phù hợp với chế độ hiện hành, bất kể vào thời bình hay thời chiến, và tự hỏi: liệu sự tàn bạo của của những người cộng sản Việt Nam có mang lại “hiệu quả” mà họ mong muốn hay không?

Cảm ơn nhà báo Đoan Trang đã có lời giải đáp cho nỗi băn khoăn của kẻ hèn này: “Chúng ta không thể sợ những kẻ đáng khinh, những thứ đáng lên án.”

4 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết đã dẫn người đọc khắc sâu một điều rằng: Công an VN do đảng CS dày công đạo tạo và dạy dỗ, đã không từ một thủ đoạn bẩn thỉu và độc ác nào để giết hại chính đồng bào của mình.

  2. DCV- Chiếc búa giết Trotsky : Mexico City- 20 tháng 8 năm 1940: Sau khi Lenin chết, hai người con cưng của cách mạng Nga 1917 – Trotsky và Stalin – mỗi người có một tố chất riêng biệt, gầm gừ nhau để thế chỗ Lenin. Cuộc tranh giành gay gắt đến độ chỉ có thể giải quyết bằng cái chết của một trong hai.

    Ramón Mercader, đảng viên đảng cộng sản Tây Ban Nha , qua Mexico City , mang giấy tờ mang tên Frank Jacson (mật vụ NKVD của Stalin đã làm giả hộ chiếu và gõ sai tên anh, thay vì Jackson) . NKVD gợi ý cần có một lực cực kỳ vũ bão đánh dứt điểm vào gáy để có một cái chết hoàn toàn im lặng, nhanh và gọn.

    Anh nói với đám bảo vệ Trotsky anh có một bài báo định đăng và muốn nhờ Trotsky xem qua trước. Sau khi để cho Mercader vào thư phòng của mình, Trotsky ngồi đọc bài báo và bị bổ vào đầu. Trotsky hét lớn và vật lộn với hung thủ cho đến khi bảo vệ chạy tới.

    Người cháu nội Volkov nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ khi nhìn qua cánh cửa còn mở, ông tôi nằm dưới sàn, chung quanh đầu là vũng máu. Ông tôi thấy tôi và hét ‘đem thằng bé đi chỗ khác, đùng để nó thấy cảnh này.’ Quả là một con người đầy tính nhân bản. Giờ phút đó mà ông vẫn còn lo lắng cho tôi.”

    Trotsky chết tại bệnh viện trong vòng 24 tiếng. Mercader bị mang ra xử và ở tù gần 20 năm. Trong thời gian ngồi tù, những người Soviet đặc trách vụ của anh cung cấp đầy đủ những món vật chất mà anh cần, thậm chí còn thu xếp cho anh bạn gái, một sao điện ảnh hạng B của Mexico tên Roquella, sau này trở thành vợ anh.

    Mercader chết năm 1978 tại Cuba vì ung thư . Nghe nói những lời cuối của Mercader là “Lúc nào tôi cũng nghe. Tôi nghe tiếng hét. Tôi biết ông ta đang chờ tôi ở phía bên kia.”

    Sau khi loại được Trotsky, Stalin mở chiến dịch thanh trừng những người theo Trotsky. Khoảng 8.2 triệu người đã chết trong chiến dịch này.

    Hồ Chí Minh biết mình cần Stalin làm chỗ dựa, cho nên khi thấy Stalin thanh trừng bọn Trốt-kít thì họ Hồ cũng chỉ đạo “Bọn Trốt-kít là một lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa phát xít Nhật và chủ nghĩa phát xít quốc tế.” (Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 3, trang 97).

    Cùng theo Mác, nhưng nếu anh bị chụp cái mũ Trốt-kít hay Đệ Tứ thì coi như anh đã mang một án tử hình, cuộc tranh giành quyền lực được núp dưới chiêu bài chống phát xít.

    Ở miền Nam Việt Nam, trong thời buổi tranh tối tranh sáng chống Pháp, chống phát xít Nhật, hơn 60 phần tử Trốt-kít đã bị “biệt tích “ sau khi chạy trốn về Dĩ An.

    • (Mercader chết năm 1978 tại Cuba vì ung thư . Nghe nói những lời cuối của Mercader là “Lúc nào tôi cũng nghe. Tôi nghe tiếng hét. Tôi biết ông ta đang chờ tôi ở phía bên kia.”)

      Sau khi nghe tin này, Láo phét phê bình đồng chí Mercader vẫn còn tư tưởng “tiểu tư sản” vì chỉ nghe có tiếng hét của Trotsky mà đã than vản sợ hãi rồi.
      Cho nên Láo phét khoe: lúc đồng chí Hồ Chí Minh sắp về chầu Stalin tai nghe hằng trăm ngàn tiếng la khóc của dân oan trong cuộc cải cách ruộng đất mà vẫn tĩnh bơ, lại còn cho dời con Xẩm sang hát tiếng Tàu nữa.
      Bỡi vậy trong danh sách… Top ten killer, bác Hồ của Láo phét thuộc “diện”…the best cold blooded killer!

      • Những con Quỷ đội lốt người coi rẻ máu dân Việt :

        Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Mỹ năm 1995, khi được nêu vấn đề : ” 20 năm sau khi Cuộc Chiến Ba Mươi Năm đã chấm dứt, mà bây giờ người ta vẫn có thể phối kiểm được là qua hai cuộc chiến vừa qua có từ 3 triệu rưỡi đến 4 triệu người chết, ông (Võ nguyện Giáp) có hối tiếc hay không ?

        Giáp đã trả lời bằng tiếng Pháp: “Không chút nào! Tôi không hối tiếc chút nào ” .

        Tháng 9 năm 1963, trong dịp đi nghỉ mát ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh gặp Chu Ân Lai và Trần Nghị. Hồ chí Minh đã phát biểu về quyết tâm chiến đấu ở miền Nam như sau:

        “Đừng nói phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh.”

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên