Chính trị xuôi dòng (Political Correctness)

Thành phần trung lưu công phẫn khi họ vừa phải è cổ trả thuế cho di dân và người nghèo mà lại còn cảm thấy nếp sống của họ bị đe dọa. Khế ước xã hội (social contract) không còn phục vụ cho hai tầng lớp quan trọng nhất trong nền dân chủ là giới trung lưu và thợ thuyền.

2
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Không ít lá phiếu bầu cho Donald Trump được xem như thái độ phản đối chống lại nền văn hóa chính trị xuôi dòng (Political Correctness) ở Mỹ. Nhưng thế nào là chính trị xuôi dòng, và có quan hệ gì với chủ nghĩa tự do là những vấn đề mà người viết xin trình bày dưới đây.

Tự do (liberty) hàm ý nghĩa giải phóng (liberation) nhân loại ra khỏi mọi khuôn khổ, đàn áp, bất công để con người có quyền phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và mưu tìm hạnh phúc. Từ đó dẫn đến khuynh hướng cấp tiến (liberal), hiểu thông thường như người mang tư tưởng cùng lối sống cởi mở, phóng khoáng thích hợp với thời đại mới: bảo vệ môi trường; kêu gọi bình đẳng và giảm bớt chênh lệch giàu nghèo; bao dung (tolerance) và chống kỳ thị; trợ giúp người nghèo, thiểu số và di dân; chống kỳ thị; ủng hộ LGBT, quyền phá thai và hôn nhân đồng tính.

Khuynh hướng cấp tiến thu hút được thành phần trí thức ưu tú (elite) nên dần dà trở nên quan điểm áp đảo trong đại học và giới truyền thông, rồi ảnh hưởng lên chính quyền qua các chính sách trợ cấp xã hội; không bắt bớ người nhập cảnh bất hợp pháp; ưu tiên cho sinh viên da đen và gốc Mễ vào đại học (equal opportunity); giáo dục và tài trợ cho phá thai; công nhận hôn nhân đồng tính và quyền lợi cho người chuyển giới.

Một điều rất đáng ghi nhận là khuynh hướng cấp tiến (liberal) ngày nay khác với cấp tiến cánh tả (leftist) của thế kỷ 20 nơi không đặt nặng vấn đề bảo vệ công nhân và giai cấp thợ thuyền trong nước[1]. Trái lại thành phần cấp tiến ủng hộ tự do mậu dịch giữa các quốc gia vì trào lưu này nâng cao mức sống của hàng tỷ người ở những quốc gia khác (cho dù khiến hàng chục triệu dân Mỹ thất nghiệp). Quan điểm về toàn cầu hóa của thành phần cấp tiến lại gần gủi với cánh Tân Bảo thủ (neo-conservative) vốn chủ trương phát huy giao thương và nền trật tự tự do toàn cầu (global liberal order)[2]. Ngược lại dân Mỹ bỏ phiếu cho Trump (và Bernie Sander) giận dữ phản đối rằng thành phần trí thức ưu tú (elite) ủng hộ tự do mậu dịch đơn giản vì có lợi cho họ để làm giàu nhanh chóng trong khi hàng chục triệu người thất nghiệp trong nước.

Nền trật tự tự do toàn cầu và tự do mậu dịch khi được giới trí thức ưu tú của cả hai cánh Cấp tiến (Liberal) và Tân Bảo thủ (Neo-Conservative) chấp nhận đã trở thành tiếng nói áp đảo từ học đường sang truyền thông, tòa án, Quốc hội và hành pháp. Mọi người phải thuận theo nền văn hóa chính trị xuôi chiều (politically correctness) để tránh bị tấn công, cô lập hay bôi nhọ – và để trở thành một công dân tốt.

Trở lại các vấn đề xã hội (di dân, người nghèo, LGBT, phá thai, hôn nhân đồng tính v.v…) giới trung lưu phẫn nộ vì nền chính trị xuôi chiều muốn thay đổi nền tảng Cơ Đốc giáo (Christian-Judaism) thay vào đó bằng một nền văn hóa đa bản sắc (identity based culture). Họ bị bắt buộc phải trả thuế cho các chương trình xã hội vốn bị lạm dụng; phải dung dưỡng di dân lậu; phải chấp nhận sống chung với Hồi giáo bảo thủ che kín người phụ nữ; chịu thiệt thòi khi con cái vào đại học; và chi trả cho các cuộc phiêu lưu chính trị quân sự vô cùng tốn kém để xây dựng dân chủ nhưng chỉ mang lại thảm họa nhân đạo ở Trung Đông.

Nói bình dân cho dễ hiểu, giới thợ thuyền nổi giận vì họ mất việc cho các đại gia Hoa Kỳ, Trung Quốc, Việt Nam làm giàu (và qua Mỹ kinh doanh và mua nhà). Thành phần trung lưu công phẫn khi họ vừa phải è cổ trả thuế cho di dân và người nghèo mà lại còn cảm thấy nếp sống của họ bị đe dọa. Khế ước xã hội (social contract) không còn phục vụ cho hai tầng lớp quan trọng nhất trong nền dân chủ là giới trung lưu và thợ thuyền. Tuy không còn ảnh hưởng mạnh trong truyền thông và chính quyền nhưng nay họ dùng Internet và lá phiếu để tạo thay đổi.

Chủ nghĩa tự do (liberalism) và toàn cầu hóa có rất nhiều điểm hay, nhưng khi dùng áp lực văn hóa chính trị xuôi chiều và thái độ thầy đời (paternalistic) để kiểm duyệt tiếng nói chính đáng của giới trung lưu và thợ thuyền vốn âu lo cho cuộc sống thiết thực của họ đã trở thành một thứ giáo điều phi tự do. Đây cũng là bài học cho mọi nhà văn hóa, tôn giáo, nhà cầm quyền và thành phần ưu tú trong xã hội rằng một khi họ tự tin nắm vững chân lý của thời đại – và hưỡng tư lợi từ đó – cũng chính là lúc họ tách rời khỏi khối quần chúng vốn nâng đỡ họ.

__________

[1] Đây là lý do khiến ứng cử viên Bernie Sander cho rằng đảng Dân chủ đã xa rời những thành phần ủng hộ truyền thống gồm công đoàn và giới thợ thuyền

[2] Đây là lý do khiến ba đời tổng thống Dân chủ và Cộng hòa Bill Clinton, George Bush và Barack Obama cùng ủng hộ các hiệp ước mậu dịch NAFTA, WTO và TPP

(Việt báo)

2 BÌNH LUẬN

  1. Political correctness dịch là chính trị xuôi dòng thì quả là hay. Tôi thì gọi nó là chính trị đắc nhân tâm.

Leave a Reply to TIẾNG NGÀN Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên