Cuộc đua ngân hàng trên ngón cái

1

Theo một số thống kê chuyên ngành, Việt Nam hiện có khoảng 25-30 triệu người dùng điện thoại thông minh (smartphone). Các ngân hàng đang chăm chú hơn đến nhóm khách hàng có thói quen sử dụng ngón tay cái để lướt mạng này.

Dịch vụ mobile banking ra đời từ nhiều năm trước, nhưng phải vài năm gần đây mới trở thành cuộc đua thực sự. Một cuộc đua đong đếm được tiền tươi thóc thật và không ngừng tăng tốc hàng tháng, hàng ngày.

Đầu tiên là… tiền đâu

Một năm trước, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) bắt đầu giới thiệu và đưa sản phẩm mobile banking với thương hiệu “Ví Việt” vào khai thác.

Trước đó, thu hút kỹ sư hàng đầu của một số tập đoàn, công ty công nghệ lớn trong nước về triển khai dự án, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank kể: “Tôi không quan tâm đến vấn đề chi phí, không quan tâm các cậu làm bằng cách nào. Vì tôi đứng ở vị trí khách hàng, ra đầu bài và các cậu phải đáp ứng được. Bằng mọi cách, đi sau nhưng có sản phẩm tốt nhất trên thị trường”.

Thời điểm đó, hầu hết sản phẩm mobile banking của các ngân hàng mới chỉ xử lý được các đơn hàng chuyển khoản nội bộ, chuyển khoản liên ngân hàng là chính; có đôi ba thành viên đáp ứng được nhu cầu chuyển tiền nhận ngay; tiết kiệm trực tuyến cũng rất hạn chế.

Ông Hưởng lần lượt đưa ra yêu cầu: mở rộng kênh chuyển tiền qua số chứng minh nhân dân, qua số điện thoại, qua dãy số trên thẻ ATM; thanh toán được các loại hóa đơn điện, nước, cước điện thoại, cước truyền hình…

Là người coi trọng mạng xã hội Facebook, Phó chủ tịch LienVietPostBank tiếp tục đưa ra yêu cầu cao trong dịch vụ mobile banking tại Việt Nam hiện nay cho các kỹ sư: tạo được tương tác gần gũi và mở rộng nội dung giữa những người sử dụng dịch vụ, với tham vọng như tích hợp được một “mạng xã hội” thu nhỏ.

Đến nay, LienVietPostBank đã hoàn tất hầu hết các tiện ích trên, để trở thành một trong những ngân hàng có dịch vụ mobile banking đa năng, linh hoạt nhất trên thị trường.

Tuy nhiên, đó là số ít những ngân hàng đã làm được. Nhiều thành viên khác, thậm chí tại những ngân hàng lớn, quy mô tài chính và thị phần lớn, vẫn đang ở mức độ cơ bản, thậm chí sơ khai ở kênh phục vụ khách hàng này. Vì sao vậy?

Một số cán bộ chuyên trách mảng này giải thích, đó là những ngân hàng lớn nhưng hạ tầng công nghệ cũ. Họ tiếc nếu đầu tư thay thế hoặc nâng cấp trong khi vẫn còn tận dụng được. Bởi vì, yêu cầu đầu tiên là… tiền đâu trong đầu tư công nghệ, phát triển mobile banking với chi phí khá lớn.

Vậy nên, ví dụ ở một biểu hiện hụt hơi trong cuộc đua này, đến nay hệ thống tin nhắn OTP của một số ngân hàng vẫn còn tình trạng ì ạch, khi nhận được thì đã quá thời gian xác thực lệnh giao dịch.

Nguyên do, hệ thống vẫn đang phải chia sẻ, tích hợp với nhiều dịch vụ khác, thay vì đầu tư cho thông thoáng để chạy nhanh bằng cổng riêng.

Cuộc đua của giá trị

Ngược lại, ở dịch vụ mobile banking, những ngân hàng nào chú trọng đầu tư, bắt nhịp được cuộc đua thì quả ngọt đang chín từng ngày, hoàn toàn đếm được bằng tiền.

Hơn ba năm trước, Ngân hàng Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) ra đời, qua hợp nhất Tổng công ty Tài chính Dầu khí với Ngân hàng Phương Tây. Nhiều khó khăn đặt ra sau hợp nhất, chi phí tài chính dĩ nhiên càng phải cân đong chặt chẽ.

Giai đoạn đó, ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVcomBank, từng trao đổi với báo chí rằng: có hai kế hoạch sẽ phải đầu tư xứng đáng, gồm định vị lại hệ thống nhận diện thương hiệu và thiết lập nền tảng công nghệ mới. Một trong những đề án trọng tâm là xây dựng và đẩy nhanh dịch vụ mobile banking, ngốn hàng trăm tỷ đồng.

Ông Vũ Đức Nguyễn, một trong những người xây dựng đề án trên cho biết, trong điều kiện thuận lợi, dịch vụ này phải mất ít nhất ba năm mới có thể hoàn vốn, áp lực chi phí đầu tư là vấn đề đặt ra. Phải đầu tư xứng đáng để rút ngắn khoảng cách với nhiều thành viên đi trước, phải mở rộng được và nhanh các tiện ích, chất lượng dịch vụ để vượt lên.

“Đầu tư công nghệ ngân hàng đòi hỏi nhiều tiền. Nhưng chúng tôi có thuận lợi vì lãnh đạo nhận thấy trước xu hướng, yêu cầu của khách hàng. Hơn nữa, chúng ta thấy rõ thực tế tại các thị trường phát triển, xu hướng mở rộng nhu cầu tại Việt Nam, cũng như chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đã xác định”, ông Nguyễn nói.

Và không phải chờ lâu, PVcomBank chỉ mất khoảng 6 tháng đưa mobile banking xâm nhập thị trường để bắt đầu có được các con số tăng trưởng nhanh ngay sau đó.

Đến nay, sau gần một năm vận hành, sản phẩm mobile banking của PVcomBank đã có trên 10.000 khách hàng sử dụng, nhiều tiện ích nhanh chóng được tích hợp, vượt lên cả nhiều ngân hàng khác đã đi trước. Và kết quả cũng đến nhanh.

Điển hình như, bên cạnh các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, chỉ riêng sản phẩm tích hợp gửi tiết kiệm trực tuyến đã tạo số dư nhanh chóng: từ chỉ vỏn vẹn gần 35 tỷ đồng những tháng đầu triển khai, đến nay bình quân PVcomBank đã thu hút ổn định được trên 200 tỷ đồng/tháng qua mobile banking.

Để tăng nhanh lượng khách hàng sử dụng và tăng thu hút được nguồn vốn qua mobile banking, ông Nguyễn cho biết ngân hàng đã nhanh chóng mở rộng các tiện ích giao dịch, đặc biệt là luôn đảm bảo về tốc độ xử lý.

Trong đó, một tiện ích nổi bật và phù hợp với nhu cầu của nhiều khách hàng cá nhân đã sớm có tại PVcomBank: chỉ cần vài động tác ngón tay cái là họ đã chuyển được những món tiền nhỏ lẻ nhàn rỗi vào sổ tiết kiệm tích lũy lớn có kỳ hạn để có giá trị tốt hơn…

PVcomBank mất hơn một năm để bắt đầu tăng tốc trong cuộc đua đáp ứng nhu cầu của “những ngón tay cái”. Nhìn sang điển hình mới nhập cuộc như LienVietPostBank nói trên, đích ngắm 1 triệu người dùng đã đặt ra, bên cạnh doanh số giao dịch qua mobile banking (với Ví Việt) bắt đầu tăng mạnh, từ bình quân hơn 200 tỷ đồng/tháng trong 2016 lên tới gần 400 tỷ đồng/tháng đầu 2017.

Nhìn lại, với sức bật nhanh của công nghệ và dịch vụ mobile banking tại những điển hình trên, cũng như ưu thế cạnh tranh thể hiện rõ ở nhiều thành viên khác như Techcombank, VPBank, DongA Bank, TPBank…, nhiều giá trị tiện ích cho khách hàng theo đó đã mở rộng.

Nếu hơn một năm trước, nhiều ngân hàng vẫn chưa triển khai các tiện ích như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền nhận ngay, đặt lịch chuyển tiền, chuyển tiền xã hội, tiết kiệm gửi góp…, thì đến nay cuộc đua lợi ích đã thúc đẩy đến hiện thực cho nhu cầu của “những ngón tay cái”.

Tất nhiên, như trên, các ngân hàng có mobile banking tốt cũng đã có thêm lợi thế để gia tăng nền tảng khách hàng cá nhân, tranh thủ tốt hơn các nguồn tiền gửi và gia tăng nguồn thu từ dịch vụ.

Kim Oanh – VnEconomy

1 BÌNH LUẬN

  1. Nói với Kim Oanh,VC làm gì có Kinh tế ! Nhìn thấy chữ “VN economy” nơi Kim Oanh làm việc,mà thấy “mắc cở” !! Kinh tế là :”Kinh bang và tế thế”
    Ngay chữ “ECO” củng nói được phần nào về ý =nghĩa nầy!. Còn Kinh tế thị trường định hướng XHCN là thứ kinh tế đi ăn -cướp của thiên hạ !! Ngân hang chẳng qua là nơi ,hợp thức hóa của cải-tiền bạc của bọn con-cha-cháu-ông. Thật vậy ,chúng nó ăn cắp của nhà nước,đem tiền mở hang máy bay,mở ngân hang,xây dung công trình…từ đó chúng lấy tiền của Dân lần thứ hai qua các dịch vụ liên hệ …Ở một xả Hội chuyên chế,luật pháp của kẻ mạnh…thì mọi thứ đều là phương tiện để chúng bốc lột ./

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên