Châu Âu và giấc mơ tự chủ

0

Mở đầu bài xã luận mang tựa đề « Sự tự chủ mà châu Âu mơ ước », Le Point nhận định Liên Hiệp Châu Âu đã biết rằng họ chỉ là một « chú lùn trên chính trường ». Qua hồ sơ Iran, giờ đây châu Âu biết thêm rằng họ cũng chỉ là « một chú lùn » trong lĩnh vực tài chính. Do sự thống trị của đồng đô la Mỹ, châu Âu không thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Tác giả Luc De Barochez nhận định Liên Âu đã không làm những điều cần làm, nên cho đến giờ châu Âu tự chủ vẫn chỉ là một giấc mơ.

Mùa hè vừa qua, các tập đoàn châu Âu như Total, Peugeot, Siemens, Daimler, Air France-KLM, British Airways … đã đồng loạt thông báo rút khỏi thị trường Iran, cho dù Liên Hiệp đã « nài nỉ »các doanh nghiệp tiếp tục giao thương với Iran. Trước đây, Liên Hiệp tin rằng có thể giúp cho các công ty châu Âu không bị Mỹ trừng phạt nếu tiếp tục làm ăn với Iran. Ngày 07/08/2018, bà Federica Mogherini, lãnh đạo Ngoại Giao châu Âu, thậm chí còn khẳng định : « Chính châu Âu mới có quyền quyết định giao thương với ai ». Thế nhưng, chỉ một tháng sau đó, các ngân hàng châu Âu đã từ chối giao dịch với Iran, vì họ chưa quên vụ BNP Paribas do vi phạm lệnh cấm của Mỹ mà bị phạt tới 8,9 tỉ đô la hồi năm 2015.

Để gia tăng áp lực lên các nhà băng, Mỹ còn yêu cầu SWIFT, công ty viễn thông liên ngân hàngvà tài chính quốc tế loại Iran ra khỏi danh sách dịch vụ kể từ ngày 04/11/2018. Nhưng trên thực tế, trong giai đoạn 2012 – 2016, các ngân hàng Iran đã gặp trở ngại khi sử dụng dịch vụ của SWIFT, khiến xuất khẩu dầu lửa của nước này giảm 50% : không có SWIFT, ngay lập tức Iran đã mất đáng kể khách hàng. Tất cả những điều đó cho thấy Mỹ sẽ lại đạt được mục đích trong những tuần sắp tới.

Thế nhưng, theo tác giả Luc De Barochez, thủ phạm thực sự không phải là SWIFT, mà là sự thống trị của đồng đô la Mỹ. Đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải nâng cao vị thế của đồng euro trên thị trường quốc tế, điều mà từ trước tới nay châu Âu không làm vì họ cảm thấy « thoải mái khi phục tùng một nước Mỹ bảo trợ nhân từ ». Giờ đây, Liên Âu đã nhận ra chính sách đó tai hại đến mức nào.

Nhà báo Luc De Barochez cho rằng để đối phó với chính sách hung hăng của Donald Trump, Liên Hiệp Châu Âu cần chú trọng phát triển để tự chủ trên mọi lĩnh vực. Không thể ngồi chờ Donald Trump mãn nhiệm để lấy lại « quan hệ lệ thuộc một cách thoải mái » với Mỹ có từ năm 1945. Xu hướng chia rẽ giữa Mỹ và Châu Âu thực ra đã có thể thấy rõ từ thời George W. Bush với cuộc chiến Irak và ở thời Barack Obama với sự xoay trục sang châu Á. Có lẽ sự chia rẽ đó sẽ tiếp tục ngay cả sau khi ông Donald Trump hết nhiệm kỳ tổng thống. Châu Âu cũng không nên vì chống Mỹ mà ngả sang Trung Quốc và Nga nhằm tạo đối trọng với Hoa Kỳ, vì chắc  chắn sẽ không có lợi.

Đi tìm sự tự chủ cho châu Âu là nhiệm vụ dài hạn, không chỉ là xây dựng nền tài chính tự chủ dựa trên đồng euro, mà còn phải xem xét lại cơ cấu an ninh và phòng  vệ cho châu Âu, nếu Liên Âu không muốn mãi là « một chú lùn ».

Ngày mà châu Âu chao đảo vì di dân

Liên quan tới hồ sơ di dân, trên trang Thế giới, tuần báo Le Point có bài « Ngày mà Châu Âu chao đảo vì di dân ». Đó là ngày 04/09/2015, cách nay vừa tròn 3 năm. Trước làn sóng di dân quốc tế tìm cách vượt biên giới Hungary sang Áo, để rồi sang Đức, thủ tướng Áo đã điện đàm với bà Merkel về việc có nên đóng cửa biên giới với Hungary để ngăn làn sóng di dân hay không. Câu trả lời của thủ tướng Đức Angela Merkel là không. Bà hứa với thủ tướng Áo là sẽ tiếp nhận di dân tới từ ngả nước Áo, cho dù nhiều đến đâu đi chăng nữa.

Trong vòng nhiều tuần lễ, bà Merkel được hoan nghênh, khâm phục vì quyết định rộng lượng nói trên đối với di dân. Nhiều thành phố của Đức huy động các sáng kiến, tình nguyện viên, tổ chức các hoạt động đón tiếp, cứu giúp di dân, phân phát quần áo, dạy tiếng Đức … Một số gia đình còn cho di dân ở nhờ trong nhà. Các chủ doanh nghiệp lạc quan thậm chí còn khẳng định di dân sẽ là nguồn nhân công tuyệt vời, đẩy mạnh sự cạnh tranh trong nước. Không ai có thể ngờ quyết định của bà Merkel mở cửa biên giới đón tiếp di dân sẽ làm đảo lộn đời sống chính trị tại nước Đức và cả châu Âu.

2 năm sau, AfD, đảng dân túy bài di dân, chiếm được 93 ghế tại Quốc Hội. Phe dân túy bài di dân cũng lên nắm quyền ở Ý. Tại Hungary, thủ tướng Orban, nổi tiếng với các chính sách khắc nghiệt với người xin tị nạn, đã tái đắc cử. Còn chiếc ghế thủ tướng của bà Angela Merkel thì vẫn đang bị đe dọa.

Một hệ thống bấp bênh 10 năm sau khủng hoảng

Ngày 15/09/2018 là tròn 10 năm ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản. Tuần báo L’Obs giới thiệu bài viết của giáo sư Daniel Cohen, trưởng khoa Kinh tế của Đại học sư phạm ENS. Bài viết có tiêu đề « Một hệ thống bấp bênh 10 năm sau khủng hoảng ».

Nếu so sánh Đại suy thoái 2008 do sự sụp đổ của Lehman Brothers gây ra với cuộc Đại khủng hoảng 1930, giáo sư Daniel Cohen đánh giá là Đại suy thoái 2008 ít nghiêm trọng hơn. Phần nào đó là nhờ các nhà quản lý đã rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là nhờ chủ tịch ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) – thời đó là giáo sư kinh tế Ben Bernanke – là chuyên gia về Đại khủng hoảng 1929. Các công trình nghiên cứu của ông đều liên quan đến tác động của sự sụp đổ của các nhà băng đối với sự lây lan của cuộc khủng hoảng. Dưới sự điều hành của Ben Bernanke, Fed đã can thiệp liên tục để cứu các ngân hàng. Còn tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu, với đầu óc thực tế tuyệt vời, đã mở van tín dụng, ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tiền tệ trầm trọng tại châu Âu.

Trong Đại suy thoái 2008, nhất là với nhóm G20, hợp tác quốc tế ban đầu diễn ra tốt đẹp. Nhưng sau này, mọi chuyện dần xấu đi. Chính phủ các nước thành viên khu vực đồng euro vội vã thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng khiến cuộc khủng hoảng kéo dài hơn, thậm chí nền kinh tế Hy Lạp sụp đổ, tương tự như trong thập niên 1930.

Về hợp tác quốc tế, ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và đã thay đổi các thỏa thuận đã có từ trước đó, đẩy thế giới vào cuộc chạy đua tăng thuế suất mà hiện chúng ta chưa biết sẽ được dẫn tới đâu.

Từng chút, từng chút một, những sai lầm trong thập niên 1930 đã lặp lại. Những sai lầm đó không chỉ là do chẩn đoán không tốt mà còn là hệ quả do chính cuộc khủng hoảng gây ra. Chính sách bảo hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump thực ra cũng xuất phát từ tư tưởng bài ngoại.

Trong lĩnh vực ngân hàng, hiện nay, việc cứu một nhà băng lớn khỏi bị phá sản lại gặp nhiều khó khăn hơn hồi năm 2008, do lập luận « tại sao lại phải dùng tiền thuế của dân để cứu các chủ ngân hàng thiếu năng lực ? ». Người ta cũng không chấp nhận việc bắt dân chúng đóng thêm thuế để trả những món nợ cũ. Quyết tâm chính trị để khắc phục hậu quả của vụ ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ cũng suy giảm. Cuộc khủng hoảng đã tạo ra sự lớn mạnh cho các lực lượng chống hệ thống và chính các lực lượng này sẽ cản trở việc vực dậy hệ thống nếu một cuộc khủng hoảng mới nổ ra.

 Thùy Dương (RFI)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên