Chuyện xóm tôi

5
Ảnh mang tính minh họa

Phần 1: Cuộc Gặp Bất Ngờ.

Trung tuần tháng sáu, cái nắng đã kéo nhiệt độ ngoài trời lên đến gần ba mươi độ. Praha như được dát vàng một màu, dưới bầu trời cao xanh thăm thẳm. Họa sỹ Quốc Việt mới từ Việt Nam sang nhìn hàn thử biểu giữa Quảng trường Con ngựa, cười tươi, hỏi bâng quơ: Kỳ lạ, ba mươi độ đi bộ giữa trời, mà gió cứ mát rười rượi ấy nhỉ? Đứng cạnh, nhưng tôi không trả lời, để anh tự cảm nhận. Rồi đưa anh một vòng quanh trung tâm thành phố. Trời đã về chiều, ánh nắng vẫn còn hắt ngược lên từ phía bên kia của con sông Vltava. Mới có mấy ngày, vậy mà dường như họa sĩ Quốc Việt đã nhớ đến quê nhà. Do vậy, sau khi tự xoa gối, bóp chân, anh bảo: Mình kiếm chỗ nào có không khí Việt, nhấc lên nhấc xuống tí ti cho khí thế. Vậy thì, chỉ có vào chợ Sapa thôi. Tôi trả lời anh như vậy. Quốc Việt đứng thẳng dậy, dù chân còn chút khập khiễng, vẫn: Nào ta đi.

Tôi không khoái lắm cái món ồn ào nơi đông người, nên rất ít khi vào khu chợ người Việt. Quốc Việt cũng không phải là người của rượu bia, có lẽ muốn vào cho đỡ nhớ quê, món ăn quê và để biết vậy thôi. Chả trách, mấy năm trước đây ông bạn bác sĩ Viên Văn Đoan, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, và vợ chồng Nguyễn Lân Việt, Hiệu trưởng Đại học y khoa Hà Nội sang München dự hội nghị tim mạch thế giới có mấy ngày thôi. Vậy mà bố nào bố nấy Vali đầy mì tôm, cùng đồ ăn mắm muối tỏi hành. Như thể gói cả hương hồn Việt mang theo vậy. Cũng may, cạnh khách sạn có cái quán cơm phở mở từ sáng cho đến đêm của vợ chồng Dũng Yến, cũng bạn tôi. Vậy là, các bác sĩ, hội nghị viên không phải dùng đến cái khoản mì tôm. Hôm tôi sang, các bố chất cả mì tôm vào cốp xe của tôi, bảo: Ngon, quí lắm đấy, mang về ăn dần nhé…Khổ cái thân tôi mang về cũng dở, vứt đi thì tiếc. Bởi, cái món này, tôi cứ động vào là bị lão Tào rượt đuổi. Do vậy, cái tâm trạng của họa sĩ Quốc Việt có thể hiểu, và cảm thông. Bởi, cũng giống như mấy gã bác sĩ đi dự hội nghị, hay tâm lý ngày đầu đến Đức của tôi, từ trên ba chục năm trước vậy. Nên tôi chiều anh.

Trung tâm thương mại Sapa. Ảnh mang tính minh họa, nguồn Internet

Chợ Sapa chiều tối, quán, nhà hàng, người ngồi ăn nhậu khá đông. Không khí y hệt nơi quê nhà làm Quốc Việt hứng khởi. Giữa trời Âu mà có không gian này, thật là tuyệt vời, Quốc Việt cứ lẩm bẩm, lẩm bẩm. Tôi ghé tai, sống lâu ở nơi đây, bác sẽ chán ngấy cái không khí này thôi. Quốc Việt im lặng. Anh không uống được nhiều. Tôi phải lái xe, nên chỉ giật cầm chừng vài vại nhỏ, rồi chuyển sang bia không độ cồn. Chán phè, tôi giục Quốc Việt cạn nhanh, rồi đi tìm mua mấy cái quần shorts để thay, bởi quần dài, áo hộp bí bức qúa rồi.

Tôi đang lúi húi ướm thử quần, bởi dường như nhãn mác, số cỡ dán đều đểu cả, chợt gã bán hàng gọi như reo lên: Anh Trường…Trường Độ. (Độ tên mẹ tôi)

Giữa trời tây, có kẻ réo đúng tên cúng cơm làm tôi giật cả mình, ngẩng đầu lên. Nhìn hắn một lúc, tôi cũng thốt lên: Tiến…Tiến Vân (Vân tên mẹ Tiến). Hắn ôm chặt lấy tôi, vậy là ba mươi mấy năm rồi, anh em mình vẫn còn nhận ra nhau. Tiến bằng tuổi em gái út tôi. Khi tôi sang Đức hắn và em tôi đang học cùng Trường cấp ba Lê Qúi Đôn ở Xã Đàn. Nhà tôi số 124 Đê La Thành (Ô Chợ Dừa) bên kia mặt đê là nhà Tiến…

Nhớ trước hôm sang Đức mấy tháng, tôi vừa chở một mớ đầu máy khâu từ Hải Phòng về, nghe tiếng bà Vân quát mắng Tiến ầm ĩ… Xóm Trại Tóc, với Trại Nhãn đồng nát, ve chai này, đánh chửi, đâm chém nhau là chuyện thường. Nếu có can ngăn, thì can ngăn cả ngày. Nhưng Tiến lớn lên và cùng học với em tôi, nên tôi lò dò sang. Thấy tôi, bà Vân ngừng chửi. Tiến nằm úp mặt vào tường. Tôi mấy lần lay hỏi, hắn vẫn không trả lời. Tiếng bà Vân rít lên trong kẽ chân răng:

– Cháu xem, nó có chịu học hành gì đâu, đến trường toàn tụ tập đánh nhau. Nhà trường gọi cô đến, thông báo sẽ đuổi học đấy.

– Sẽ đuổi, tức là chưa có quyết định đuổi phải không ạ?

– Vậy là người ta đuổi rồi chứ còn gì nữa hả cháu.

– Thôi cô cứ bình tĩnh, đừng mắng chửi nó nữa. Cháu vào trường hỏi xem thế nào đã.

Tôi quen cô Hạnh từ gã bạn Viên Văn Đoan, bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai. Cô Hạnh ở Láng, dạy văn ở Trường trung học Lê Qúi Đôn. Năm ấy, cô cũng gần đến tuổi về hưu. Từ cô, tôi cũng quen nhiều thày cô ở trường Lê Qúi Đôn. Bởi, với đồng lương chết đói, ngày đó, ai cũng phải tìm thêm việc làm. Nghề may gia công thích hợp với mọi gia đình, nhất là các thày cô giáo. Do vậy, các thày cô hay nhờ tôi mua bán, sửa chữa máy khâu khi cần. Hơn nữa, các thày cô ở trường quí và thân thiết với tôi, bởi cái gã buôn lậu máy khâu như tôi, động đến văn học sử, cái chó gì cũng biết. Khi hứng lên, chuyện trò, hoặc tranh luận, đôi lúc các thày cô bị hạt bí, cười kết thúc bằng câu: Thằng ranh ma.

Khi tôi đến, cô Hạnh đang lững thững dắt xe ra cổng. Nhìn thấy tôi, cô cười, sao hôm nay rảnh rỗi thế này? Tôi hỏi cô về sự việc của Tiến. Cô trả lời, không chủ nhiệm lớp Tiến, nên không biết cụ thể thế nào. Tuy nhiên, cô dẫn tôi vào phòng giáo vụ. Cũng may, mấy thày cô ở đó, đều dính vào may hàng gia công, liên quan đến máy khâu, chỗ tôi quen cả, nên vui vẻ cho biết: Vụ việc không nghiêm trọng, nhưng xảy ra nhiều lần, từ mâu thuẫn của các khu, nhóm học sinh. Nhà trường nhiều lần nhắc nhở, cảnh cáo, song không hề chuyển biến. Tôi nhắc lại hoàn cảnh khó khăn của gia đình Tiến, mong các thày cô giúp em được tiếp tục học hành. Nghe bùi tai, các thày cô hứa sẽ giúp… Lúc tôi ra về, các thày bảo, Tiến và gia đình nên làm bản cam đoan, không để sự việc tiếp diễn, để nhà trường có cơ sở xử lý, kỷ luật. Và nhắc Tiến cứ đi học bình thường.

Tôi về, nói lại với Tiến và bà Vân. Bà mừng lắm: Thế cháu viết giúp cho cô và em bản cam kết nhé!

Tôi chuồn sang Đức được mấy năm, mẹ tôi chuyển về ở đường Tàu Bay. Hơn ba chục lưu lạc trời Âu, tôi chỉ về nước khi mẹ mất, và lúc sang cát. Và lần gần đây nhất, năm 2015 về Hà Nội được hơn một tuần, tôi buộc phải rời khỏi Việt Nam. Do vậy, tôi không có thời gian trở về cái xóm đồng nát, ve chai, dù ngôi nhà của chúng tôi chưa hề đổi chủ. Cái xóm, nghe tên, tưởng chừng ai cũng phải kinh sợ ấy, gắn liền với một phần tuổi thơ, và sự trưởng thành của tôi thực sự rất ấm tình người. Trải qua bao biến động, với những mở đường, qui hoạch bát nháo, vô tội vạ, song rất may mắn xóm tôi, người xóm tôi vẫn còn đó…

Tiếng hỏi của khách mua hàng cắt ngang dòng hồi tưởng của Tiến và tôi. Chọn được chiếc quần vừa khít cho họa sĩ Quốc Việt, tôi bảo Tiến: Cứ việc chăm sóc khách hàng. Anh phải đưa Quốc Việt về khách sạn, rồi sẽ quay lại ngay. Bởi, sáng mai anh Quốc Việt đi Wien sớm. Tiến cười khà khà, kiểu gì em cũng chờ anh.

Khi tôi quay lại, thành phố đã lên đèn. Các quầy hàng hầu như đã đóng cửa. Chỉ các quán ăn vẫn còn khí thế, tưng bừng. Tiến đứng chờ tôi ở ngay cửa kho. Vừa xuống xe, hắn đã kéo tôi vào một nhà hàng ngay trước mặt, khá đông khách và ồn ào. Tôi bảo, tuổi này ăn uống cũng phải nhìn trước ngó sau rồi, tốt nhất em kiếm chỗ nào yên tĩnh một chút, anh em mình còn chuyện trò được. Tiến vòng ra sau, đưa tôi vào Hồ Sen Quán. Ngoài balkon khá đông khách, nhưng bên trong Hồ Sen Quán còn một khu có khoảng không khá tĩnh lặng. Ngồi vào bàn, chợt làm tôi nhớ đến mấy năm trước. Cũng nơi này, rượu bia đã tưng tửng, nhà thơ Trần Mạnh Hảo (Saigon) và nhà văn Trần Ngọc Tuấn (Praha) đọc thơ cứ như lên đồng vậy. Các thính giả sồn sồn nhập tâm, khoái cười cứ phe phé. Còn các cháu ú ớ tiếng Việt thụt ra, thụt vào ở cửa sau, cứ ngỡ hai bác đang lên cơn động kinh. Tôi ngồi nghe, quả thực, phục trí nhớ của hai ông nhà thơ, nhà văn này.

Vừa ngồi, chưa kịp gọi đồ nhậu, Tiến đã ực liền tù tì mấy ly rượu mạnh kèm bia. Nhìn kiểu uống, tôi biết tửu lượng hắn vào dạng cao thủ. Tôi bảo, chơi kiểu này, chút nữa làm sao về. Hắn cười: Không được, thì Taxi thôi. Mấy khi anh em mình có dịp như thế này.

Rượu vào lời ra, nhắc lại với nhau những kỷ niệm về gia đình, xóm giềng, làm cho tôi, một kẻ đường trở về nhà, về quê cứ còn xa vời vợi, càng thêm buồn, đành phải cắt ngang câu chuyện:

-Này Tiến, em có gian hàng ở chợ Sapa này từ khi nào vậy?

Tiến cười:

-Trước đây là của em. Nhưng từ ngày lấy bà vợ hai, và chuyển về Decín vùng biên Séc – Đức, em cho vợ chồng cháu gái đầu anh ạ.

-Đường tơ của thằng em giăng cũng dầy ra phết đấy nhỉ! Thế thì bà vợ cả đâu? Tôi cười đùa, ngạc nhiên và hỏi.

-Bị bệnh mất lâu rồi. Hạ (tên vợ em) mất được mấy năm, em mới lấy vợ khác. Tuần này, vợ chồng cháu đi nghỉ hè, em về trông hàng giúp nó thôi.

-Em có mấy cháu với Hạ?

Tiến ngập ngừng, hai mắt chớp chớp, nhìn ra khoảng trống trước mặt:

-Thật ra, cháu gái đầu không phải con ruột của em. Với Hạ, em chỉ có một cháu trai, hiện đang học năm cuối Đại học kỹ thuật Praha.

– Nghĩa là trước em, Hạ đã có một đời chồng?

Không trả lời tôi ngay, mặt hắn chùng xuống, cục yết hầu căng lên, lăn đi lăn lại. Hắn lắc lắc cái đầu cho xuôi cục nước, dường như đang chẹn ngang họng:

-Không phải! Chúng em quen, yêu nhau từ thuở trung học. Hạ là em họ bên vợ của Nguyễn Đức Thịnh cảnh sát khu vực, thuộc tổ khối nhà mình. Sau vụ ôm thằng giựt lựu đạn liều chết trong xóm, Thịnh được phong anh hùng, lên Trưởng công an phường Ô Chợ Dừa. Mấy năm sau, không rõ dính vào vụ gì, Thịnh bị tước quân tịch đuổi về địa phương. Chắc anh còn nhớ?

-Nguyễn Đức Thịnh thì nhớ. Còn sự việc Hạ thế nào, em có thể nói rõ hơn chăng?

-Qúa khứ, và nỗi đau đã chôn vùi từ mấy chục năm trước. Nếu anh muốn biết, thì sự việc phải khơi lại từ đầu…

Qúa nửa đêm, máy bay đáp xuống phi trường Moscow. Nhóm người vượt biên dưới danh nghĩa tham dự Hội chợ nông nghiệp đang ngáo ngơ nơi cửa ra, chiếc xe thùng từ đâu trờ tới. Một gã trung niên dáng vẻ trí thức, cử chỉ nhã nhặn mở cửa xe, mời mọi người lên. Xe quay đầu, lao nhanh về phía ngoại ô. Tháng 4, trời chớm bước sang hạ. Cỏ cây cựa mình thức dậy, trải một màu xanh ngút tầm mắt người. Con đường cứ thấy dài hun hút, gục đầu vào vai Tiến, bất chợt nghĩ đến căn nhà bố mẹ thế chấp, đặt cược cho chuyến đi làm Hạ rùng mình.

Xe dừng lại trước cửa căn nhà cuối cùng của ngôi làng nhỏ. Nơi đây khá đẹp và yên tĩnh. Có lẽ, nghe tiếng xe, người đàn bà tập tễnh ra mở cửa. Căn nhà cũ, nhưng khá sạch sẽ. Trước khi vào nhà, gã đàn ông thu tất cả hộ chiếu và bảo:

-Công đoạn và trách nhiệm đưa người sang đến Nga của chúng tôi đã xong. Còn đến Ukraine và Slowakia thuộc đường dây khác. Tất nhiên, chúng tôi sẽ lo ăn uống, nhà cửa đến khi nào có xe đến đón mọi người.

Đêm đầu, chẳng ai ngủ được, quây quần cả bên chị cụt chân. Trò chuyện mới biết chị tên Dung quê ở Thanh Hóa. Đất đai, ruộng vườn nhà chị bị thu hồi để làm nhà máy xi măng, hay phân bón gì đó. Tiền đền bù rẻ như bèo, việc làm không có, chị đành tạm biệt chồng con tìm đường xuất ngoại. Chị ngập ngừng kể trong nước nước mắt. Chị sang Nga vào mùa đông. Một mùa đông có thể rét nhất châu Âu từ mấy chục năm qua. Con đường vượt qua rừng tuyết, suối tuyết, rồi đến những đồng tuyết từ Ukraine sang biên giới Slowakia kéo dài đến mấy tuần. Lạnh đến nỗi chân chị không còn cảm giác. Vậy mà, vào đến biên giới Slowakia, bị lính biên phòng phát hiện, truy đuổi. Chị và một số người bị bắt. Khi đưa chị đi khám, bác sĩ mới phát hiện một bàn chân của chị đã bị đóng đá. Họ buộc phải lập tức cắt bỏ. Ở bệnh viện nghỉ ngơi, an dưỡng, tập đi một thời gian, chị bị trục xuất trở lại Ukraine, rồi về đến Nga. Con đường chết chị đã tìm đến, nhưng không hiểu sao chị vẫn sống. Đang lúc nửa sống, nửa chết như vậy, chị gặp được một người cùng làng, cựu du học sinh. Gã tận tình giúp, và gửi chị cho đường dây quen biết này. Công việc của chị nấu nướng, giặt giũ, vệ sinh dọn dẹp và tập luyện phục chờ đến hè nắng ấm. Tiệp, Đức vẫn là nơi đến của chị…

Mấy chục con người được lùa vào chiếc xe thùng kín mít. Ngày cũng như đêm xe chạy không ngừng nghỉ. Khi đến được vùng biên Ukraine và Slowakia, to khỏe như Tiến mà mặt cũng xanh như đít nhái, cắt không ra giọt máu. Phụ nữ trên xe dường như chỉ còn thoi thóp thở. Sức khỏe có thể hồi phục sau vài ngày nghỉ ngơi. Nhưng điều kinh sợ hơn đối với những thân phận khốn khổ đang trốn chạy trước sự đểu cáng, tàn nhẫn của kẻ dẫn đường có cùng chung một giống nòi và quê hương. Đã được chị Dung cụt, và những người đi trước cảnh báo sự nguy hiểm của chặng đường này. Do vậy, cũng như những người đồng hành, Tiến và Hạ luôn trong tâm trạng phập phồng, lo sợ.

Tháng 5, màn đêm buông xuống dường như chậm hơn. Giữa rừng già, trời không khô nóng như ở nơi quê nhà, song mấy chục con người lèn trong một căn nhà, thì quả thực vô cùng ngột ngạt. Đàn ông, con trai nằm tràn cả ra hành lang và khoảng sân trước cửa. Gần sáng, trời dịu mát, tất cả chìm sâu vào trong giấc ngủ… Bất chợt, tiếng kêu thét của Hạ, và mấy cô gái trẻ làm cho Tiến mọi người giật mình, bật dậy. Trời còn tối, loang loáng dưới ánh đèn Pin, Tiến nhìn thấy, cửa sau đã bị bật mở. Bốn, năm thằng đang ghì kéo Hạ và hai cô gái bên cạnh.

-Các ông làm gì thế này? Tiếng ai đó giật hỏi.

– Đưa đi phục vụ sếp.

– Các ông là người dẫn đường, hay kẻ cướp hiếp dâm?

Nói hết câu, Tiến trườn lên, giật Hạ ra khỏi tay gã cầm đèn Pin. Gã xoay người đạp mạnh. Bị trúng bụng Tiến ngã đè lên mấy người nằm phía sau. Chưa cảm thấy đau, Tiến vùng dậy, lao thẳng vào. Gã cầm đèn bị ngã bổ ngửa ra phía sau, làm chiếc đèn Pin văng trúng vào mặt tên đứng bên cạnh. Bị đau, hắn vội thả tay cô gái, ôm mặt, ngồi thụp xuống. Gã cầm đèn bò dậy, vừa rút súng trong bụng, Tiến cua được cái then gài cửa quật đúng vào tay. Súng rơi xuống đất. Ba, bốn tên đồng bọn đều rút súng chĩa thẳng vào Tiến, và mấy người đứng cạnh. Thấy vậy, mọi người đều bỏ chạy ra rừng, chỉ còn lại Hạ và hai cô gái. Tiến không bị bắn chết, nhưng gẫy mất mấy cái xương sườn, sau một trận trả thù hội đồng, trong tiếng khóc van xin của Hạ…

Trời sáng hẳn, mọi người mới quay trở về. Trong nhà chỉ còn mình Tiến nằm bất động ở cửa sau. Được mọi người chăm sóc, lúc sau Tiến đã tỉnh lại. Với những vết thương này, Tiến không thể bình phục trong vài ba tháng tới. Vậy là con đường đi của Tiến càng kéo dài thêm. Tuy nhiên, với Tiến lúc này, không phải sức khỏe của mình, mà thân thể bị giày vò, tâm hồn đau đớn của Hạ mới là quan trọng nhất.

Đến trưa, chúng chở thực phẩm cùng Hạ và hai cô gái về. Nhìn các cô tơi tả, rũ như tàu lá, ai cũng thương cảm. Và như không có việc gì xảy ra, lũ đầu trâu mặt ngựa thảy mấy hộp thuốc giảm đau vào người Tiến:

-Mày chưa chết được đâu. Uống đi cho mau lành, nhắm mắt lại, đừng làm những chuyện bao đồng, dại dột nữa. Gia đình đang trông ngóng mày đấy…

Hạ buộc phải ở lại phục vụ bọn đầu trâu mặt ngựa, và chăm sóc Tiến. Để vượt qua được nỗi đau, sự tủi nhục ấy, quả thật nhiều lúc tưởng như quá sức chịu đựng của họ. Khi khỏe trở lại, Tiến có ý định trả thù, song đều bị Hạ can ngăn. Mùa thu năm ấy, Hạ và Tiến được bọn chúng bố trí vượt vào Slowakei, rồi đến Praha trót lọt.

Tiến không bất ngờ, khi bác sĩ thông báo Hạ đã mang thai. Và cái thai quá lớn không thể nạo bỏ. Không loại bỏ được mầm sống này, nghĩa là nỗi đau, nỗi ám ánh mãi mãi không thể cắt bỏ trong lòng Tiến cũng như Hạ.

Ra đi, hay ở lại với Hạ? Tuy không nói ra, song sự mâu thuẫn luôn day dứt trong lòng Tiến. Rồi tiếng trống tựu trường, với những kỷ niệm thuở học trò hồn nhiên và bao dung đã kéo Tiến ở lại với Hạ.

Mấy chục năm từ làm thuê cho đến tự hàng nghề, Tiến và Hạ mới có cơ ngơi như ngày nay…

Hồ Sen Quán dường như đã đến giờ đóng cửa, tôi buộc cắt ngang dòng suy nghĩ của Tiến:

-Anh phục tấm lòng độ lượng, bao dung của thằng em!

Tiến nói như thể phân bua:

-Cũng không hẳn như vậy đâu. Khi Hạ đột ngột bị bệnh mất, em mới nhận ra, quyết định của mình là đúng. Và sự bao dung, yêu mến hết lòng của em với cháu đầu, chỉ từ khi Hạ mất. Trước đây, mỗi lần chỉ cần va chạm nhỏ với Hạ, nhìn thấy cháu, trong lòng em lại nhói lên, chỉ muốn đạp đổ tất cả, rồi ra đi anh ạ…

Đêm muộn, vậy mà ngoài kia trời vẫn còn sáng đục. Dường như, có một vệt nắng cuối ngày không chịu tắt, còn nằm vắt qua bầu trời. Như một sự đồng cảm, tôi đứng dậy, bóp nhẹ vào vai Tiến để ra xe:

-Anh tin, những mâu thuẫn trong nội tâm của em về người đàn bà mà mình yêu thương. Đó là suy nghĩ rất thực của mỗi một con người, trong một cái xã hội đầy rẫy những bon chen, tính toán và lọc lừa này. Anh nghĩ, có rất ít thằng đàn ông vượt qua được những định kiến, rào cản, để làm được như em.

Leipzig ngày 30-6-2019

Đỗ trường

5 BÌNH LUẬN

  1. Xã hội sao còn có những hạng người tàn nhẫn với đồng loại trong những giờ phút tử sinh như thế nhỉ? Khốn nạn thật. Thật khâm phục anh Tiến đấy.

  2. Xóm tôi ở quận 3 ,SG , Việt Nam Cộng Hoà ; anh tôi ra lệnh : buổi sáng , đầu óc thanh tịnh , cứ lúc mặt trời lên , 6,7 giờ sáng mang cái ghế ra ngồi học !! Có mấy anh người Huế thuê nhà trọ để học bên Đại Học Khoa Học , thấy là lạ ở trong xóm lao động , anh Tú , ảnh mới mua cho gói kẹo , ảnh thẩy vào tay . Đấy là kỷ niệm xóm tôi . Quê hương tôi xưa kia như thế .

Leave a Reply to Sigma Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên