Đoàn Phú Hòa: Cảm nghĩ nhân ngày 30 tháng Tư

2
Cộng Hòa Séc. Ảnh Internet

Hè 1985 tôi quay trở lại Tiệp Khắc (giờ là Czech Republic và Slovakia) lần thứ hai để đoàn tụ gia đình với người vợ Séc chưa cưới cùng con gái gần 3 tuổi của mình sau đúng 2 năm chờ đợi (24.7.1983 – 24.7.1985). Ra sống ở nước ngoài, cho dù cùng là nước trong phe XHCN ở Miền Bắc thời đó là điều gần như không tưởng, nhất là một thằng đã từng là sĩ quan quân đội như tôi. Trước đó thì chưa một ai được phép như vậy và sau này tôi được biết rằng mình là thằng cựu sĩ quan duy nhất được xuất cảnh. Được phép ra đi là nhờ vào tác động rất mạnh của phía bên Tiệp Khắc vì gia đình vợ tôi mà đặc biệt là ông bố vợ liên tục gửi kiến nghị tới Quốc Hội cùng Bộ Ngoại Giao Tiệp Khắc yêu cầu can thiệp.

Lần này tôi mới thật sự sống với xã hội của người dân Tiệp Khắc để dần dần tìm hiểu cuộc sống của họ. Người giúp đỡ tôi trong những bước đi ban đầu, tìm việc làm ổn định đến chỉ dẫn các phong tục, tập quán, giúp tôi làm quen với bạn bè xung quanh chính là bố vợ tôi. Quan hệ giữa hai chúng tôi không chỉ là quan hệ bố con mà nhiều lúc tôi có cảm tưởng như quan hệ bạn bè, nhất là trong những lần đi chơi hoặc đi tu sửa chata (nhà nghỉ của gia đình trong rừng theo cách nói của người Tiệp). Thời đó báo chí và truyền thông của Tiệp Khắc nói riêng và của Đông Âu rất ít thông tin về Việt Nam nên cụ thường hỏi tôi về những vấn đề xung quanh cuộc chiến tranh Nam Bắc. Cụ cho biết là các nước Đông Âu không ủng hộ cuộc chiến tranh này mà mong muốn Việt Nam giải quyết vấn đề của mình bằng con đường hòa bình. Tôi có hỏi cụ nếu không ủng hộ thì tại sao các nước Đông Âu lại viện trợ vũ khí cho chính quyền Hà Nội. Cụ cho biết rằng những việc này đều nằm trong sự chỉ đạo của Liên Xô và vũ khí được đưa từ các nước XHCN, nhất là từ Liên Xô đâu phải là hàng viện trợ không hoàn lại. Tất cả đều phải được thanh toán bằng tiền. Khí tài quân sự không bao giờ là mặt hàng cho không. Đồng thời chiến tranh là mong ước của tất cả các công ty sản xuất vũ khí trên thế giới để có thể thử nghiệm và quảng cáo sản phẩm của mình nhằm mục đích bán được sản phẩm cho dù công ty đó là của cộng sản hay tư bản. Cụ nhận xét quá đúng. Cụ biết rất nhiều và tôi tin những lời cụ nói vì hồi đó, ngoài chức vụ giám đốc bệnh viện tỉnh thì cụ còn là bí thư thành ủy của đảng cộng sản Tiệp Khắc. Một đảng viên nhưng tốt và rất công minh mà tôi đã có một bài viết riêng về cụ trên facebook của mình hôm 10.4.2013. Cụ được bầu làm bí thư thành ủy do có uy tín lớn với người dân địa phương.

Thỉnh thoảng nhà cụ lại có bạn bè đến chơi và trong đó có cả những người bạn từ Đông Đức. Trong những lần ngồi nói chuyện thì tôi có nhờ cụ hỏi họ nghĩ gì về tình hình Đông Đức – Tây Đức và nếu họ cũng muốn được nối liền hai Miền như Việt Nam. Tất cả những ai được hỏi đều có cùng câu trả lời giống nhau là họ không quan tâm đến vấn đề thống nhất hai nước và phản đối việc “thống nhất đất nước” bằng bạo lực như ở Việt Nam. Điều mà họ quan tâm là làm sao để Đông Đức có nền kinh tế phát triển như Tây Đức và người dân Đông Đức có được mức sống cao như mức sống của người dân Tây Đức. Họ còn cho biết rằng chỉ có nhà cầm quyền Đông Đức ngăn cản người dân của mình qua Tây Đức, dù chỉ là du lịch chứ bên Tây Đức hoàn toàn không có việc ngăn cản như vậy. Sau khi đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc, đất nước bị tàn phá nặng nề thì chẳng có người dân Đức nào còn mong muốn chiến tranh. Họ muốn và đã dành tất cả thời gian để khôi phục lại quê hương của mình và chỉ sau một thời gian ngắn thì Đông Đức đã trở thành một đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nước Đông Âu. Bố vợ tôi cũng cho biết rằng ngay thời kỳ đầu thì lãnh đạo các nước Đông Âu cũng từng góp ý với nhà cầm quyền Hà Nội nên tập trung xây dựng đất nước mình nhưng đã bị Hà Nội phản đối.

Giá nhà cầm quyền Hà Nội biết nghe ý dân và nghe lời đóng góp của các nước khác trong phe XHCN ở Đông Âu, tập trung vào xây dựng nền kinh tế Việt Nam mà thời kỳ đó chủ yếu là nông nghiệp để dân giàu nước mạnh, hai Miền Nam – Bắc hay đúng hơn là hai đất nước cùng phát triển thì giờ đây đâu có tan hoang như thế này???

Thế mới biết chỉ vì lòng tham cùng với việc bị lũ giặc Bắc Kinh giật dây của vài kẻ mà đất nước Việt Nam giờ đây đang đứng trên bờ vực thẳm và từ huynh đệ, đồng bào trở thành kẻ thù.

Czech Republic, 01.5.2019

Đoàn Phú Hòa
—————————————-

P.S: Xin đăng lại bài tôi viết về Cụ, người bố vợ kính yêu của mình. ____________________________________________
Cảm nghĩ khi đọc bài “Truy bức đến ba đời” của Huynh Ngoc Chenh.

Không hiểu sao, sau khi đọc bài này thì tự nhiên tôi lại nhớ về ông bố vợ người Czech của mình. Tuy Cụ đã qua đời vào năm 2009 nhưng thường xuyên tôi nhớ đến Cụ và nhớ đến “đạo làm người” của Cụ.

Khi còn làm việc, là một bác sĩ giỏi, ngoài chức giám đốc một bệnh viện lớn của tỉnh thì Cụ còn là bí thư thành ủy đảng cộng sản Tiệp Khắc mà sau này, khi thay đổi thể chế đã được tách đôi thành Czech và Slovakia vào 1.1.1993. Khi mới biết Cụ vào những năm 1981-1982 thì tôi đã được nghe nhiều người trong thành phố ca ngợi tính liêm khiết, hết lòng vì bệnh nhân của Cụ. Với những ai có bệnh nặng lại kèm theo bệnh tiểu đường thì Cụ quan tâm đặc biệt và đồng thời dặn dò các bác sĩ phụ trách lưu tâm đến họ. Cụ thường gặp riêng những bệnh nhân này trước khi họ ra viện để nhắc nhở họ những gì cần tránh trong sinh hoạt ngày thường cũng như chế độ ăn uống cần phải được đảm bảo. Sau này, khi đã trở thành con rể của Cụ thì tôi mới nhận thấy rằng những gì mà người dân ca ngợi Cụ là hoàn toàn đúng. Hàng năm, cứ đến đầu tháng 12 thì bệnh viện được tỉnh phân bổ một khoản tiền thưởng trích từ ngân sách của tỉnh. Không như các nơi khác, tỉ lệ tiền thưởng thường được chia theo mức lương, cao nhất là giám đốc và thấp nhất là những nhân viên quét dọn. Từ khi Cụ nhận chức giám đốc, tức là từ năm 1969 thì Cụ ra qui định là số tiền thưởng đó sẽ chia đều cho tất cả các nhân viên trong bệnh viện mà không có bất kỳ chênh lệch nào. Lúc đầu, do quen mức thưởng cũ nên các bác sĩ, nhất là các trưởng khoa phản đối kịch liệt vì họ cho rằng mình phải được mức thưởng cao hơn nhưng ngược lại, các y tá, hộ lý và nhân viên dịch vụ thì ủng hộ quyết định đó. Để xử lý những tranh luận nổ ra trong bệnh viện thì Cụ tổ chức một cuộc họp và giải thích rằng tiền lương chính là sự đánh giá khả năng và mức độ phục vụ của mỗi người còn tiền thưởng là cho sự đóng góp chung của tất cả mọi người. Không có hộ lý, y tá, nhân viên quét dọn thì các bác sĩ cũng chỉ có thể làm một việc đơn giản nhất là khám bệnh, viết đơn thuốc. Dần dần mọi người cũng quen với cách làm của Cụ và từ đó trở đi, khi Cụ về hưu thì không còn ai phản đối nữa. Hàng năm thì bệnh viện được cấp một số phiếu nghỉ an dưỡng do Tổng Công Đoàn Tiệp Khắc phân bổ. Bao giờ Cụ cũng gọi thư ký Công Đoàn lên để cùng bàn bạc và lựa chọn những người thật sự cần thiết. Theo như tôi biết thì suốt cả thời gian từ lúc giữ chức giám đốc đến lúc về hưu vào năm 1998 thì chưa một lần Cụ tự phân cho mình một phiếu nghỉ an dưỡng nào.

Vì nhu cầu của bệnh viện nên thường xuyên phải tiếp nhận nhân viên mới. Y tá, nhân viên dịch vụ thì do phòng quản lý nhân sự đảm nhiệm theo chức năng còn bác sĩ thì do Cụ cùng bác sĩ các trưởng khoa tiếp nhận. Khi Tiệp Khắc còn là nước XHCN thì cũng chẳng khác gì Việt Nam, cũng COCC và giới quan chức nhà nước cũng cố gắng tìm cách “nhét” con cháu mình vào những nơi “ăn sung, mặc sướng” và nhàn hạ. Không ít lần Cụ đã nhận được những lá thư giới thiệu cho một ai đó nhưng vấn đề đầu tiên mà cụ quan tâm là trình độ chuyên môn và tư cách của họ chứ không ưu tiên cho thành phần “cành vàng, lá ngọc” mà dốt nát. Bệnh viện của Cụ đã được đăng lên báo không ít lần về chất lượng phục vụ và đặc biệt là bệnh viện duy nhất có những trưởng khoa không phải là đảng viên đảng cộng sản. Cụ thường nói với mọi người: Đảng phải vì quyền lợi của người dân và với bác sĩ thì chuyên môn và sự tận tâm với nghề nghiệp của mình là tiêu chuẩn duy nhất. Tôi nhớ mãi hai từ DUY NHẤT của Cụ. Các bác sĩ mới rất được Cụ quan tâm và chỉ dẫn, giúp đỡ khi họ có những sai sót. Đồng thời Cụ luôn cố gắng để không có khoảng cách giữa những bác sĩ đã làm việc lâu năm với những bác sĩ mới vào nghề.

Có một việc mà sau này, khi đã là rể của gia đình thì tôi được nghe mọi người kể lại. Trong một lần khám bệnh thì cụ được nghe một bệnh nhân than phiền là 2 cháu trai của họ, tuy học giỏi và đủ điểm vào đại học y khoa và đại học kiến trúc nhưng đã bị từ chối chỉ vì lý do là bố mẹ của hai cậu bé đó chạy qua Tây Đức sau vụ 1968 (1) . Mặc dù không hề có quan hệ họ hàng nhưng Cụ đã dành thời gian đến gia đình đó và sau khi thấy đó là sự thật thì Cụ đã xin nghỉ phép để đến gặp ban giám hiệu của hai trường nhằm thuyết phục họ. Khi thấy không có kết quả thì Cụ đã lên thẳng Praha yêu cầu gặp trực tiếp ông Milan Vondruška, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và cuối cùng Cụ đã thuyết phục được ông Bộ trưởng để cả hai đều được nhập học. Sau này, cả hai đã trở thành bác sĩ, kiến trúc sư có tầm cỡ tại Czech và trên thế giới. Cũng nhờ vụ này mà ông Bộ trưởng và Cụ trở thành bạn thân của nhau và tôi đã có nhiều dịp ngồi tào lao với vợ chồng ông bà ấy. Hồi đó, chuyện chạy trốn khỏi Tiệp Khắc là một tội rất nặng và rất nhiều gia đình tan nát cả cuộc đời nếu một ai đó trong gia đình trốn ra nước ngoài. Lý do của Cụ rất đơn giản và cũng rất tình người: “Những đứa trẻ hoàn toàn vô tội và nhà nước không thể dùng những đứa trẻ để trả thù cho bố mẹ chúng nó. Làm như vậy là vùi dập tương lai của đất nước”.

Con trai cả của Cụ hồi đó là trưởng phân nhóm của báo “Quyền lợi Đỏ” (2) tại Tây Âu với trụ sở ở Paris. Ai cũng biết rằng tất cả những ai làm việc cho nhà nước mà được cử đi nước ngoài đều phải ký một hợp đồng chấp nhận hợp tác với STB (3) – là cơ quan an ninh của Bộ Công An Tiệp Khắc. Cậu ấy cũng không tránh được số phận đó. Tôi có nghe kể lại là trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ thì cậu ấy có xin phép được gặp riêng Cụ một buổi. Vì là người có kinh nghiệm nên khi gặp nhau, ngoài những tâm sự về cuộc sống, biết con trai không thể thổ lộ với Cụ việc phải ký bản hợp đồng “ma quỷ” này vì vậy Cụ chỉ dặn con trai mỗi một câu: “Hãy sống và làm việc bằng lương tâm của mình”. Hè 1989, trước khi qua đời do bệnh ung thư hiểm nghèo, khi nằm trên giường bệnh thì người con trai cả đã nắm tay Cụ và nói câu cuối cùng: “Cha, con đã sống đúng như con mong muốn và đúng như lời Cha dặn – Tati, žil jsem přesně tak, jak jsem chtěl a jak jsi přal” rồi vĩnh viễn ra đi. Cụ đã khóc và đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hai dòng nước mắt của Cụ. Vừa vuốt mắt cho con Cụ vừa mếu máo nói “Cha biết, cha biết – Vím to, vím to”.

19.11.2009, Cụ qua đời khi vừa qua tuổi 84. Chúng tôi chỉ muốn làm một tang lễ trong khuôn khổ gia đình nhưng cuối cùng phòng lễ tang không đủ chỗ cho mọi người đến dự. Tang lễ ở Châu Âu thường chỉ khoảng vài ba chục người nhưng đám tang của Cụ có gần nghìn người đến chia tay. Không những bạn bè, người quen mà rất nhiều bệnh nhân đã được Cụ cứu chữa và nhiều đoàn thể, đảng phái đã cử người đến viếng. Thị trưởng thành phố là người đứng ra đọc điếu tang và tới giờ tôi chỉ còn nhớ câu cuối cùng của ông ấy: “Doctor Courton luôn là một CON NGƯỜI – Doktor Courton byl vždy ČLOVĚKEM”.

Czech Republic, 10.4.2013
Đoàn Phú Hòa

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi hiểu ý của anh, ông nhạc phụ của anh là “lương y như phụ mẫu” là người có rộng kiến thức, có học, yêu nước, thương dân nên cái nhìn của cụ khác với các lãnh đạo của cộng sản VN. Lãnh đạo cộng sản hiếu sát, dùng tem phiếu, hộ khẩu, ngu dân để sai bảo, để cai trị, chuyện đào ngũ, trốn không đi B là không tưởng vì gia đình sẽ bị cắt hộ khẩu, thực phẩm, biết vào chỗ chết vẫn phải đi…”sinh Bắc tử Nam”… Những kẻ vẫn còn thích cộng sản đều vì quyền lợi cá nhân, vô học (tiên học lễ, hậu học văn)nên ăn nói, suy nghĩ thuộc loại hạ cấp, nhưng với tụi tàu, thì khiếp sợ ra mặt, triều kiến để xin chỉ thị.

  2. Ông bố vợ của anh DPH là người Tiệp ,không đồng ý” Thống nhất bàng bạo lực,chỉ muốn thống nhất đất nước Hòa bình theo kiểu Nước Đức !Thật ra
    2 giải pháp cùng một mục đích. Một bên lấy bạo lực để đạt mục đích.Một bên chọn con đường Hòa Bình .Tất cả thể hiện bản chất của chế độ : CS
    là Tàn ác,bất nhân. CN Tự do nhân bản-đạo đức. Do đó ngày 30-4 không phải là ngày của Tự do -hạnh phúc ! Đó chính là ngày của Máu và nước mắt.Ngày bất nhân !!

Leave a Reply to nguyên Ha Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên