Ký sự: Trường Sa ngày 14.4.1975 [1]

1
Bia chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa tại đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa

LỜI DẪN. Phần lớn người dân Việt Nam ở trong nước chìm đắm trong tuyên truyền áp đặt đều nhận thức rằng cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30.4.1975 là cuộc kháng chiến cứu nước hào hùng chống Mỹ xâm lược. Người dân đều nhìn nhận cuộc chiến tranh đó với cảm hứng tự hào của người chiến thắng. Người viết sử, viết báo, viết văn và làm nghệ thuật đều thể hiện cuộc chiến tranh thảm khốc tương tàn đó bằng cảm hứng anh hùng ca.

Nhưng có ba bằng chứng lịch sử chân thực khẳng định rằng cuộc chiến tranh đó là cuộc nội chiến tương tàn. Cuộc chiến người Việt xả súng giết người Việt. Người Việt thôn tính lãnh thổ, tước đoạt không gian sống của người Việt. Người Việt tước đoạt lòng yêu nước, tước đoạt danh dự, trách nhiệm công dân của người Việt. Ba bằng chứng tiêu biểu khẳng định cuộc nội chiến là.

Một. Cuộc chiến mở đầu bằng tiếng súng đồng khởi ở Bến Tre ngày 17.1.1960. Kí hiệp định Genève, nhưng nhà nước cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà không thực tâm thi hành hiệp định, không rút hết lực lượng ở miền Nam ra miền Bắc mà gài lại khắp miền Nam những cốt cán cộng sản, những hạt nhân lãnh đạo, duy trì các tổ chức cộng sản ngoài pháp luật ở miền Nam. Đi đầu nổi dậy chống nhà nước Việt Nam Cộng Hoà, tỉnh uỷ Bến Tre do người cộng sản nằm vùng Nguyễn Thị Định, đảng viên cộng sản từ năm 1938 khi mới 18 tuổi là bí thư đã ráo riết tổ chức các đơn vị du kích ở nhiều làng xã. Đầu năm 1960 tỉnh uỷ Bến Tre phát động chiến dịch “Toàn dân đồng khởi diệt ác ôn, phá kìm kẹp, giải phóng nông thôn, làm chủ ruộng vườn”. Ngày 17.1.1960 tiếng súng đồng khởi đã cướp được chính quyền của nhà nước Việt Nam Cộng Hoà ở ba xã Định Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh, huyện Mỏ Cày. Dù lực lượng đồng khởi chỉ làm chủ ba xã trong hai ngày nhưng tiếng súng đồng khởi đã trở thành pháo lệnh mở ra một cuộc chiến tranh kéo dài mười lăm năm, 1960 – 1975. Khởi đầu từ Bến Tre. những người cộng sản nằm vùng đã thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh du kích khắp miền Nam Việt Nam dẫn đến ngày 20.12.1960 ra đời Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam như một chính quyền nhà nước đối lập với nhà nước Việt Nam Cộng Hoà, hình thành hai lực lượng, hai chiến tuyến của cuộc nội chiến.

Hai. Chiến dịch cuối cùng kết thúc chiến tranh ngày 30.4.1975 là tổng lực sức mạnh bạo lực của nhà nước người Việt ở miền Bắc, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tiêu diệt sức mạnh tự vệ của nhà nước người Việt ở miền Nam, nhà nước Việt Nam Cộng Hoà.

Ba. Hình ảnh rõ nhất, sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất về cuộc nội chiến người Việt xả súng bắn giết người Việt là những dòng máu người Việt ở cả hai chiến tuyến đổ ra trên núm cát san hô Song Tử Tây của tổ tiên để lại trong quần đảo Trường Sa ngoài biển Đông rạng sáng ngày 14.4.1975.

Mười lăm năm người Việt xả súng quyết liệt giết người Việt, cả dải đất Nam Việt Nam đẫm máu người Việt là trang bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam, là nỗi đau muôn đời của dân tộc tồn tại bằng thương yêu đùm bọc. Người Việt giết người Việt không phải chiến công để tự hào phô trương, để viết sử thi, anh hùng ca. Tưng bừng, bền bỉ phô trương chiến công cuộc chiến tranh người Việt giết người Việt là con người Việt Nam của giai cấp vô sản thế giới, không phải con người Việt Nam của dân tộc Việt Nam.

*********

Hai đêm, một ngày ở đảo Song Tử Tây trong chuyến ra Trường Sa tháng năm, năm 1978, tôi may mắn có được một buổi chiều ngồi dưới bóng dừa trên đảo Song Tử Tây với trung sĩ Nguyễn Hữu Cách, người lính đặc công nước đã có mặt ở đảo Song Tử Tây đêm lịch sử 14.4.1975.

Trong cơn lốc của những cánh quân tiến về Sài Gòn tháng tư năm 1975, người lính Nguyễn Hữu Cách trong đội hình trung đoàn 126 đặc công nước từ cửa sông Bạch Đằng ở Quảng Yên, Quảng Ninh cũng thần tốc cuốn theo đường số Một ào ạt đổ về phía Nam. Đến Đà Nẵng lính đặc công nước tách ra khỏi dòng chảy lớn, bỏ đường bộ, xuống những con tàu thuộc đoàn tàu không số của trung đoàn vận tải 125, âm thầm vượt biển dóng hướng Đông, ra Trường Sa.

Khi tôi cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa thuộc tạp chí Văn Nghệ Quân Đội theo đoàn bộ tư lệnh Hải quân do hai thiếu tướng Hải quân dẫn dắt, tướng tư lệnh Giáp Văn Cương và tướng chính uỷ Hoàng Trà đến đảo Song Tử Tây thì trên đảo đang có đoàn làm phim quân đội làm phim về Trường Sa. Đoàn làm phim đã đưa Nguyễn Hữu Cách từ Cam Ranh ra Song Tử Tây ghi hình con người lịch sử, không gian lịch sử, sự kiện lịch sử đêm rạng sáng 14.4.1975 ở Song Tử Tây.

Kí sự dưới đây tái hiện lại câu chuyện người lính đặc công nước Nguyễn Hữu Cách kể trong buổi chiều ngồi với tôi ở đảo Song Tử Tây.

1.   NỖI BỒN CHỒN BẤT THƯỜNG

Năm mươi tư cây dừa gày guộc, cao lênh khênh trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo vắt vẻo trên đỉnh cực Bắc quần đảo Trường Sa, cây nào cũng có dáng gắng gỏi, nhọc nhằn và quằn quại, vật vã. Sáu tháng mùa khô nắng cháy và gió xé, lá dừa xác xơ, hoe vàng. Tháng năm, mùa mưa đến cũng là mùa bão giông. Những trận mưa mát lành làm lá dừa xanh mướt mát, bừng bừng sức sống thì những trận bão cuồng, gió giật và xoay chiều đủ bốn hướng lại vặn thân dừa đến quằn quại. Từ các nách lá, những chùm hoa lấm tấm trắng lại bung ra. Đêm đi gác, người lính chợt nhận ra trong không khí ẩm ướt, thoang thoảng hương hoa dừa thơm mát làm anh có cảm giác như đang đi dưới hàng dừa bên đường làng, hay đi trong bãi dừa ven biển quê nhà.

Ngày nắng cháy, dừa toả bóng che mát cho một khoảng đảo. Bên gốc dừa có những chiếc ghế đá nhỏ đặt hướng ra biển. Giữa vạt dừa có ba nấm mộ. Những bao cát đắp quanh những nấm mộ giữ cát khỏi trôi và cản những cơn gió biển hun hút thổi tung cát lên. Ba nùm cát hình chữ nhật song song theo hướng Đông – Tây. Giữa mỗi nùm cát, những chân nhang đỏ nghiêng ngả. Ba nấm mộ nhưng chỉ có một nấm mộ có bia. Đầu phía Tây, phía làng quê thương nhớ, phía gia đình ruột thịt, phía tổ quốc Việt Nam thân yêu của nấm mộ ở phía Bắc có những bông hoa san hô lớn xếp quanh một tấm bia gỗ nhỏ mang hàng chữ được vạch bằng mũi lưỡi lê vào gỗ, nét mờ nhạt, nhìn kĩ mới đọc được: LIỆT SĨ TỐNG VĂN QUANG. HI SINH NGÀY 14.4.1975.

Ngồi bên Nguyễn Hữu Cách trên chiếc ghế đá, bên gốc dừa nhìn ra biển đang chuyển dần từ màu xanh ngỡ ngàng sang màu tím trầm tư, tôi lắng nghe người lính đặc công nước quê miền biển Nghĩa Hưng, Nam Định kể lại chặng đường Nguyễn Hữu Cách, Tống Văn Quang, Nguyễn Văn Quyền trong đội hình trung đoàn 126 lính đặc công nước ngồi ô tô hành quân từ Quảng Yên, miền Bắc vào Đà Nẵng, miền Trung rồi chui xuống hầm chứa hàng trên con tàu sắt nhỏ bé ra Trường Sa. Nghe kể lại khoảnh khắc những người trai Việt Nam trong sắc phục lính miền Bắc và những người trai Việt Nam trong sắc phục lính miền Nam dựng tường lửa ngăn cách nhau, huỷ diệt nhau giành quyền làm chủ đảo Song Tử Tây và tiếng Việt từ thăm thẳm hồn người Việt cất lên đã làm tắt lịm những chớp lửa chết chóc để người Việt từ hai phía đến với nhau. Nghe kể về những dòng máu người lính đổ ra từ hai chiến tuyển đều là người Việt. Những dòng máu người Việt cùng thấm vào núm cát san hô của cha ông người Việt để lại rạng sáng ngày 14.4.1975.

Tối ngày 2 tháng tư, Cách nghe đài Tiếng Nói Việt Nam đưa tin quân miền Bắc đã làm chủ thành phố Nha Trang thì tờ mờ sáng ngày 3 tháng tư, trung đoàn 126 đặc công nước của Cách nhận lệnh xuất quân.

Khi những sư đoàn từ vách núi Trường Sơn, những binh đoàn từ hậu phương miền Bắc, ầm ầm xe pháo theo những trục đường rộng dài của hệ thống giao thông quốc gia tiến về phía Nam giữa ban ngày chói chang nắng đang mùa khô, lần lượt làm chủ những yếu địa chiến lược, những thành phố lớn, những vùng đất rộng. Ngày 10 tháng ba làm chủ địa bàn chiến lược Buôn Mê Thuột. Ngày 26 tháng ba làm chủ cố đô Huế. Ngày 29 tháng ba làm chủ thành phố Đà Nẵng, căn cứ quân sự hỗn hợp lớn nhất miền Nam. Ngày 2 tháng tư làm chủ Nha Trang, căn cứ hải quân trọng yếu nhất của quân đội miền Nam. Khoảng cách đến Sài Gòn rút ngắn lại từng ngày thì không khí chộn rộn, náo nức ở trung đoàn 126 cũng tăng lên từng ngày.

Dù biết rằng lính đặc công chỉ đơn độc đánh nhỏ lẻ, đánh bí mật, đánh bất ngờ, đánh gặm nhấm. Giờ là lúc đại quân dàn thế trận đánh lớn, đánh tổng lực, đánh vỗ mặt, đánh công khai, đánh dứt điểm, đánh bằng tốc độ nhanh, xung lực lớn, hoả lực mạnh, đánh bằng xe bọc thép, pháo nòng dài, tên lửa vác vai, đâu cần đến cách đánh dầm dề, đánh điểm, đánh hiểm của đặc công. Đâu cần đến những mũi thọc sâu âm thầm trong đêm tối của đặc công dù nhọn hoắt nhưng nhỏ bé, lẻ loi, trần trụi, trên người chỉ có chiếc quần cụt lủn, trong tay chỉ có khẩu AK với hai băng đạn, bên sườn chỉ có dao găm và gói thuốc nổ. Nhưng cả trung đoàn ai cũng khấp khởi chờ đợi. Là người lính chiến trận ai chẳng mong có mặt trong trận đánh cuối cùng giành chiến thắng cao nhất, trọn vẹn nhất. Là người lính lúc này phải đứng ngoài cuộc chiến là hình phạt nặng nề nhất. Vì vậy, nhận lệnh lên đường, ba lô trên lưng, khẩu AK trong tay, Cách không chạy thẳng ra ô tô mà chạy đi tìm Quang, chia tay Quang, an ủi Quang phải ở lại hậu cứ.

Bắp đùi bên chân phải Quang nổi nhọt sưng tấy. Chân đau nhức đã làm Quang thức trắng một đêm. Đến chiều qua Quang không lê bước được nữa. Y tá Gọn đã viết giấy cho Quang vào viện quân y 5.8 ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng và ô tô quân y đã đến đưa Quang nhập viện nhưng Quang nấn ná chưa chịu đi nằm viện quân y. Quang bảo đang uống thuốc của y tá Gọn nghe chừng có chuyển biến. Đợi thêm thời gian mà chân không đỡ đau, đành chấp nhận bị loại ngũ phải vào nằm trong viện quân y vậy. Quang nằm liệt mấy hôm nay nhưng đến giường ngủ của Quang thấy tấm ván giường trống trơ, không còn chăn, màn, ba lô. Cả chiếc chiếu trải giường cũng không còn. Cách chạy ra chỗ đại đội tập hợp chờ lên ô tô thì thấy Quang ba lô trên lưng, AK trong tay ngồi thụp trong hàng ngũ mọi người đều đứng.

Cách đứng vào hàng, cạnh hảng tiểu đội Quang, hỏi: Hôm nay mày đi quân y mùng năm tháng tám cơ mà. Sao lại ngồi đây? Quang chống AK đứng lên, khẽ dậm dậm bàn chân phải tỏ ra chân Quang không còn bất trị nữa, Quang bảo, tao còn đi được làm sao phải ở lại phía sau? Cách ấn vai Quang, bảo, mày cứ ngồi nghỉ đi. Ráng đi được chuyến này là may rồi. Tao cũng mong mày không vắng mặt trong trận đánh cuối cùng này. Cách ngồi xuống với Quang, nghe Quang lí sự về đời lính đặc công. Lính đặc công cả đời ra trận trong đội hình nhỏ bé, lẻ loi, trong âm thầm, lặng lẽ, thắng bại chưa biết nhưng cái chết thì đã tự nhận lấy rồi. Mình trần đơn độc giữa bãi mìn dày đặc, giữa tua tủa họng súng, giữa cái cái chết bủa vây. Trước đây vào trận trong tình thế như vậy mà có ai chùn bước đâu. Bây giờ mới được hành quân trong đội hình lớn rầm rộ, công khai. Lại là trận đánh cuối cùng, trận đánh đi vào lịch sử, đi là chắc thắng. Tao còn cầm được khẩu súng, dù bất kì sự cố nào cũng không thể loại tao ra khỏi lần xuất quân này được. Tao đã báo cáo và được cả đại đội trưởng, cả chính trị viên cho đi rồi. Chính trị viên Hậu bảo: Cậu không chịu đi viện, ở lại hậu cứ cũng chẳng còn ai lo cơm nước, thuốc men cho cậu. Lần này không phải hành quân bộ thì cứ lên ô tô ngồi, bám theo đơn vị rồi tuỳ cái chân trở chứng của cậu mà lo liệu sau.

Ô tô chạy suốt ngày đêm. Đến rạng sáng vào thành phố rợp cờ đỏ. Đọc bảng hiệu trên phố, lính thầm reo lên: A, đến thành phố Đà Nẵng rồi! May quá xe đang dừng giữa phố cho lính được no mắt ngắm nhìn thành phố, ngắm nhìn con người phương Nam. Nhà nhà cửa đóng, cửa có mở cũng chỉ he hé. Những toà nhà lầu san sát phần lớn đều mới xây. Ngợp trời bảng hiệu buôn bán. Loá mắt bảng quảng cáo hàng hoá in hình các cô gái. Cô gái xinh đẹp nào cũng như vui mừng nhìn vào mắt lính với nụ cười tươi. Lính như được đến một đất nước xa lạ, bình yên, một thành phố đô hội sầm uất, sức sống mạnh mẽ và chưa hề có chiến tranh. Lạ nhất là con người. Con gái phấn son như diễn viên trên sân khấu. Con trai quần áo đủ màu, đủ kiểu lạ lẫm. Lính miền Bắc sững sờ ngắm con người phương Nam như ngắm người ở xứ sở ngoài trái đất. Còn tốp thanh niên miền Nam tóc dài, quần ống loe đến bên đoàn xe, ngước nhìn những người lính trên thùng xe với vẻ ngạc nhiên và thích thú như vẻ mặt những đứa trẻ nhìn voi, nhìn gấu trong vườn thú.

Tốp con trai xán đến cạnh ô tô. Tốp phụ nữ mặt hoa da phấn rực rỡ như một cụm hoa đứng túm tụm xa hơn nhưng thu hút mọi ánh mắt của lính bởi lính miền Bắc trong đời thường chưa bao giờ thấy đàn bà gương mặt rạng rỡ phấn son, váy áo đủ sắc màu, đủ kiểu cách khoe dáng người óng ả, khoe đường nét đàn bà gợi cảm đến không thể rời mắt. Những người lính ra đi từ mảnh đất phù sa sông Hồng, sông Mã, sông Gianh, từ rừng rậm Cao Bằng, từ núi cao Hoàng Liên Sơn đã bao giờ thấy phụ nữ trong cuộc sống đời thường mà môi son, má phấn và váy áo sặc sỡ khoe đường nét đàn bà óng ả thế này đâu. Lính đang mở to mắt ngắm phố, ngắm người, bỗng Quang kêu lên: Em ơi, em đàn bà quá làm cho chân anh hết cả đau và làm cho anh tỉnh cả người. Lính trên xe đang cười nghiêng ngả vì Quang thốt lên em đàn bà quá thì xe chuyển bánh đưa lính vào ở doanh trại quân đội Sài Gòn ngay bên sông Hàn.

Ngồi trên ô tô không phải sử dụng đôi chân, Cách theo dõi Quang và y tá đại đội xử lí cái nhọt quái ác của Quang. Xoa cao. Tiêm kháng sinh liều cao. Không hiểu bằng cách nào trong dòng chảy đoàn quân cuồn cuộn như thác đổ mà y tá Gọn vẫn kiếm được bi đông nước nóng chườm cái nhọt đội da thịt nhô cao lên và đỏ ửng ở đùi Quang. Gặp sự cố trên đường, xe dừng dù chỉ thoáng chốc, y tá cũng đỡ Quang xuống đường tập vận động. Thật may, cái nhọt dịu dần, xẹp dần.

Đến Đà Nẵng chỉ như đến điểm dừng chân triển khai chiến đấu. Trong những dãy nhà dài rộng, tường cao, mái tôn trắng như dãy nhà kho rỗng, lính đặt ba lô xuống nền xi măng theo vị trí của từng tiểu đội. Người tìm chỗ mắc võng. Không có chỗ mắc võng thì trải tấm võng trên nền nhà. Buổi sáng ổn định chỗ ở. Buổi chiều, đại đội trưởng lên trung đoàn họp nhận phương án tác chiến. Chính trị viên đại đội lên danh sách biên chế đội hình chiến đấu.

Trung đoàn lại có không khí thầm lặng mà gấp gáp như trước mọi trận đánh. Lính lại phấp phỏng dò đoán mục tiêu đột nhập. Lính đặc công nước thì chỉ đánh tàu, đánh cảng, đánh kho tàng bên sông nước. Người đoán sẽ bơi ra biển đánh tàu chiến Mỹ ngoài khơi. Người đoán lính đặc công nước sẽ bí mật theo đường biển, đường sông đột nhập vào Sài Gòn, từ trong đánh ra, phối hợp với các quân đoàn bộ binh từ ngoài đánh vào. Chẳng ai nghĩ đến mục tiêu Trường Sa. Còn Quang thì phán: Đã vào đến đây thì mục tiêu nào cũng như nhau, cũng là mục tiêu cuối cùng. Tình thế này đánh mục tiêu nào cũng không đến nỗi trần ai, khó nhai, khó gặm như đánh tàu chiến Mỹ neo trong quân cảng Cửa Việt.

Trung đoàn chọn ra ba đại đội. Mỗi đại đội lại chọn ra hai mươi mốt lính tin cậy nhất biên chế thành ba mũi chiến đấu trong một phân đội do đại đội trường là phân đội trưởng. Kĩ năng sông nước, kĩ năng chiến đấu dưới nước thì lính trung đoàn 126 anh nào cũng như rái cá, cũng vài chục lần ra vào quân cảng Cửa Việt, làm nổ tung hàng chục tàu chiến Mỹ, chẳng ai kém ai. Có lẽ chính trị viên chỉ còn chọn ở tinh thần, ở ý chí tiến công. Cách và Quang đều được chọn trong đội hình phân đội Một do đại đội trưởng, trung uý Quế chỉ huy. Nguyễn Văn Quyền trong đội hình phân đội Hai do trung uý, đại đội trưởng Cường là phân đội trưởng. Trung uý đại đội trưởng Minh chỉ huy phân đội Ba. Đại đội hơn trăm lính chiến, chắt lại còn hai mươi mốt ý chí tiến công cộng với đại đội trưởng là người thứ hai mươi hai. Ba phân đội, sáu mươi sáu lính trong đội hình một đại đội chiến đấu do trung tá, trung đoàn trưởng Mai Năng là đại đội trưởng.

Nhá nhem tối, trong căn nhà rộng sở chỉ huy quân cảng Đà Nẵng của Hải quân miền Nam còn ngổn ngang giấy tờ và quân phục lính miền Nam, sau khi các cửa ra vào đã đóng kín và đèn điện bật sáng lên, trung tá trung đoàn trưởng Mai Năng bước đến trước ba phân đội chiến đấu, hơn sáu mươi người lính miền Bắc, hơn sáu mươi rái cá biển cùng với hơn trăm người lính hậu cần đi theo bảo đảm ăn uống hàng ngày, bảo đảm súng đạn chiến đấu và y tế cứu thương cho người lính chiến đấu. Cất tiếng vừa đủ nghe, trung đoàn trưởng tiết lộ mục tiêu lần xuất quân đặc biệt hệ trọng này:

  Các đồng chí. Chúng ta đang nhận một thử thách lớn lao hơn nhiều lần những thử thách chúng ta đã vượt qua trước đây và cũng là trách nhiệm lớn lao lần đầu tiên chúng ta được tin cậy giao phó. Suốt bao năm qua chúng ta xuất quân vào trận đánh chỉ nhằm tiêu diệt địch. Mau lẹ tiêu diệt mục tiêu rồi mau lẹ rút về hậu cứ an toàn. Lần này chúng ta xuất quân với nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và lâu dài hơn, với trọng trách lớn lao hơn. Trọng trách thu hồi và ở lại giữ gìn lãnh thổ của cha ông để lại ở biển Đông. Tôi nhắc lại. Lần này chúng ta ra trận thu hồi và ở lại giữ lãnh thổ của cha ông để lại ở Trường Sa ngoài biển Đông. Những lần ra trận trước, chúng ta bơi vo vài chục cây số trên biển từ Bắc vào Nam. Lần này chúng ta đi tàu vài trăm cây số ra biển Đông. Lịch sử mở cõi của cha ông để lại Trường Sa cho tổ quốc Việt Nam. Lịch sử lại giao cho chúng ta việc thu hồi Trường Sa và giữ Trường Sa. Chúng ta phải thu hồi và giao lại cho mai sau trọn vẹn gia tài của cha ông để lại. Các đồng chí có nhận thức được ý nghĩa lịch sử của trận đánh đêm nay chúng ta lên đường không?

Lính im phăng phắc không trả lời trung đoàn trưởng vì như còn đang bất ngờ về điều người chỉ huy vừa nói, điều không ai nghĩ tới. Chưa ai từng một lần nghe tên Trường Sa. Chưa ai biết mục tiêu Trường Sa ở đâu, địa hình thế nào. Sau bất ngờ là nỗi xúc động âm thầm đến với Cách. Bên tai Cách vẫn rì rầm tiếng trung đoàn trưởng nhắc đi nhắc lại: Lịch sử giao cho chúng ta việc thu hồi Trường Sa và giữ Trường Sa. Chúng ta phải thu hồi và giao lại cho mai sau trọn vẹn gia tài của cha ông để lại. Lần đầu tiên nghe tên Trường Sa mà sao cái tên ấy lại bỗng âm vang, lay động trong lòng Cách đến vậy.

Cách cũng nhận ra dường như sự lay động đó cũng có trên gương mặt trung đoàn trưởng Mai Năng, người lính trinh sát của bộ đội địa phương Kiến An thời kháng chiến chống Pháp đã tham gia trận đánh sân bay Cát Bị, Hải Phòng, đêm 7 tháng ba, năm 1954, phá huỷ 59 máy bay Pháp đang làm cầu hàng không tiếp tế cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ.

Khi đất nước chia cắt hai miền  Nam Bắc với hai chính quyền, hai nhà nước và xung đột giữa hai nhà nước ngày càng điêu linh dẫn đến nửa triệu quân Mỹ phải có mặt ở miền Nam cứu nhà nước miền Nam khỏi sụp đổ. Cứu nhà nước miền Nam, nửa triệu quân Mỹ chia hai hướng chính với hai mục tiêu ở hai đầu Nam Bắc lành thổ Nam Việt Nam. Hướng Nam. Quân Mỹ tập trung lực lương cơ động nhanh, hoả lực mạnh áp đảo vào những cuộc hành quân bão táp nhổ tận gốc cơ quan đầu não của đội quân mang danh giải phóng. Hướng Bắc. Mỹ rải quân chốt chặn dày đặc ở Cửa Việt, Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu, điểm cao 241, Khe Sanh, đường Chín . . .  Giăng hàng rào điện tử ở Nam sông Bến Hải, quân Mỹ cũng giăng hàng rào hoả lực dày đặc ở mảnh đất địa đầu của nhà nước miền Nam, ngăn chặn quân miền Bắc. Khi các sư đoàn bộ binh thiện chiến quân miền Bắc, sư đoàn 320, sư đoàn 325 tung những mũi thọc sâu vây ráp căn cứ Mỹ ở Tà Cơn, Khe Sanh. Pháo tầm xa từ Bắc sông Bến Hải dập bão lửa xuống căn cứ Mỹ ở Cồn Tiên, Dốc Miếu thì người lính đặc công đánh máy bay Pháp ở sân bay Cát Bi ngày nào cũng dẫn trung đoàn 126 đặc công nước vào mảnh đất dày đặc căn cứ Mỹ, liên tục đánh tàu chiến, kho tàng quân Mỹ ở quân cảng Cửa Việt, căn cứ hậu cần duy trì nguồn sống cho đội quân Mỹ đông đúc trên đất Quảng Trị. Nay người lính đó lại dẫn Cách ra Trường Sa.

Trung đoàn trưởng Mai Năng cho biết quần đảo Trường Sa có nhiều đảo nhỏ. Nhiều nước trong khu vực như Việt Nam Cộng Hoà, Đài Loan, Phillippines, Malaysia, đều có quân chiếm đóng, đều có chỗ đứng chân trong quần đảo và đều tuyên bố chủ quyền với cả quần đảo. Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam là Tây Sa và Nam Sa và cũng gióng giả nhận Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc. Vì vậy trong tình thế quân đội Việt Nam Cộng Hoà đang tan rã, ta không nhanh chóng có mặt ở Trường Sa, các nước đang muốn thâu tóm quần đảo này sẽ chớp thời cơ nhảy vào thay thế đội quân đang sụp đổ, không còn tinh thần chiến đấu. Những tham vọng lãnh thổ đó sẽ dễ dàng, nhanh chóng chiếm các đảo của Việt Nam.

Trung đoàn trưởng Mai Năng kể tên sáu đảo ở Trường Sa quân đội Việt Nam Cộng Hoà đang giữ rồi ông nói về hòn đảo đêm nay ba phân đội chiến đấu sẽ hướng đến. Đảo Song Tử Tây vắt vẻo, tách biệt ở đỉnh cực Bắc quần đảo Trường Sa là miếng mồi ngon nhất với những tham vọng lãnh thổ. Song Tử Tây chênh vênh, lẻ loi trên cực Bắc quần đảo Trường Sa là đảo hớ hênh nhất, mong manh nhất. Ngoài nỗi đe doạ lớn đến từ phía Bắc, đến từ tham vọng Tây Sa, Nam Sa, Song Tử Tây lại rất gần đảo Song Tử Đông do quân Phillippines đang chiếm đóng. Song Tử Tây cách Song Tử Đông chỉ hơn mười hải lí. Lại thêm nỗi đe doạ to lớn và cận kề từ phía Đông. Ta không đủ lực lượng cùng lúc có mặt ở tất cả các đảo đang được quân đội Việt Nam Cộng Hoà quản lí thì trước hết ta phải gấp rút có mặt ở Song Tử Tây rồi sẽ nhanh chóng lần lượt có mặt ở các đảo khác.

Như trút nỗi niềm với những người lính mà ông tin cậy qua những năm tháng cùng ông vào sống ra chết trong chiến tranh, trung đoàn trưởng Mai Năng nhỏ giọng như thì thầm:

  Nói thật với các đồng chí. Trước đây tôi cũng đặt lòng tin tuyệt đối vào lòng tốt của người đã trang bị cho lính ta từ đầu đến chân. Từ chiếc mũ trên đầu đến đôi dép cao su dưới chân. Từ trong ra ngoài. Từ gói lương khô chắc dạ đến bộ quần áo ấm thân. Từ khẩu súng tạo ra sức mạnh đến túi thuốc giữ sức chiếc đấu cho lính để chúng ta làm chiến tranh. Nhưng là cuộc chiến tranh người Việt với nhau thì chỉ mang lại lợi lộc cho họ mà thôi. Đau xót lắm các đồng chí ạ. Đúng lúc chúng ta phải dốc hết sức vào cuộc chiến tranh nội bộ của ta, họ liền ra tay chiếm quần đảo Hoàng Sa của ta mới đầu năm ngoái thì bụng dạ của họ đã phơi bày ra rõ rồi. Đến nay ai còn tin họ thì tuỳ còn tôi không thể tin vào kẻ khuấy nước đục lên để bắt cá mà ông bà ta gọi là đục nước béo cò. Nói điều này để các đồng chí thấy lần xuất trận này của các đồng chí cấp bách và hệ trọng như thế nào.

Giao nhiệm vụ, phát lệnh lên đường chiến đấu cho lính mà trung đoàn trưởng Mai Năng như tâm tình, như nói chuyện lịch sử. Ông nói rằng tình thế gấp gáp đòi hỏi chúng ta phải hành động khẩn trương, giành thế chủ động, bất ngờ, giải quyết trận đánh thật gọn. Trước đây chúng ta vào trận chỉ cần mang theo gói lương khô là đi đến nơi, về đến chốn. Nay đi giành lại Trường Sa và ở lại giữ Trường Sa ở khoảng cách năm trăm hải lí biển thì gánh nặng hậu cần còn lớn hơn cả gánh nặng chiến đấu. Vì vậy đội hình chiến đấu càng phảỉ chắt lọc lại nhỏ nhất, tinh nhất. Sự chắt lọc đã cho chúng ta có đội hình chiến đấu đang có mặt ở đây. Các đồng chí là kết tinh của cách đánh đặc công nước đã có từ thời Yết Kiêu nhà Trần. Yết Kiêu thế kỉ mười ba đánh giặc trên sông. Các đồng chí là Yết Kiêu thế kỉ hai mươi đánh giặc trên biển.

Dừng lời, ánh mắt tìm đến từng gương mặt lính, người lính tuổi ngoài bốn mươi nói với những người lính tuổi ngoài hai mươi:

  Các đồng chí ạ. Hơn hai mươi năm là người lính chiến, tôi đã qua nhiều trận đánh lớn nhỏ nhưng không lần nào tôi có nỗi bồn chồn, phải nói là xúc động như lần này. Xúc động vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm lớn lao mà người lính bình thường như tôi, như các đồng chí được giao phó. Các đồng chí có thấy như vậy không?

Lính bỗng ồn ào, Cách không nghe rõ lời trung đoàn trưởng nữa nhưng điều trung tá Mai Năng nói rằng chưa có lần vào trận nào làm ông xúc động như lần này thì Cách nhớ mãi.

(Còn tiếp)

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhà văn Phạm Đình Trọng cho ta biết sự khác nhau giữa trí thức & những người họ kêu là “bò đỏ” trong bài này

    “Người dân đều nhìn nhận cuộc chiến tranh đó với cảm hứng tự hào của người chiến thắng. Người viết sử, viết báo, viết văn và làm nghệ thuật đều thể hiện cuộc chiến tranh thảm khốc tương tàn đó bằng cảm hứng anh hùng ca”

    Họ là trí thức nên những điều “bò đỏ” viết ra, họ lập lại bằng khả năng sáng tạo nghệ thuật của mình

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên