Kiểm duyệt bằng cách nào

1

 

Tác giả: Ai Weiwei

(Bùi Văn Phú chuyển ngữ)

[Ai Weiwei là một nghệ sĩ Trung Quốc. Bài viết nguyên bản tiếng Hoa, do Perry Link dịch sang Anh ngữ, đăng trên báo giấy The New York Times ngày 7/5/2017 và trên mạng của báo này một ngày trước, với tựa: “How censorship works”]

—————————–

Trong năm 2014, vào một tháng với những triển lãm nghệ thuật khác nhau ở Bắc Kinh và Thượng Hải trong đó có trưng bày những tác phẩm của tôi, nhưng tên tôi đã bị bôi đi, khi thì bởi quan chức nhà nước và khi khác bởi chính những người tổ chức.

Có người cho rằng chuyện kiểm duyệt như thế là bình thường, không có gì phải bực mình. Nhưng là một nghệ sáng tạo, tôi coi việc xếp loại tác phẩm của mình như một đo lường những giá trị tôi đã làm ra, giống như những dấu đo mực nước ở bờ sông.

Những người khác có thể chỉ muốn bỏ qua, nhưng tôi không thể. Tôi không có chút ảo tưởng gì khi nghĩ rằng điều tôi không muốn bỏ qua có ảnh hưởng đến những người khác vì họ muốn thế.

Trung Quốc, cuộc sống thì đầy giả dối. Người ta giả vờ không biết và hay nói những điều tối nghĩa. Mọi người ở Trung Quốc biết ở đó có chế độ kiểm duyệt, nhưng lại có rất ít thảo luận tại sao lại có kiểm duyệt.

Thoạt nhìn, sự kiểm duyệt như vô hình, nhưng sự có mặt của nó ở khắp nơi xóa đi cảm giác và nhận thức của quần chúng, tạo ra những giới hạn về thông tin người dân tiếp cận, chọn lựa và tin vào. Nội dung thông tin do truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra, sau khi qua kiểm duyệt chính trị thì không phải là thông tin tự do. Đó là những gì đã được chọn lựa, sàng lọc và đặt vào đúng chỗ, và không đi ra ngoài việc giới hạn ước muốn tự do và độc lập của độc giả hay khán giả.

Sự độc hại của hệ thống kiểm duyệt không chỉ làm nghèo đi đời sống tri thức, mà về mặt cơ bản nó cũng bóp méo sự tương quan hợp lý giữa thế giới thiên nhiên và thế giới siêu hình như đã được biết đến. Hệ thống kiểm duyệt lệ thuộc vào việc cướp đi khả năng tự nhận biết của một người về những gì cần có để được hiện hữu độc lập. Nó cô lập khả năng tiếp cận với sự độc lập và niềm vui.

Kiểm duyệt phát biểu làm mất đi tự do chọn lựa những gì tiếp thu và diễn đạt tới người nghe và điều này chắc chắn sẽ đưa đến sự chán nản trong dân. Bất cứ khi nào sự sợ hãi lên ngôi, niềm vui chân thực sẽ không còn và ước muốn cá nhân sẽ khô cạn. Những xét đoán trở nên sai lệch và sự hợp lý tự nó bắt đầu biến mất. Hành động của tập thể có thể trở nên cuồng nhiệt, khác thường và mãnh liệt.

Bất cứ khi nào nhà nước kiểm soát hay ngăn chặn thông tin, điều đó không chỉ tái xác định quyền lực tuyệt đối của chế độ, mà còn ngoi ra từ quần chúng bị trị những người tự nguyện phục tùng hệ thống và thừa nhận quyền thống trị của nó. Từ việc này đưa tới sự hậu thuẫn cho nguyên lý về việc hạ thấp nhân phẩm: là chấp nhận lệ thuộc để đổi lấy những quyền lợi thực tế.

Cách tốt nhất để thích nghi với kiểm duyệt là tham gia vào việc tự kiểm duyệt. Đó là phương thức hoàn hảo để liên kết với quyền lực và tạo nên một sân chơi cho những trao đổi lợi ích đôi bên. Hành động của việc phục tùng quyền lực để nhận được những thỏa mãn nho nhỏ có thể là điều không quan trọng, nhưng nếu thiếu nó, cuộc tấn công man rợ của hệ thống kiểm duyệt sẽ không thể xảy ra.

Đối với những ai chấp nhận vai trò thụ động đối với giới cầm quyền, “Tồn tại” trở thành một giá trị tối cao. Họ mỉm cười, cúi đầu và gật đầu. Những cử chỉ đó thường đem lại cho họ một cuộc sống êm đềm, nhàn hạ và không gặp khó khăn. Đối với họ, thái độ này về cơ bản là mang tính tự vệ. Rõ ràng trong bất cứ tranh cãi nào, nếu một bên bị cấm nói, những gì phía bên kia nói ra sẽ không bị thách thức.

Đó là những gì đang xảy ra ở Trung Quốc: Đa số tự câm lặng, những kẻ nịnh hót của một chế độ đầy quyền lực, còn sự bực bội của những người như tôi, lên tiếng phản đối, là mặt khác đầy cay đắng. Bởi họ biết rằng việc hạ thấp nhân phẩm là lựa chọn bằng chính đôi bàn tay của họ. Vì thế tự vệ cũng đã trở thành tự an vui.

Vì hệ thống kiểm duyệt cần hợp tác và thông cảm ngầm của những người bị kiểm duyệt, nên tôi không đồng ý với quan niệm thường có là những kẻ bị kiểm duyệt đơn thuần chỉ là nạn nhân. Tự nguyện tự kiểm duyệt đem lại lợi ích cho cá nhân, và hệ thống kiểm duyệt sẽ không thể vận hành nếu không có yếu tố tự nguyện trong đó.

Những ai sẵn sàng kiểm duyệt chính mình thì dễ bị những thách thức đạo đức qua nhiều hình thức. Họ chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ là nạn nhân, cho dù thỉnh thoảng họ cũng lau nước mắt cho ra vẻ. Mỗi lần bày tỏ sự qụy lụy, họ đem lại nồng ấm trong lòng kẻ cầm quyền và làm hại cho những người phản đối.

Thái độ hèn nhát của họ, khi mà ngày càng lan rộng, cũng là lý do sâu xa hơn cho sự suy xụp đạo đức trong xã hội của chúng ta. Nếu những người này tin rằng sự chọn lựa hợp tác là con đường duy nhất để tránh trở thành nạn nhân, họ đang bước vào một hành trình bất hạnh đầy bóng tối.

Chế độ tưởng thưởng cho những người bình thường vì sự tự nguyện hợp tác của họ, vì thế không có nhu cầu khiến họ phải cạnh tranh để được tuyên dương. Những nhà quản lý của các dự án văn hoá, nghệ thuật, do đó cần làm nhiều hơn thế. Họ cần chứng tỏ một cách hồ hởi rằng họ “hiểu rồi” và sẽ phục vụ giới cầm quyền và bảo vệ hình ảnh của họ trước công chúng. Họ biết rằng bất cứ điều gì làm cho cấp trên không vui thì một dự án, hay có thể cả một tổ chức, cũng sẽ bị dẹp bỏ.

Trong một chế độ như thế, những tác phẩm nghệ thuật được thăng hoa hay bị chìm xuống không phải từ những cuộc tranh tài tự do, nhưng bằng vào những tiêu chí thiếu lương thiện, mà bất cứ một nghệ sĩ sáng tạo nào có chút sức sống thực cũng phải hành động như kẻ ngu đần và chấp nhận những thỏa thuận ngầm.

Mọi người đều biết là tôi không thể phát biểu tại bất cứ diễn đàn công cộng nào. Tên của tôi đã bị xóa trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Tôi không được tự do di chuyển trong nước và bị cấm xuất hiện trên truyền thông nhà nước, nơi tôi thường bị chửi mắng. Những nhà bình luận của truyền thông nhà nước giả vờ như là họ công bình, nhưng đó là điều không thể, vì phía sau chiếc ghế họ ngồi bức màn bảo vệ của nhà nước. Họ không đặt ra những vấn đề như quyền tự do biểu đạt, hay thảo luận về chất lượng cuộc sống cho đại đa số người dân Trung Quốc. Sở trường đặc biệt của họ là tấn công một cách thô bỉ những tiếng nói đã bị đàn áp.

Sự hiện hữu “ảo” của tôi, nếu chúng ta có thể gọi như thế, chỉ có trong lòng những người chọn để ý đến tôi và họ thuộc về hai nhóm: những người coi hành động của tôi củng cố cho ý nghĩa cuộc sống của họ và những người khác xem tôi là cản trở con đường đem lại lợi ích cho họ, và đólý do họ không thể tha thứ cho tôi.

Chỉ khi nào ở Trung Quốc có những diễn đàn bình đẳng và đúng đắn để quan điểm của dân được nói lên, khi đó chúng ta mới có những cách cho tư duy gặp nhau qua ngôn từ của chính chúng ta. Tôi ủng hộ việc thành hình những diễn đàn như thế. Đây chính là nguyên lý đầu tiên để đem lại công bằng xã hội.

Còn ở một nơi mà mọi thứ đều giả tạo, cho tới sợi tóc cuối cùng, thì bất cứ ai lên tiếng chỉ trích những điều thật dường như là kẻ ngây ngô, như trẻ con. Cuối cùng, tôi tìm ra con đường “ngây ngô” là con đường duy nhất mở ra cho tôi. Tôi bị buộc phải mang đầu óc thiển cận, giống như những người Uighurs hay người Tibet “thiển cận” mà chúng ta đã nghe đến.

MANDATORY MENTION OF THE ARTIST UPON PUBLICATION
A visitor passes “With Wind,” an installation by Chinese artist Ai WeiWei that is part of @Large: Ai WeiWei on Alcatraz on September 27, 2014 in San Francisco, California. The piece, located in the former Federal prison, features kites meant to convey the contrast between freedom and restriction. AFP PHOTO / NOAH BERGER. Tác phẩm của Ai Weiwei trưng bày trong khu du lịch đảo tù Alcatraz năm 2015 (GMA News)

Nghệ sĩ là kẻ đề xuất sáng kiến, là người tham gia chính trị. Đặc biệt trong thời đại của biến đổi lịch sử, giá trị của cái đẹp sẽ luôn là điều có ích. Một xã hội đối xử tàn bạo với những ai kiên quyết gắn bó với những giá trị bản thân là một xã hội không văn minh và không có tương lai.

Khi giá trị của một cá thể được đem trưng bày công khai, những tiêu chí và đạo đức của người đó và của toàn xã hội có thể bị thách thức. Tự do biểu đạt của một cá nhân có thể khuấy động lên những trao đổi đặc trưng, và từ đó sẽ đưa đến những đặc thù về cách trao đổi quan điểm. Nguyên tắc này là bản chất cố hữu được thể hiện rõ trong triết lý nghệ thuật của tôi.

Sự kiểm duyệt ở Trung Quốc đặt ra giới hạn về kiến thức và nguyên tắc, và đó là chìa khóa cho nô lệ giáo điều được áp đặt lên. Tôi làm những gì mình có thể để chỉ ra những sự tàn bạo, những sự tế nhị và không kém tế nhị. Như những gì ở đây hôm nay, phản kháng hợp lý có thể đặt trên căn bản những hành động bé nhỏ của từng cá nhân. Khi tôi thất bại, trách nhiệm đó thuộc về chính tôi mà thôi, nhưng các quyền căn bản tôi muốn bảo vệ là những thứ có thể chia sẻ cho mọi người.

Những người nô lệ giáo điều, họ cũng có thể nổi dậy. Cuối cùng thì họ cũng luôn hành động như thế.

© 2017 Buivanphu

 

1 BÌNH LUẬN

  1. NHÂN VĂN VÀ QUYỀN LỰC

    Kẻ ngu dốt tưởng mình khôn triệu
    Coi nhân văn phải lệ thuộc mình
    Lấy hoài chế độ làm nền
    Bởi vì chế độ do mình tạo ra

    Nhưng nào hiểu gì là chế độ
    Nó chẳng qua tập hợp con người
    Dây mơ dễ má dính lèo
    Biến thành phương tiện cầm quyền vậy thôi

    Quyền đâu phải đây quyền đại diện
    Mà thành thuần quyền kiểu độc tài
    Do mình chiếm cố chiếm làm liều
    Tự tung tự tác ai bầu mình đâu

    Khiến quyền lực trở thành giả dối
    Chỉ ép người nô lệ vào mình
    Có đâu Dân chủ Tự do
    Quyền như phương tiện nhằm cho mọi người

    Bởi nguyên tắc thế gian cùng bình đẳng
    Ai tự mình vẽ rắn thêm chân
    Có quyền trên trước mọi người
    Thật là ngu dốt còn gì văn minh

    Việc trước hết chỉ vì ông Mác
    Hô độc tài vô sản ngon ơ
    Bởi do mê tín dị đoan
    Trở thành ngu tối thế gian hại đời

    Dốt nát thế lẽ nào khoa học
    Chẳng qua toàn lấp vú miệng em
    Tuyên truyền tổ chức lềnh khênh
    Để rồi úp bộ thế gian toàn khờ

    Kiểu Trung Quốc lửng lờ là vậy
    Dẫu tỷ người ngu vẫn toàn ngu
    Thua xa toàn thể nhân quần
    Người ta nước nhỏ vẫn hoài tự do

    Nên chẳng khác to đầu mà dại
    Nền văn minh xưa nhất để đâu
    Bây giờ khắp nước chỉ hầu
    Tấm thân nô lệ có nào vinh quang

    Trên ra lệnh dưới toàn vâng dạ
    Toàn sống đời giá áo túi cơm
    Quả làm nhục nhã tổ tiên
    Ngàn năm văn hiến dễ còn tìm đâu

    Đấy tội Mác tội Mao là thế
    Vì từ lâu nô lệ con người
    Tướt đi nhân cách ở đời
    Chỉ còn thân xác như loài ký sinh

    Toàn mất hết Tự do Độc lập
    Chỉ còn duy con ốc trong guồng
    Tạo thành sức mạnh tầm thường
    Kiểu như hòn đá hỏi nào đáng khen

    Ai ngu dốt tưởng lầm rằng mạnh
    Mà thật ra chỉ kiểu khối người
    Hẳn nhiên vô thức trên đời
    Chỉ là công cụ còn gì nhân văn

    BIỂN NGÀN
    (19/5/17)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên