Mùa Xuân đôc lập (Kỷ Hợi – 939)

2

Năm nay là năm Kỷ Hợi (2019). Cách đây hơn một ngàn năm, sau khi đánh đuổi quân Nam Hán từ Bắc phương xâm lăng, Ngô Quyền đứng lên xưng vương vào mùa xuân năm Kỷ Hợi 939 ở thành Cổ Loa. Đây là MÙA XUÂN ĐỘC LẬP đầu tiên của Cổ Việt sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc.

1.- HOÀN CẢNH LỊCH SỬ

Trung Hoa dưới thời nhà Đường (618-907) bắt đầu rối loạn khi Đường Hy Tông (trị vì 874-888) lên ngôi vua. Năm 875 (ất mùi) Vương Tiên Chi nổi lên ở Sơn Đông. Họ Vương được một người Sơn Đông khác giúp đỡ là Hoàng Sào. Vương Tiên Chi tử trận. Hoàng Sào lên thế. Hoàng Sào chiếm Lạc Dương (Hà Nam), lấy Trường An (Thiểm Tây ngày nay). Vua Hy Tông bỏ chạy, Hoàng Sào lên ngôi hoàng đế năm 880 (canh tý).

Đường Hy Tông cầu viện bộ tộc Sa Đà ở phía bắc do Lý Khắc Dụng chỉ huy. Năm 883, Lý Khắc Dụng chiến thắng Hoàng Sào. Dầu cuộc nổi dậy của Hoàng Sào bị dẹp yên, nhưng tình hình triều đình nhà Đường tiếp tục chao đảo vì sự lộng quyền của những đại quan và hoạn quan. Đường Chiêu Tông (trị vì 889-903) kế vị anh là Đường Hy Tông, bị Chu Ôn tức Chu Toàn Trung (Chu Ch’uan-chung) giết chết. Chu Toàn Trung đưa Đường Ai Đế (trị vì 904-907) lên ngôi, rồi ép Ai Đế thoái vị, và tự mình lên làm vua năm 907, tức Lương Thái Tổ (trị vì 907-914), lập ra nhà Hậu Lương (907-923).

Từ đó Trung Hoa rơi vào tình trạng hết sức xáo trộn gọi là đời Ngũ đại Thập quốc. Ở miền bắc Trung Hoa có năm triều đại kế tiếp nhau trong thời gian ngắn là Hậu Lương (907- 923), Hậu Đường (923-935), Hậu Tấn (936-947), Hậu Hán (948-950), Hậu Châu (951-959).

Ở miền nam Trung Hoa, trước sau mười nước được thành lập, nên gọi là Thập quốc: Nước Ngô ở An Huy ngày nay, Tiền Thục ở Tứ Xuyên ngày nay, Ngô Việt ở Chiết Giang ngày nay, Sở ở Hồ Nam ngày nay, Mân Việt ở Phúc Kiến ngày nay, Nam Hán ở Quảng Đông ngày nay, Nam Bình ở Hồ Bắc ngày nay, Hậu Thục ở Tứ Xuyên ngày nay, Nam Đường ở Giang Tô ngày nay và Bắc Hán ở Sơn Tây ngày nay. (Chú ý: Khi triều đình trung ương Trung Hoa suy yếu, nước Nam Hán do Lưu Cung thành lập năm 917 là nước xâm chiếm Giao Châu. Các nhà lãnh đạo cổ Việt đã đánh đuổi quân Nam Hán và giành lại độc lập vĩnh viễn.)

Tình trạng tranh quyền và lập những nước nhỏ chẳng những làm cho chính quyền trung ương Trung Hoa suy yếu và không kiểm soát được toàn thể lãnh thổ, mà còn làm gương cho lãnh chúa các địa phương, nhất là kích thích các xứ bị đô hộ như cổ Việt, cũng tự mình đứng lên giành quyền tự trị tại xứ mình.

2.-TRÊN ĐƯỜNG ĐỘC LẬP

Khi Hoàng Sào nổi lên ở Trung Hoa, tự xưng đế năm 880 (canh tý), vua Đường Hy Tông phải lánh nạn, thì tại Giao Châu (cổ Việt), dân chúng địa phương nổi lên chống tiết độ sứ Tăng Cổn, nhưng bị dẹp yên ngay. Điều nầy cho thấy dân cổ Việt lúc đó rất nhạy cảm với tình hình chính trị Trung Hoa. Năm 892 (nhâm tý), Tăng Cổn được Chu Toàn Dục (Chu Ch’uan-yu) thay thế. Năm 905 (ất sửu), Chu Toàn Dục bị chính em của mình là Chu Toàn Trung, lúc đó là quan đầu triều nhà Đường, cất chức và đưa Độc Cô Tổn (Tu-ku sun) qua thay, nhưng ông nầy cũng chống với Chu Toàn Trung nên lại bị hạ chức và tự vận.

Trong lúc triều đình Trung Hoa chưa bổ nhiệm viên tiết độ sứ mới, thì Khúc Thừa Dụ xuất hiện. Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Hồng Châu ngày trước gồm hai phủ Thượng Hồng và Hạ Hồng, ngày nay thuộc tỉnh Hải Dương. Khúc Thừa Dụ tính tình khoan hòa, hay thương người, được dân chúng tin cẩn.

Lợi dụng khoảng trống hành chánh do việc triều đình Trung Hoa chưa bổ nhiệm tiết độ sứ mới, Khúc Thừa Dụ táo bạo nhân danh là hào trưởng tại địa phương Giao Châu, không chờ đợi ý kiến của triều đình Trung Hoa, tự xưng làm tiết độ sứ, nắm lấy chính quyền Giao Châu năm 905 (ất sửu), rồi mới xin nhà Đường chuẩn y.

Lúc đó triều đình Trung Hoa đang rối loạn. Vua Đường Tuyên Đế (trị vì 904-907) đành thừa nhận chính quyền mới ở cổ Việt và phong Khúc Thừa Dụ làm Đồng bình chương sự Tĩnh Hải Quân tiết độ sứ vào đầu năm 906 (bính dần). Giữ chức chưa được 2 năm, Khúc Thừa Dụ từ trần năm 907 (đinh mão), giao quyền lại cho con là Khúc Hạo.

Việc Khúc Thừa Dụ lợi dụng thời cơ thuận tiện, tự động nắm chính quyền, đặt nhà Đuờng trước tình trạng không thể làm gì khác hơn được, gần giống như tình trạng cuối đời nhà Châu (thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên), hay cuối đời nhà Hán (thế kỷ thứ 3) bên Trung Hoa, các lãnh chúa địa phương tự đứng lên xưng hùng xưng bá và lập nước riêng. Dầu Khúc Thừa Dụ không tự xưng vương, mà vẫn còn xin triều đình trung ương Trung Hoa thừa nhận, thì đây vẫn là bước đầu người địa phương Giao Châu lợi dụng tình trạng Trung Hoa suy yếu, để giành lấy tự chủ chính trị.

Bên Trung Hoa, sau khi phong chức cho Khúc Thừa Dụ năm 906, thì năm sau (907), nhà Đường bị Chu Toàn Trung lật đổ, lập ra nhà Hậu Lương (907-923). Trung Hoa bước vào thời Ngũ đại Thập quốc (xem phần trên).

Năm 908 (mậu thìn), nhà Hậu Lương đặt Lưu Ẩn làm tiết độ sứ Thanh Hải (Quảng Châu), kiêm tiết độ sứ Tĩnh Hải (Giao Châu), nhắm để lấy lại đất cổ Việt. Lưu Ẩn qua đời năm 911 (tân mùi), em là Lưu Cung (hay Nham, Yêm) lên thay. Lưu Cung lại tự xưng đế, lập một nước độc lập, lấy quốc hiệu là Nam Hán năm 917 (đinh sửu).

Lúc đó Khúc Hạo từ trần, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Nhà Nam Hán nhiều lần gởi người thuyết phục Khúc Thừa Mỹ thần phục mình, nhưng họ Khúc từ chối vì cho rằng Lưu Cung là kẻ phản trắc, nên vẫn một mực trung thành với nhà Hậu Lương.

Chẳng may, năm 923 (quý mùi) nhà Hậu Lương bị nhà Hậu Đường thay thế. Khúc Thừa Mỹ mất người hậu thuẫn. Điều nầy rất có lợi cho Lưu Cung, vốn chờ đợi thôn tính Giao Châu. Năm 930 (canh dần), Lưu Cung sai hai tướng Lý Thủ Dung và Lương Khắc Trinh sang đánh Khúc Thừa Mỹ. Khúc Thừa Mỹ thất bại, bị bắt gởi về Quảng Châu. Lưu Cung cử Lý Tiến sang làm thứ sử Giao Châu. Trong khi đó, Lương Khắc Trinh, sau khi thắng trận ở Giao Châu, tiếp tục xuống đánh Chiêm Thành, cướp nhiều của cải vàng bạc đem về.

Khi cử Lý Tiến qua làm thứ sử Giao Châu, Lưu Cung dặn dò Lý Tiến: “… Dân Giao Châu thích làm loạn, ta chỉ có thể lung lạc họ mà thôi…” Lý Tiến chưa thi thố được gì thì một bộ tướng của nhà họ Khúc là Dương Diên Nghệ lại nổi lên chống người Trung Hoa.

Dương Diên Nghệ, người làng Dương Xá, Đông Sơn, Ái Châu (Thanh Hóa), cựu tướng của Khúc Hạo, tập họp quân sĩ, đánh Lý Tiến năm 931 (tân mão). Lý Tiến bỏ chạy về Quảng Châu. Lưu Cung cử Trình Báu sang đánh Diên Nghệ, nhưng cũng thất bại và bị tử trận. Lưu Cung rất tức giận, nhưng chưa thể làm gì được.

Dương Diên Nghệ tự xưng làm tiết độ sứ, cai trị Giao Châu. Cầm quyền được sáu năm, Dương Diên Nghệ bị một cuộc đảo chánh lật đổ. Đứng đầu đảo chánh là Kiểu Công Tiện, một thuộc tướng của Dương Diên Nghệ. Năm 937 (đinh dậu), Kiểu Công Tiện, người Phong Châu (Sơn Tây), giết Dương Diên Nghệ rồi tự mình lên cầm quyền.

3.- NƯỚC VIỆT ĐỘC LẬP

Được tin Kiểu Công Tiện chiếm quyền, một thuộc tướng khác của Dương Diên Nghệ, tên là Ngô Quyền, đem quân Ái Châu (Thanh Hóa) ra đánh và giết Kiểu Công Tiện, trả thù cho chủ vào mùa thu năm 938 (mậu tuất).

Ngô Quyền sinh năm mậu ngọ (898), thuộc dòng quý tộc lâu đời, cha là Ngô Mân đã từng làm quan châu mục. Tương truyền rằng khi mới sinh ra, tướng mạo Ngô Quyền đặc biệt khác thường, trên lưng có ba nốt ruồi đen. Người xem tướng lấy làm lạ, bảo rằng sau nầy có thể làm chúa một phương. Vì thế cha mẹ mới đặt tên là Quyền. Lớn lên, Ngô Quyền mặt mũi khôi ngô tuấn tú, mắt sáng như chớp, chân bước khoan thai như dáng cọp đi, có sức khỏe hơn người, lại tài trí song toàn. Khi Ngô Quyền đầu quân dưới trướng Dương Diên Nghệ, Nghệ rất tin dùng, gả con gái, và cho trấn giữ Ái Châu (Thanh Hóa).

Theo các bộ sử Trung Hoa, được các bộ chính sử Việt Nam trích dẫn, khi Ngô Quyền đem quân Ái Châu ra tấn công Kiểu Công Tiện, Tiện gởi người sang cầu cứu nhà Nam Hán.

Vua Nam Hán là Lưu Cung liền nhân cơ hội nầy, gởi quân qua giúp Tiện và kiếm cách thôn tính cổ Việt. Trước khi ra quân, một cận thần của Lưu Cung là Tiêu Ích đã can ngăn. Tiêu Ích nói: “…Hiện nay mưa dầm đã suốt mấy tuần, đường biển hiểm trở xa khơi; Ngô Quyền là người giỏi lắm chớ coi thường. Đại quân phải nên giữ gìn thận trọng, dùng nhiều người đưa đường rồi hãy tiến…” Lưu Cung không nghe, sai con là Vạn Vương Hoằng Tháo đem chiến thuyền dẫn quân đi trước, còn Lưu Cung thân hành cầm quân tiếp ứng theo sau.

Khi Hoằng Tháo tiến qua cổ Việt vào mùa thu năm mậu tuất (938) thì Ngô Quyền đã giết được Kiểu Công Tiện. Hoằng Tháo đi theo đường sông Bạch Đằng vào đất liền.

Ngô Quyền hiểu rõ địa thế vùng nầy, sai quân dùng cọc nhọn, đầu có bịt sắt, cắm ngầm dưới lòng sông chờ Hoằng Tháo. Đợi lúc thủy triều lên phủ các cọc nhọn, Ngô Quyền cho binh sĩ dùng thuyền nhẹ khiêu chiến rồi bỏ trốn. Hoằng Tháo đuổi theo, tiến lọt vào chỗ mai phục. Khi thủy triều rút xuống, Ngô Quyền ra lệnh phản công, đổ quân tiến đánh ào ạt. Người Nam Hán thua chạy, chiến thuyền va vào các cọc gỗ đầu có bịt sắt, bị thủng nát và chìm xuống sông. Hoằng Tháo tử trận.

Cần lưu ý ở điểm sông Bạch Đằng là dòng sông nằm về phía bắc của các cửa sông vùng bờ biển Bắc phần để tiến vào sông Hồng. Khi quân Trung Hoa từ phương bắc xuống, muốn vào sông Hồng thì thông thường chọn Bạch Đằng là con đường ngắn nhất. Có thể Ngô Quyền đã tiên liệu việc nầy nên bày thủy trận cọc nhọn để đón đánh Hoằng Tháo.

Đang chuẩn bị lực lượng tiếp viện ở Hải Môn, được tin con chết, Lưu Cung không còn muốn tiếp tục chiến tranh, ra lệnh thu quân trở về.

Sau khi chiến thắng quân Nam Hán một cách vẻ vang tại Bạch Đằng Giang năm 938 (mậu tuất), Ngô Quyền xưng vương vào mùa xuân năm 939 (kỷ hợi), đóng đô ở Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội).

Theo truyền thuyết, thành Cổ Loa được xây vào thời An Dương Vương. Thành xây theo hình trôn ốc nên gọi là Loa thành. Thành ngoài hình bầu dục, bề dài 2,8 km, bề rộng 2 km, chu vi khoảng 8 km. Thành giữa hình đa giác, chỗ lồi chỗ lõm. Thành trong hình chữ nhật, bề dài 500m, bề rộng 350m, chu vi khoảng 1.7km. Thành đắp bằng đất, phía chân dày từ 20 đến 30 m, chân thành bằng đá tảng lớn, ngoài có hào sâu. (Nguyễn Khắc Ngữ, Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, Montréal: Tủ sách Nghiên cứu Sử Điạ, 1981, tr. 57.)

NGÔ VƯƠNG QUYỀN
(Tranh dân gian Đông Hồ)

KẾT LUẬN

Nước Việt vĩnh viễn độc lập từ khi Ngô Quyền xưng vương năm Kỷ Hợi (939), cách đây đúng 1080 năm, và càng ngày càng trở nên hùng cường thịnh vượng. Trung Hoa là một nước rộng lớn, đông dân, nằm sát nước Việt. Vì điều kiên địa chính trị nầy, Trung Hoa là một đại nạn thường trực cho Việt Nam.

Trong bang giao Việt Hoa, từ thời cổ sơ cho đến ngày nay, hầu như là một quy luật là khi Trung Hoa cường thịnh và nước Việt suy yếu, Trung Hoa xâm lăng nước Việt. Khi Trung Hoa xáo trộn, suy yếu, và nước Việt mạnh lên, chính là cơ hội để nước Việt có thể thoát Trung. Các nhà lãnh đạo cổ Việt, từ Khúc Thừa Dụ đến Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền đã biết lợi dụng thời cơ Trung Hoa chia rẽ và suy yếu để tranh đấu giành độc lập cho đất nước.

Ngày nay, quy luật nầy vẫn còn giá trị. Trung Cộng mới trổi dậy, đang cường thịnh. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay nổi tiếng tham nhũng, yếu kém, không được lòng dân, dễ đưa đến hiểm họa mất nước lần nữa vào tay Trung Cộng.

(Toronto, 01-01-2019)

TRẦN GIA PHỤNG

2 BÌNH LUẬN

  1. ( Trích) Sau trận đại thắng, Ngô Quyền lên ngôi là Ngô Vương Quyền và tái lập nền độc lập sau hơn ngàn năm bị Trung Hoa thống trị. Ông được lịch sử tôn là “vua của các vị vua”. Sử gia Ngô Thời Sĩ đã viết rằng “Chiến thắng Bạch Đằng là cơ sở phục hồi quốc thống. Về sau đến đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn nhờ vào dư âm lẫm liệt của trận ấy….”.

    Sau chiến thắng của Ngô Quyền , quân dân ta còn thêm hai lần nữa đánh tan tác giặc thù phương Bắc ở Bạch Đằng Giang :

    Lần thứ nhì là năm 981, khi Thái Tông nhà Đại Tống sai Hầu Nhân Bảo cùng các tướng Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng, v.v… đem quân thủy bộ xâm lăng nước ta.

    Triều đình đưa Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi là Đại Hành Hoàng Đế.

    Chiến thuyền Tống bị mai phục giữa dàn cọc ngăn sông và bị tấn công tứ bề. Hầu Nhân Bảo mất mạng trong đám loạn quân, Lưu Trừng dẫn toàn quân tháo lui ra biển. Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết trên sông Bạch Đằng, cánh quân của Tôn Toàn Hưng và Trần Khâm Tộ vội rút chạy, liền bị quân ta truy kích và diệt quá nửa, còn tướng Triệu Phục Huân bị bắt sống giữa trận.

    Trận Bạch Đằng thứ ba là do Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cầm quân đánh tan quân Mông Cổ vào năm 1288. Đó là khi Mông Cổ tấn công nước Nam lần thứ ba, dưới quyền thống soái của Trấn Nam Vương Thoát Hoan , con trai Thế Tổ Hốt Tất Liệt, người sáng lập nhà Nguyên.

    Lần này, toàn bộ chiến thuyền của giặc cũng lại tan tác trên cọc nhọn yểm dưới lòng sông. Vì bị tổn thất quá nặng , từ đó, Thoát Hoan không được phép về kinh diện kiến vua cha.

    “Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng
    của nòi giống Tiên Rồng,
    Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.
    Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung.
    Người nay có hay đã vì chúng ta
    Người hùng anh xưa giữ nước non nhà “

  2. Cảm ơn tác giả TRẦN GIA PHỤNG với kiến thức lịch sử uyên bác đã lập luận chặt chẽ rất hay ,chỉ đáng tiếc là những dòng này thì những người CS không bao giờ đọc đến(kể cả được bày ra trước mặt ,chứ đừng nói đến chuyện tìm để đọc…) vì họ luôn sợ SỰ THẬT chỉ thương thay cho số phận của những CON DÂN ĐẤT VIỆT VÀ QUÊ HƯƠNG của mình…..cho phép gửi lời chúc SỨC KHỎE và BÌNH AN đến tác giả và tòa soạn nhân dịp đầu năm mới 2019 …….

Leave a Reply to Tran Van Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên