Góc cộng đồng: Chết ở Ba Lan

9
Một góc nghĩa trang ở Ba Lan. Ảnh Wikipedia

 

Nói chuyện sống ở Ba Lan nhiều rồi. Bữa nay nói chuyện… chết ở Ba Lan.

Mấy tháng trước đây, mình được một cô bạn nhờ vả “chị văn hay chữ tốt đến nói chuyện giúp với mẹ em”. Mẹ của bản đã sống ở Ba Lan hơn một thập niên nay và tỏ ra hòa hợp với mảnh đất này. Bà rất thích mùa hè ở đây, nhất là từ khi bà có 1 mảnh vườn rộng để canh tác đủ các loại rau như bà vẫn làm ở quê nhà. Ngoài việc cung cấp đủ rau ăn, tặng bạn bè của con, bà còn bán được chút tiền, nên vui lắm.

Gọi là bán, thực ra con gái bà bỏ mấy mớ rau vào chiếc xe đắt tiền hiệu BMW rồi dấm dúi chở đi cho hoặc vừa bán vừa cho bạn bè; tối đem ít tiền về, bảo đó là tiền ‘bán rau’. Bà vuốt ve cẩn thận những đồng tiền rồi bỏ vào con lợn đất ở đầu giường. Cuối mùa đập lợn, con cháu xúm vào đếm giúp và luôn miệng khen bà ‘giỏi’, được khoảng 1000 đô, vậy là bằng mấy vụ lúa ở quê rồi.

Gần đây bà ốm yếu và bất chấp sự can ngăn của con cháu về điều kiện khám chữa bệnh ở Ba Lan, bà nhất định đòi về. Mình là ‘lá bài’ cuối cùng mà cô bạn dùng đến.

Vài ba chuyện trước kia, bà đã từng nghe mình khuyên. Nhưng lần này thì một ‘người miền Bắc, có lý luận’ như mình cuối cùng đành bó tay.

– Bác phải về Việt Nam, chứ ở bên này, nhỡ chết thì làm sao mà nói chuyện được với ma Tây, mà ma Tây nó bắt nạt thì sao.

Để thuyết phục 1 người sống ở Ba Lan có thể đưa ra vô vàn lý do, như môi trường trong sạch, khám chữa bệnh miễn phí, thực phẩm an toàn, giá cả rẻ.v.v.; chứ mình đã … chết bao giờ đâu mà biết ma Tây nó đối xử với ma Ta ra sao để có thể khuyên nhủ.

Bà cụ sau đó về nước, nhưng câu chuyện ‘ma Tây’ cứ ám ảnh mình mãi.

Người Việt ở Ba Lan hiện có khoảng 30 ngàn, vào lúc cao điểm có chừng 70-80 ngàn nhưng mồ mả chỉ lèo tèo vài cái. Cộng đồng vẫn thăm viếng những mồ mả này vào ngày lễ tảo mộ hàng năm của Ba Lan 1/11.

Chuyện ít mồ mả từng trở thành chủ đề trên 1 tờ báo lá cải, khi mấy phóng viên quan sát sự việc một cách hời hợt và bằng cái đầu giầu trí tượng tượng họ cho rằng, những người Việt chết đã bị chôn bí mật đâu đó trong rừng và giấy tờ của họ lại được sử dụng cho những người đồng hương; và có khi họ còn bị giết mổ để lấy nội tạng cho các đường dây chuyên buôn bán các bộ phận cơ thể.v.v.

Mình đã hơn 1 lần phải giải thích rằng, người Việt sang đây ở độ tuổi lao động, từ 18 tới khoảng 60 là lứa tuổi ‘ít chết’; khi họ bị đau ốm nặng họ thường trở về Việt Nam để chết; những người bị tai nạn bất ngờ cũng thường được hỏa táng và đem tro về Việt Nam theo ý nguyện của cá nhân hay gia đình họ.

Đó chính là lý do mà một cộng đồng với mấy chục ngàn và có nửa thế kỷ sinh sống ở mảnh đất này mà số lượng mồ mả đếm được trên đầu ngón tay.

Nhưng cuộc sống dường như đang đổi thay. Trong những năm gần đây, nhiều người Việt đã mua nhà, thậm chí bán nhà ở Việt Nam với dự định sinh sống lâu dài, nếu không muốn nói là sống hẳn ở mảnh đất này. Một số người mua chỗ trong các nghĩa trang để sau này cha mẹ mình nằm đó cho tiện bề chăm sóc.

Hôm trước trò chuyện với 1 anh trong cộng đồng, ảnh đã nhiều năm trăn trở về chuyện mua đất làm nghĩa trang người Việt. Đại loại cũng chia từng lô, kiểu dương sao, âm vậy, như lô EACC, ASG(1) gì đó.

Mình cười ngất. Nhưng nghĩ lại, Người Do Thái ở nước nào cũng có nghĩa trang riêng, ngay ở Ba Lan người theo đạo Tin lành cũng có khu chôn cất riêng của họ, vậy người Việt hay nhóm các sắc dân theo đạo Phật cũng nên có chăng?

Gì thì gì, ít nhất cũng giải quyết được vấn đề bất đồng ngôn ngữ với ‘ma Tây’, nhất là khi chưa có ông phiên dịch công chứng nào định xuống dưới đó.


(1) Tên các trung tâm thương mại Việt Nam ở Ba Lan

9 BÌNH LUẬN

  1. Thưa Mạc chủ nhiệm,

    Qua xin chấp hai tay làm thuyết khách thuyết phục cụ Bà gỡ bí cho Mạc phu nhân để cám ơn Mạc Phu Nhân giúp đỡ cho đăng bài bấy lâu nay.

    “Xin Cụ bà cứ ở Ba Lan mà lo cho hậu sự chứ đừng về Việt Nam lo cho hậu sự bởi vì ở Việt Nam, mồ mả chôn được vài năm thì lại bị đảng giải tỏa đất, bắt phải di dời.

    Lúc chôn cất, con cháu đã đau lòng, nay mồ mã phải bị đảng bắt di dời ủi sập, lòng dạ con cháu lại còn quặng đau hơn. di dời không kịp thì đảng chôn tập thể, lẫn lộn di hài với bao người, con cháu biết sao mà cúng kiến ?

    Dưới chế độ cộng sản, người Việt Nam mình chết một lần mà phải chôn nhiều lần là chuyện thường.

    Nếu hốt cốt, gôm góp di hài mà chôn đi nơi khác, vừa đau vừa rơi lệ đến ruột gan ray rứt thì đất mới mồ mã chưa kịp yên lại bị di dời. Ngày nào còn cộng sản, ngày đó mồ mã của dân tộc này chẳng được yên.

    Còn nếu đem đốt rồi bỏ vào chùa chiền thì chùa chiền thời cộng sản cũng nay mai bị giải tỏa, thậm chí còn bị ủi sập, không kịp di dời di cốt. Đó là chưa kể di cốt đến bao nhiêu năm cũng bị thủy tán để nhường chổ cho cốt của gia đình khác

    Còn nếu cắt lòng cắt dạ mà thủy tán ngoài biển thì biển đang bị ô nhiểm, cá còn chết hàng loạt tan nát vì hóa chất huống chi linh hồn con người.

    Còn thủy tán ngoài sông thì sông toàn rác rưởi hôi hám.

    Cụ Bà mà phải sống lãng vãng ở biển ô nhiễm, ở sông rác rưỡi hôi thối thì bao nhiêu đời con cháu của cụ bà phải chịu tội đây?

    Lúc sống vì con vì cháu thì lúc ra đi cụ Bà cũng ráng vì con vì cháu, sống ở đất sạch, chết chôn an bình ở đất sạch, con cháu có thể vì vậy mà ngàn đời an cư lạc nghiệp.”

    Lời nói của một công dân Việt Nam Cộng Hòa là tiếng kêu của con chim quốc quốc, nó vừa da diết, nó vừa thật lòng dù thô thiển….Xin Mạc Chủ Nhiệm trình bày ý trên với cụ Bà. Nếu cụ Bà còn chưa chịu, Qua sẽ lại trình bày tiếp…

  2. Tôi thấy cái đám người Việt ở Ba Lan quá rỗi, dở hơi! Đã bỏ VN để chọn quê hương ở Ba Lan thì phải sống chết với quê hương mình thì nó mớì phải đạo, đúng tình, đúng lý, có gì mà cứ băn khoăn vớ vẩn?

    Tôi dứt khoát chẳng thà dùng xác mình làm chút phân bón cho cây cỏ ở xứ này, nơi đã cho tôi dung thân trong thái bình, còn hơn là mất công, mất tiền đem cái xác về chôn ở một góc trời nào đó ở VN! Tôi nói “một góc trời nào đó ở VN”, là bởi vì sau khi tôi chết, VN có còn là quê hương của mình không?

    Đó là chưa kể, lỡ Diêm Vương thấy tôi lưu luyến VN quá nên cho tôi đầu thai kiếp sau làm người VN lần nữa thì “hố” to! Thử tưởng, vừa mở mắt chào đời đã nghe tiếng tàu “xỏn xẻn” chọc vào lỗ tai, hỏi có tức không? Biết đầu thai kiểu này, tôi sẽ xin Diêm Vương cho tôi làm con ma đói lang thang muôn kiếp, có lẽ sướng hơn nhiếu!

  3. Hihi… tôi bắt gặp một chút ngộ nghĩnh ở đây qua lý luận của bà cụ là nếu ở lại Ba Lan… “nhỡ chết thì làm sao mà nói chuyện được với ma Tây, mà ma Tây nó bắt nạt thì sao”. Sự thật không hiểu là bà cụ thuộc thành phần nào trong xã hội miền Bắc nhưng cụ suy nghĩ đúng hệt như các lãnh đạo chóp bu Hà Nội. Phải nói là lạc lỏng hoàn toàn với văn minh. Còn chị “chủ xị” thì là mà… đã chết lần nào đâu mà giải thích được? Có lẽ vì quá bất ngờ thôi, nên dù là người miền Bắc “có ný nuận” vẫn “tịt ngòi” chứ thật ra hổng khó! Thì cứ bảo là hằng ngày cụ vẫn dùng iphone nên gặp ma Tây thì cứ mở iphone ra biểu con cháu nạt lại! Nghĩ xa hơn chút nữa thì có thể hiểu là tại sao người miền Bắc vẫn còn tin đảng, ví dụ như ở Đồng Tâm! Huhu…

  4. Xin tung hô Mạc Chủ Nhiệm mốt phát!
    Họ Mạc viết nhẹ nhàng, duyên dáng, dễ thương , gọn nhẹ và hài hước qúa.
    Vô báo mạng, từ hải ngoại chống cộng đến quốc nội ù lỳ, em chỉ đọc tít bài rồi….cho qua. Trào lưu lý luận lòng vòng, ta đây lắm chữ đầy trên mạng.
    Mạc Chủ Nhiệm không viết dài. Tài thật!
    Cám ơn nhiều!

  5. Các anh chị lo được việc gì thì cứ làm . Người Việt đặt nặng cái gốc gác, mô mả. Gọi là “một cõi đi về “, nhưng nhiều người cần phải “đúng địa chỉ “. Đi lạc là khốn đốn lắm, anh chị ạ! Tây u gì mình đâu có biết. Nhưng cũng phải cần thận trọng với ma Việt nhé! Gặp nhầm “giao liên” là vào “bưng” luôn đấy!

  6. Thời Bồ Tùng Linh có truyện ngưới thù tạc với ma. Có người đưa câu hỏi cái gì đáng sợ nhất, người thì bảo đi rừng gặp hổ là đáng sợ nhất, người cho rằng quan lại tham nhũng mới đáng sợ nhất, đến lượt ma, ma nói: Ma chỉ sợ ma ! Ai cũng cười, cho là người sợ ma chứ sao ma lại sợ ma ? Ma mới giải thích: Cùng loại, cùng giống thì có cùng ham muốn, từ đó nẩy sinh ganh tị, thù hằn, hãm hại nhau… nên ma sợ ma là vì thế ! Chuyện ma thì nói không bao giờ hết nhưng trước khi trở thành ma thì (thông thường) ai cũng đã là người, đủ 4 món ăn chơi: sinh, lão, bệnh, tử. Nơi có đông người Việt sinh sống ở hải ngoại, theo thiển ý, có lẽ cũng nên thánh lập các viện dưỡng lão dành cho người Việt (không nhất thiết phải là người Bắc, có “ný nuận”) trước khi bàn chuyện lo… nghĩa địa, ma Tây, ma Ta !

    • Một bà Romanian kể cho tôi nghe một truyện thật ngắn của họ. Quỷ vương đi ngang qua 2 người đàn bà đang ngồi nói chuyện và quyết định quay trở lại để. ..học.

  7. Nói cho cùng thì ở đâu cũng là trái đất cả, khoảng năm 1970, tôi có gập một ông người Pháp trong một quán ăn nhỏ tại Saigon, ông này xưa là lính Tây ở lại không về nước, tôi hỏi ông sao không về nước ông nói ở đâu cũng là trái đất cả (..la terre .. partout.. c’est la terre)
    Hình như đã lấy vợ Việt, tụi trẻ nít trong xóm gọi là ông Tây say ba xi đế (rượu đế), ông cũng biết tiếng Việt …
    Nay người Việt quá chán đất nước nên thích sống ở ngoại quốc, trước 1975, tại miền Nam nhiều người du học hoặc có cơ hội ở ngoại quốc nhưng cũng về nước nay thì chẳng ai muốn về

    • Sống và Chết là quy luật tự nhiên muôn đời.
      Nhưng thái độ và sự lựa chọn nơi sống chết đã nói lên thực trạng của xã hội nơi đó. Đặc biệt người VN từ xưa có câu “sống chết nơi chôn nhau cắt rốn”.
      Riêng ở miền Nam trước 1975 đang có chiến tranh với cs một số sinh viên du học vì sợ chết nên sau khi tốt nghiệp trốn ở lại các nước đó tạm thời lánh nạn chết……nhác, chứ chưa có ai tự nhiên xin di cư ra sinh sống ở nước ngoài. Nhưng sau 1975, khi CSVN cai trị toàn cõi VN thì có thể nói hầu hết dân Việt đều muốn rời khỏi nơi chôn nhau cắt rún.
      Tại sao thì ai cũng biết!

Leave a Reply to TTNV: Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên