Nước Đức vươn lên từ vực thẳm nhờ áp dựng thành công “Kinh tế thị trường xã hội”

2

 

 

May mắn, trong chuyến đi du lịch Hungary vào tháng 9/2017, tôi quen được vợ chồng anh chị Tôn Thất Thông và Lan Anh, sống ở CHLB Đức. Anh nghiên cứu về Lịch sử Kinh tế, chị quan tâm vấn đề Tâm lý – xã hội học, thành thử cũng có chuyện để trao đổi. Đặc biệt anh có nói về thành công của nước Đức là nhờ áp dụng lý thuyết “KINH TẾ THỊ TRƯỜNG XÃ HỘI”, khiến tôi tò mò quan tâm. Về Đức, anh gửi cho tôi cuốn “VƯƠN LÊN TỪ VỰC THẲM”- Thần kỳ kinh tế Đức sau 1945- Giai đoạn 1945 – 1950” (sách dầy 470 trang, NXB Hồng Đức, 2015), và mấy bài viết gần đây của anh liên quan đến vấn đề này.

Ông Mạc Văn Trang (bên trái) và ông Tôn Thất Thông (bên phải) trong chuyến du lịch Hungary

Tôi rất mù mờ về lĩnh vực Kinh tế, nhưng may quá, sách anh viết không mang tính hàn lâm, dù là sách chuyên khảo; hơn nữa dẫu sống ở Đức hơn 40 năm, nhưng văn phong tiếng Việt và cách trình bầy các bảng số liệu rất giản dị, rõ ràng, nên dễ đọc.

Cuốn sách giúp cho ta hiểu rõ thảm cảnh của nước Đức sau năm 1945 như thế nào và bằng cách nào nước Đức đã vươn lên thần kỳ. Đó chính là nhờ nhiều nhân tố – mỗi người nhấn mạnh một khía cạnh – nhưng mô hình “kinh tế thị trường xã hội” chính là cốt lõi của sự thành công bền vững cho đến ngày nay.

  1. Vực thẳm sau chiến tranh, 1945.

Có lẽ không nước bại trận nào trong lịch sử thế giới cận đại, từ Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai đến ngày nay, lại lâm vào tình cảnh bi thảm như nước Đức sau năm 1945. Ảo tưởng ngông cuồng của A. Hitler đã sụp đổ tan tành cùng nước Đức tan hoang: hơn 8 triệu người chết, phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện; nước Đức bị cắt đi ¼ lãnh thổ cho Liên Xô, Ba Lan… và 12 triệu dân ở những vùng đó bị trục xuất đi; phần đất nước còn lại bị chia làm tư, “thần phục” chế độ quân quản của 4 lực lượng chiếm đóng Anh, Pháp, Mỹ, Liên xô; gần 50% nhà cửa ở đô thị bị tàn phá, không điện, không nước, thực phẩm được cấp phát theo tem phiếu tùy thuộc khả năng từng vùng chiếm đóng; bánh mì và than quá khan hiếm, đói rét dẫn đến trộm cắp khắp nơi; hơn 300.000 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ lang thang; năm 1945 – 1946 – 1947 hơn 1 triệu người chết vì đói, rét… Đàn ông đi lính chết hơn 3 triệu và khi đầu hàng hơn 2 triệu bị bắt làm tù binh; chủ yếu những bàn tay phụ nữ và trẻ em nam từ 14, nữ từ 16 tuổi, phải dọn dẹp đống đổ nát để được phát khẩu phần ăn và nhen nhóm lại cuộc sống. Các nước chiếm đóng đều nhất trí, phải làm cho nước Đức suy yếu thành nhược tiểu, “giữ cho mức sống của Đức thấp thua các nước khác của châu Âu” (trang 278). Các cơ sở công nghiệp nặng bị tháo dỡ mang đi, hoặc triệt phá cho hết; các kho tư liệu, các phát minh sáng chế bị tịch thu… Số giải Nobel khoa học từ năm 1901 đến 1933, Đức chiếm 31, Anh 17, Pháp 14, Mỹ 6, vậy mà hàng loạt trí thức chạy trốn Hitler trước kia, nay hàng vạn khoa học gia, kỹ sư, kĩ thuật viên hàng đầu bị các nước đồng minh săn lùng đem đi; đồng thời dòng người hàng chục vạn cứ nối tiếp ra đi tìm đến các nước yên bình châu Mỹ… Tưởng như mất tất cả: Đất đai, nhà nước, chủ quyền, nền kinh tế công nghiệp, khoa học kỹ thuật, tầng lớp tinh hoa, lòng tự hào dân tộc, niềm tin… May mắn thay, dân tộc Đức vẫn còn vốn con người – Những người lao động có tri thức và tư duy kỹ thuật, tính kỷ luật và sức vươn lên mãnh liệt, trong số đó vẫn còn những nhân sĩ, trí thức có đầu óc khoa học hiện đại với tư duy phê phán sắc bén, bản lĩnh dạn dầy và ý thức trách nhiệm lớn lao với dân với nước. Nhờ vốn quý đó mà nước Đức đã “vươn lên từ vực thẳm”, từng bước phát triển vững chắc, trở thành nền kinh tế hàng đầu châu Âu và thứ 4 thế giới như ngày nay.

2. Quyết chọn con đường “kinh tế thị trường xã hội” (KTTTXH).

Để dễ bề cai quản, 4 vùng quân quản chiếm đóng cũng phải lập ra các Thủ hiến bang (đều là nhân sĩ trí thức) với bộ máy “chính quyền tay sai”. Vùng Liên xô chiếm đóng dứt khoát áp đặt mô hình xô viết, sau này thành nước CHDC Đức. Ba vùng Anh, Pháp, Mỹ chiếm đóng, thì may mắn, vùng Mỹ cai quản, đã được tổng thống Truman, năm 1946, cử cựu tổng thống Herbert Hoover đi kiểm tra tình hình quân Mỹ cai quản vùng chiếm đóng tại Đức. Với tầm nhìn sâu rộng và óc thực tế, Hoover đã nhận định: “Kinh tế Đức đã suy thoái đến mức thấp nhất trong vòng 100 năm” (tr.173); ông đã phân tích, nếu không giúp Đức phục hồi kinh tế thì mỗi người dân Mỹ mỗi năm phải đóng thêm 600 đô la tiền thuế để cứu dân Đức khỏi nạn đói; và quan trọng hơn, “năng suất sản xuất châu Âu chỉ có thể được tái lập, nếu một nước Đức lành mạnh đóng góp vào quá trình ấy” (tr. 174). Người Mỹ cũng nhận ra rằng để ngăn chặn Stalin bành trướng chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, cần giúp Đức phục hồi kinh tế…Người Mỹ kêu gọi bốn bên chiếm đóng, tạo ra không gian kinh tế chung, để người Đức tự lo kinh tế cho người Đức, cốt sao không ảnh hưởng đến an ninh của Đồng minh. Nhưng Liên xô và Pháp từ chối. Đến khi Mỹ triển khai Chương trình phục hồi châu Âu ERP (European Recovery Program), còn gọi là Chương trình Marshall, Pháp mới miễn cưỡng đồng ý tham gia cùng Mỹ, Anh vào kế hoạch phục hồi kinh tế Đức, mà việc đầu tiên là đổi tiền, được Mỹ đã bí mật chuẩn bị trước đó với việc in đồng Mark mới, gọi tắt là D- Mark. Cuộc đổi tiền diễn ra vào 20/6/1948 thực chất là cuộc cải tổ tiền tệ, khởi động cho phục hồi kinh tế…

Nhưng “nhân tố Mỹ” phát huy được tác dụng chính là nhờ những trí thức còn sót lại của Đức đã âm thầm tranh luận với nhau rất kịch liệt, để tìm ra mô hình tối ưu phục hồi và phát triển đất nước. Ngay từ tháng 6/1946, lãnh đạo các Tiểu bang cùng các trí thức với nhiều xu hướng, học thuyết, quan điểm khác nhau đã họp tại Hamburg nhằm xác định mô hình kinh tế phù hợp. Mỗi trường phái đều có những giáo sư đầu ngành, với hệ thống lý thuyết được nghiên cứu nhiều năm trước đó, có lúc phải giấu giếm dưới thời Hitler… Hội nghị đã đạt được những nhận thức chung quan trọng:

– Không thể theo kinh tế thị trường tự do thả lỏng (laissez-faire), vì từ thế kỷ 18 đến đó, nó đã để lại nhiều di hại;

– Không thể theo mô hình kinh tế “nhà nước tập quyền”, kế hoạch hóa, chỉ huy như kiểu Liên xô, mà từ những năm 1920 nhiều nhà kinh tế Đức đã tiên đoán “cuộc thử nghiệm khổng lồ”, “xây nhà không bản vẽ” sẽ tất yếu sẽ sụp đổ;

– Không thể theo mô hình kinh tế thời Đức Quốc xã Hitler, cho dù đã có giai đoạn phát triển thần kỳ, vì đó cũng là nền kinh tế nhà nước chỉ huy, duy ý chí, nhằm phục vụ chiến tranh…

Sự lựa chọn còn lại cũng có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tưu trung lại có ba hướng:

a/ Kế hoạch hóa từng phần, có điều khiển từ trung ương với khái niệm tự do xã hội… (trường phái Weimar);

b/ Kế hoạch hóa gián tiếp, được điều khiển bằng chính sách tiền tệ và các chính sách một cách uyển chuyển…(đại diện là Gerhard Weiser);

c/ Kinh tế thị trường tự do, được can thiệp và điều phối bởi hệ thống luật pháp nhà nước. Tức là nền “kinh tế thị trường tự do trong trật tự” được nghiên cứu từ những năm trước đó bởi Walter Eucken và các học giả thuộc Trường phái Freiburg, nay Alfred Muller-Amack hoàn thiện thêm và cụ thể hóa thành mô hình “Kinh tế thị trường xã hội” (social Market Economy).

Nhờ sự chuẩn bị như vậy nên khi nước Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập – tính từ ngày Hiến pháp được công bố 23 tháng 5 năm 1949, mô hình KTTTXH đã được Ludwig Erhard cùng các đồng sự vượt qua nhiều rào cản, quyết tâm triển khai từng bước trong thực tiễn, khi ông được chọn là Bộ trưởng Kinh tế của nước Đức mới…

Những người lựa chọn KTTTXH vừa dựa trên lý thuyết đã được nghiền ngẫm, nung nấu, vừa xuất phát từ thực tế xã hội: Nhân dân đã quá đau thương, khốn khổ bởi cuộc chiến tranh rồi, làm sao phát triển kinh tế phải làm cho người dân bớt khổ đau, tích cực tham gia và được hưởng thụ những thành quả phát triển kinh tế. Mô hình KTTTXH có những nguyên tắc cơ bản sau:

– Nhà nước không làm kinh tế, nhà nước chỉ đề ra hệ thống luật pháp đầy đủ và quản lý để thị trường phát triển tự do trong trật tự, chứ không can thiệp vào quá trình hoạt động kinh tế; đảm bảo quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, cạnh tranh bình đẳng; tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho cho phát triển kinh tế…

– Nhà nước đề ra hệ thống pháp luật và làm trọng tài hòa giải mâu thuẫn giữa giới chủ và người làm thuê; nhà nước không đứng về bên nào, mà xử lý sao cho lợi ích hài hòa 2 bên và tăng cường lợi ích chung của xã hội, trên cơ sở luật pháp ổn định lâu dài… Nhờ vậy trong suốt nhiều năm, ở Đức không xảy ra những cuộc biểu tình, bãi công dài ngày, phá hủy sản xuất như ở nhiều nước khác…

– Nhà nước thực hiện chính sách thu thuế công bằng và nghiêm ngặt; sử dụng công quỹ tiết kiệm, hiệu quả và dành ngày càng nhiều cho xây nhà xã hội, trường học, bệnh viện, bảo trợ cho trẻ mồ côi, người già, người tàn tật, người thất nghiệp, khó khăn, không để dân chết đói, chết rét, lang thang… Đó cũng là ổn định môi trường cho sản xuất phát triển thuận lợi…

– Nhà nước có chính sách cùng các xí nghiệp mở các trường lớp đào tạo nghề, giúp người lao động nâng cao kiến thức, kỹ năng đáp ứng kịp yêu cầu của đổi mới sản xuất, không ngừng tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia…

– Nhà nước xây dựng luật pháp, phát triển xã hội dân sự theo hướng trung dung, ngăn chặn các khuynh hướng cực đoan; tạo khuôn khổ tự do hoạt động của các đảng phái, các nghiệp đoàn, tổ chức xã hội, truyền thông, báo chí… nhằm tăng cường sự minh bạch xã hội, kiểm soát xã hội một cách hợp lý, hiệu quả. Đó cũng là tạo ra môi trường minh bạch, an toàn cho phát triển kinh tế, xã hội.

Tóm lại, KTTTXH là nền kinh tế thị trường tự do; nhà nước không trực tiếp làm kinh tế mà nhà nước đủ mạnh để quản lý nền kinh tế bằng hệ thống luật pháp đầy đủ, ổn định, giúp cho thị trường tự do phát triển lành mạnh và cân bằng các lợi ích xã hội; sự phát triển kinh tế không ảnh hưởng tiêu cực mà ngược lại tác động tích cực đến các chỉ số phát triển xã hội.

3. Khuyến nghị.

Là người “ngoại đạo” nhưng đọc cuốn sách của tác giả Tôn Thất Thông tôi cảm thấy rất hứng thú và thu được nhiều điều bổ ích. Xin khuyến nghị các nhà nghiên cứu, giảng dạy về kinh tế, các sinh viên chuyên ngành và những ai quan tâm đến tình hình kinh tế- xã hội của nước nhà, hãy đọc cuốn sách này, để có thêm nhiều điều bổ ích và thú vị.

Những ai đã chịu ơn nước Đức, dù chút ít cũng rất nên đọc cuốn sách này, giúp ta thấu hiểu dân tộc Đức đã vươn lên từ khổ đau, tàn khốc như thế nào để không chỉ sống đủ đầy mà còn biết sẻ chia, cưu mang những người khốn khó khác. Mỗi đồng D- Mark, Euro có được hôm nay là kết tinh mồ hôi, nước mắt của bao nhiêu thế hệ người dân Đức “vươn lên từ vực thẳm”…

Cảm ơn anh Tôn Thất Thông và chi Lan Anh. Mong được đọc những cuốn sách, bài viết tiếp theo của anh, chi.

P/S: Tôi vừa được anh Tôn Thất Thông cho biết, Mô hình KTTTXH được trình bày đầy đủ hơn trong tập II “Thần Kỳ Kinh Tế Tây Đức giai đoạn 1949-1969. Lịch sử – Lý thuyết – Chính sách” sẽ do Phương Nam phát hành đầu năm 2018. Mong các bạn đón đọc.

6/10/2017

Mạc Văn Trang

2 BÌNH LUẬN

  1. Nhưng cái cội rễ sâu xa của sự thành công chính là chương trình Marshall. Nếu lúc đó các nước chiếm đóng mà cố tâm can thiệp chỉ đạo( Họ có thể làm được việc đó) thì chắc không có cái thần kỳ đó. Người Nhật cũng làm nên sự thần kỳ sau đổ nát cũng nhờ chương trình Marshall.

  2. Tai sao Dan Chim Viet trinh bay bai bao bi cac tieu de khac che lap khomg doc duoc

    BBT: Bài báo nằm trong mục Điểm Sách, thưa bạn.
    Sau 1 thời gian nhất định nằm trên trang nhất thì bài bị lui vào phía sau.
    Bạn có thể tìm nó theo nhiều cách, theo tên tác giả, theo đề mục, theo thứ tự ngày tháng.
    Dưới đây là cách tìm theo đề mục: Điểm sách:
    http://www.danchimviet.info/category/van-hoc/diem-sach/

Leave a Reply to Nguyễn an linh Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên