Cây gạo, chữ A và lòng tin cần chứng minh

0

 

Tại sao nghèo cứ phải rách, thậm chí dơ dơ, lem luốc? Như phim Việt Nam bệnh gì cũng phải ho, hễ nằm bệnh viện băng quấn đầy đầu, lấm chấm máu…

Bạn sẽ cảm nhận thế nào khi thấy một sinh viên, công nhân, một bà nội trợ, một nhân viên khách sạn hay văn phòng nào đó chạy ăn từng bữa giờ bị sa thải hoặc tạm nghỉ việc không lương… bất chấp cả mặt mũi, sĩ diện, đứng xếp hàng rồng rắn cả buổi chỉ để được nhận ký rưỡi gạo. Và rồi rồi ngác ngơ, chưng hửng, chẳng có hạt gạo nào chảy ra từ ‘cây atm’ từ thiện; rồi ngượng ngùng quay đi, nhường chỗ cho người tiếp theo trước ánh mắt dò xét, nghi kỵ của bao người…

Rồi từ một chỗ mát nào đó, một hay cả nhóm người đang quan sát qua camera, hí hửng vì vừa ‘loại’ được một đối thủ ‘lừa đảo’, ‘tham lam’, tranh phần gạo của người nghèo…

Cứ nghĩ tới cảnh đó thôi, tôi phải lập tức dừng, chuyển hướng qua suy nghĩ khác để còn giữ nguyên hình ảnh đẹp đẽ về những ‘cây atm gạo’ quá tuyệt, quá kịp thời cho người nghèo. Khi mà chính phủ của mình chỉ lạnh lùng ban lệnh cách ly, rồi hứa hẹn, rồi có thể đổ do ‘con đông quá’, nói vậy thôi chứ ai mà lo nổi… Khi những tin nhắn rỉ rả vào điện thoại, hay những lời kêu gọi, hiệu triệu trên báo chí của người đứng đầu chính phủ bao lần rơi vào im lặng, vào quên lãng vì chả mấy ai còn tin? Trong khi đó, các cây ‘atm gạo’ vừa hô lên đã có biết bao nhiêu người góp tiền, góp gạo chung tay…

Nhưng rồi những cây gạo với những con người nhiệt tình đó ‘thà giết lầm chứ không để sót’, loại thẳng tay những người nghèo hoặc cận nghèo chỉ vì họ lành lặn, đi xe đẹp?

Nói thật, tôi cũng nghèo xác xơ, dù không đến nỗi phải ra cây atm gạo xếp hàng, nhưng tôi không… rách, không bẩn, không tỏ vẻ mình nghèo. Đơn giản vì tôi (và rất nhiều người Việt nữa) cho dù nghèo cũng phải sạch, rách cũng phải thơm, phải tinh tươm khi bước ra đường – một thói quen tôn trọng người khác. Và xe tôi cũng không đến nỗi nát, nhìn là thấy… nghèo!

Có câu chuyện một bạn trẻ cho đứa nhỏ ăn xin ít tiền, rồi bỗng đâm nghi, sẵn rảnh lần dò theo coi nó nghèo thiệt hay nghèo giả, có phải xin tiền về đưa cho ba má đánh bài không… Và rồi thất vọng khi thấy sự thiệt… y như vậy. Từ đó, bạn rút ra bài học cảnh giác cao độ: cạch mặt ăn xin, vì “toàn bọn lừa đảo, trá hình!”. Bạn không sai, nhưng bạn đã cho phép trái tim mình mọc một cái rễ đắng, một vết chai.

Nhưng còn có một câu chuyện khác mà tôi rất thích, nhân rảnh rỗi mùa cách ly xin kể hầu quý vị. Thấy đứa trẻ bán vé số cứ mời mãi. Một người đang nhâm nhi cà phê quán cóc đâm cáu: “Phiền quá. Đi chỗ khác mời. Nghèo khó gì tụi bây. Đem tiền về cho ba má ăn nhậu, đánh bài chứ gì…”. Thằng nhỏ xanh mặt, bước nhanh, mắt không rời người vừa quát mình. Tới bậc cửa vấp một cái, té lăn quay, từ túi thằng bé túa ra nắm bi ve lấp lánh… Thằng nhỏ vội vàng nhặt lấy bỏ lại vào túi rồi bước đi. Người vừa hùng hổ quát tháo bắt gặp cả tuổi thơ mình trong nắm bi ve lăn lóc đó, lòng chùng xuống: “Có đứa trẻ nào thích đi bán vé số không? Hay chúng chỉ thích đi học, đi chơi, thích nhảy lò cò, bắn bi, tắm mưa, thả diều, hái hoa, bắt bướm?”.

“Sao lòng tin phải cần chứng minh thư?” (thơ Đỗ Trung Quân). Sao cứ lành lặn, xe tay ga đi xin gạo là giả nghèo, là tham lam, lừa dối? Biết đâu nhà ấy không còn gì, chỉ còn mỗi chiếc xe cả nhà làm phương tiện? Biết đâu bạn trẻ đó chỉ mỗi chiếc xe làm chân đi lại kiếm cái ăn?

“Má, mấy nay con chạy lòng vòng đi tìm việc mà không có. Nãy ngang thấy phát gạo, con chống xe chen vô xếp hàng, tính xin ít về cho má nấu đỡ bữa nay, mai con tranh thủ đi tìm việc tiếp. Mà rồi họ nhìn qua camera thấy con tinh tươm, áo quần không rách, xe không nát… Họ bấm cho dừng lại, chả có hột gạo nào chảy ra. Nhưng sợ nhất là cảnh bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về phía con. May có cái khẩu trang. Rồi người này, người nọ chụp hình con, chắc mai họ đưa hết lên báo, lên mạng, lên phây…”. Má: “Thôi, không sao đâu con, biết đâu những người khác còn khổ, còn tệ hơn mình nữa…”.

Là tôi tưởng tượng ra thôi, cảnh cháu tôi – sinh viên – đi lang thang xin việc cả tháng trong mùa cách ly. Thấy cây atm gạo bèn tạt ngang sắp hàng tính xin về cho má nó bỏ vô nồi nấu đỡ, nhưng cuối cùng là… chưng hửng, là mắc cỡ, thất vọng, thắc mắc, tổn thương…

[Vừa tưởng tượng tới đó thì cháu nó nhắn teng teng, khoe: “Con mới vừa được nhà nước chuyển khoản cho ngàn hai! Tất cả sinh viên đều được! Đỡ quá! Zui quá! Giờ con đem về cho má…”]

Đã là từ thiện, thiện tâm, đã cho rồi có cần phải khắt khe, xét đoán đến thế không? Chưa nói cho tiền, cho gạo, có người theo trend đăng ảnh mặt mình, nhà mình, con mình… lên phây, gắn 3 chữ A vô cho trẻ tự kỷ được chút tiền gì đó, bữa trước bữa sau đã thấy đăng đàn chửi tưng bừng “đó là trò lừa đảo kiếm tiền, đừng tin…”. Tôi thật…

Song Phạmfacebook

Đọ bài liên quan: Hà Nội chen nhau lấy gạo từ thiện

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên