42 năm, ở bên phía “triệu người vui” (*)

8
Chân dung Tuyết Anh trước ngày vô mật khu

 

Thông báo truyền miệng “Đà Lạt được giải phóng rồi. Các đồng chí khẩn trương về tiếp thu”. Mọi người vui mừng, chia nhóm, hối hả thu gom đồ đạt rồi lên đường ngay. Bà Hoài là một trong số người mừng vui nhất. Vui vì được trở lại Đà Lạt, nơi mà bà từng hoạt động nhưng bị lộ phải thoát ly. Bà sẽ gặp lại nhiều đồng chí còn bám trụ. Bà cũng sẽ gặp lại đứa con gái yêu thương, cùng thoát ly với bà 5, 6 năm trước, nhưng hoạt động khác vùng, sau đó bỏ trốn về lại thành. Bà sẽ được biết sự thật, chắc chắn không như tin đồn nhảm mà bà chỉ nghe loáng thoáng được đôi điều úp mở. Nhưng vui nhất là sẽ gặp lại chồng, người mà suốt 20 năm chiến tranh bà vẫn một lòng thương nhớ. Bà nhớ như in ngày ông tập kết ra Bắc, hai vợ chồng đã bịn rịn, đến nghẹn lời, không thể nói được câu nào nhưng trong tất cả là một hứa hẹn đợi chờ, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào. Lúc tiễn đưa bà chứng tỏ được sự mạnh mẽ của một cán bộ gương mẩu trước mắt mọi người nhưng về đêm nước mắt ướt đẫm áo gối. Bây giờ gặp lại, bà sẽ hãnh diện không những vì chung thủy mà còn về hai đứa con gái, dù phải sống dưới chế độ đồi trụy Mỹ Ngụy, nhưng chúng không hư hỏng mà còn giác ngộ cách mạng, trực tiếp tham gia.

Cứ hình dung lúc ba mẹ con được đón ông từ Bắc trở về sum họp! Bao nhiêu hồi hộp, lo lắng, đợi chờ trước kia giờ đây là hạnh phúc vẹn toàn. Gia đình bà là một gia đình cách mạng gương mẩu! Chồng tập kết, vợ và con ở lại kiên trì hoạt động từ nội thành đến vô bưng, được như thế, vinh dự như thế là nhờ ơn Bác và Đảng!

Từ trong mật khu tuy mong muốn được về trong toán đầu tiên nhưng mãi đến hơn 20 ngày sau bà Hoài mới đặt chân vào Đà Lạt, vì bà trong nhóm về sau cùng!

Nói Đà Lạt “được giải phóng” là không chính xác, thực tế ngày 29 tháng Ba Tỉnh Tuyên Đức, Đà Lạt đã bỏ ngỏ. Cầu Đại Ninh, ranh giới giữa Di Linh và Tuyên Đức trên quốc lộ 20, đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt, bị đặt mìn đánh sụp, dự trù chận hướng tiến công của Việt cộng từ Di Linh lên, tạo điều kiện cho quân dân cán chính Đà Lạt, Tuyên Đức có đủ thời gian tháo chạy về ngã Đơn Dương, xuống đèo Sông Pha, đi Nha Trang, Phan Rang giữa lúc tình hình cả miền Nam đang vô cùng hỗn loạn, khắp nơi đều đổ xô về Sài Gòn bằng mọi cách.

Bà Hoài, 89 tuổi, chụp ngày 7/4/2017

Đà Lạt, một thành phố vốn được ca ngợi là thanh lịch, văn minh nhất bỗng xác xơ đến kỳ lạ. Còn người Đà Lạt chưa kịp bỏ chạy, hoặc chấp nhận ở lại, thì đang ngỡ ngàng đón những người lôi thôi lếch thếch với cách sử dụng ngôn từ nghe rất lạ tai về cai quản. Số cán bộ nằm vùng hãnh tiến, lăn xăn lít xít, ném những cái nhìn đầy miệt thị với những người mà trước đó không lâu họ đã phải né tránh, luồn cúi hoặc chịu ơn. Chợ Đà Lạt, khu Hòa Bình từng nhộn nhịp, bán buôn sầm uất, dập dìu tài tử giai nhân vắng hoe, không tiệm nào mở cửa.

Người Đà Lạt ngỡ ngàng, sợ hãi và lặng lẽ chứng kiến kẻ chiến thắng từ rừng về, lớ ngớ đến buồn cười. Một thành phố từng nhỏ bé thân yêu, người với người cứ như đã từng quen mặt, biết tên bỗng chốc trở nên e dè, khép kín. Và xa lạ.

Bác chủ nhà người Quảng thường ngày chỉ mải mê với công việc, gần như chẳng bao giờ để ý chuyện thời sự nhưng mấy bữa nay cứ thừ người, lo lắng ra mặt. Ngồi vào bàn ăn bác vẫn không giấu được tiếng thở dài. “Không biết mấy ổng về rồi sẽ ra sao?” rồi tự an ủi “nhưng hết chiến tranh thì đỡ lo chuyện lính tráng, chết chóc”. Tuyết Anh, được bác coi như con gái, ngồi gần nồi cơm điện phía cuối bàn bộc bạch “con thì vui mừng và nóng lòng chờ được gặp mẹ con và đứa em gái. Bây giờ con mới dám nói thiệt, mẹ con ở trong bưng chắc sắp về tới nơi để tiếp thu…”. Bác gát đũa, ngạc nhiên nhìn Tuyết Anh “bác cũng từng nghĩ nghĩ trong đầu là tại sao một đứa con gái đàng hoàng, giỏi dang và đẹp như con lại phải sống lông bông lang bang như không nhà không cửa nên mới cho con làm việc và ăn ở trong nhà… ai ngờ…” “dạ, cho con xin lỗi, vì thế nên con không dám nói thiệt…” “hoàn cảnh rứa thì phải giấu. Nhưng ở trong nhà con biết hết rồi đó… chỉ làm ăn lương thiện, bác thì hàng ngày vô rừng lo tìm cây lá, sao chế làm thuốc cứu người. Vài bữa có chi con nói với họ vài tiếng…” “dạ, biết con được gia đình bác che chở thì mẹ con mang ơn không hết, còn nói chi… Chắc mẹ con phải đến đây trực tiếp cảm ơn gia đình bác…”

Một trang thư Tuyết Anh gửi cám ơn người Cậu đã giúp làm lại căn cước cho Tuyết Anh sau khi cô trốn trở về thành phố.

Bây giờ Tuyết Anh không còn giấu niềm vui đợi chờ mẹ và em gái. Cô tự nguyện tiếp tay hướng dẫn, hợp tác điều hành công việc tại phường và thấp thỏm đợi tin mẹ từng ngày. Cô cũng âm thầm tiếp xúc với số cán bộ từ bưng ra để cố moi tin tức về một người mà cô không dám nêu tên. Người vì yêu cô đã dám làm tất cả, hy sinh tất cả vì cô. Đã tổ chức, sắp xếp để cô trốn thoát an toàn. Suốt hơn 3 năm qua cô vẫn trăn trở nhớ thương. Cô đợi chờ.

Vừa về Đà Lạt bà Hoài tìm những người quen trong số từng hoạt động nội thành hỏi về con gái. Nhiều người đều xác nhận Tuyết Anh vẫn đang ở Đà Lạt. Câu hỏi quay quắt là tại sao con gái không tìm gặp bà? Phải chăng vì mặc cảm trốn về? Bà cũng nghĩ đến chuyện có thể Tuyết Anh trốn đi Mỹ vào giờ chót. Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập không có câu trả lời. Bà mệt mỏi, phờ phạt, hốc hác. Khoảng hơn một tuần sau, ông Hậu, một người cùng làm kinh tài với Tuyết Anh trước kia, không đành lòng nhìn cảnh người mẹ tất tưởi tìm con nên lén gặp bà. “Chị làm ơn giữ bí mật giùm tui, nếu không, tụi nó khử luôn tui. Con gái chị bị tụi nó giết rồi nhưng tại sao giết và giết ở đâu thì tui không biết. Chị đừng mất công tìm kiếm nữa!”

Bà Hoài sửng sốt, bàng hoàng đến độ không thể tin vào tai mình. Sự việc quá kinh khủng làm bà phải tự trấn tĩnh. Với khả năng của một người từng hoạt động nội thành, trước mắt mọi người bà giả vờ như bình thường nhưng thật ra đang lặng lẽ, quyết đi tìm manh mối. Ai giết và tại sao giết?

Giữa lúc rối rắm tột cùng thì có tin người chồng từ ngoài Bắc trở về. Bà mừng vì ông xuất hiện đúng vào lúc bà cô đơn nhất, yếu đuối nhất. Đúng vào lúc bà cần phải có người thân yêu bên cạnh. Sự hiện diện của ông là hạnh phúc, là niềm an ủi vô bờ suốt 20 năm chờ đợi.

Gặp ông, bao nhiêu đau khổ chịu đựng đã òa vỡ. Bà ôm ông, khóc ngất, không cần giữ gìn ý tứ “Anh không còn nhìn thấy mặt con gái lớn nữa rồi! Người ta giết nó mà em chưa tìm được xác. Cũng không biết lý do gì!” Ông chồng khựng người. Trầm ngâm. Là cái trầm ngâm của một người quen che giấu nội tâm hay là sự thiếu vắng cảm xúc với đứa con đã xa cách quá lâu?

Qua hai ngày quan sát kỹ từng phản ứng của chồng, bà kết luận “anh không còn thương con”. Ông không trả lời. Nội tâm ông cũng đang hỗn độn, quay cuồng. Ông đang cố hình dung lại khuôn mặt con gái lúc lên ba, ngày ông tập kết. Ông cũng đang choáng ngợp đến ngỡ ngàng trước sự thật chung quanh khi nhìn lại chính mình. Một miền Nam mà ông cứ tưởng là đói khát rách rưới. Nhưng ai giết con ông? Chắc chỉ có Mỹ Ngụy, bọn chúng trả thù trước khi chạy trốn chứ người của Cách mạng tại sao bị giết? Tại sao giết khi vừa chiến thắng? Ông bối rối trước sự chì chiết không vị nể của vợ.

Sự bén nhạy đàn bà cho bà Hoài biết ngay là tình cảm chồng không như chờ đợi. Hai đứa con gái bà thương yêu rất mực, một đứa bị giết nhưng đứa còn lại cũng không đón nhận được sự nồng ấm từ cha. Chính nó cũng nhìn ông xa lạ. Ánh mắt chất chứa thương yêu ngày xưa của ông chỉ còn trong ký ức còn bây giờ thì có vẻ xa vắng, đến lạnh lùng. Cuối cùng ông phải thú thực với bà là ông có vợ khác ngoài Hà Nội với hai con! Trên đường về Nam ông chỉ nghĩ vào viếng thăm bà, tìm một số đồ mà cả miền Bắc đều thèm muốn, rồi trở ra. Với ông, bà là một phụ nữ trẻ đẹp, duyên dáng đã từng làm ông đam mê một thời, lại sống trong một xã hội đồi trụy thì chắc chắn không thể ở vậy nuôi con!

Giấc mơ sum họp bị sụp đổ bất ngờ. Cái ghen và thất vọng của người đàn bà chung thủy là cơn bão dữ. Ông bị vùi dập. Bị chửi như tát nước vào mặt. Ông viết thư gửi về Hà Nội kể tất cả sự thật. Người vợ từ Hà Nội cũng bất ngờ, vội vàng vô ngay, với mong muốn giải quyết êm thấm chuyện rối rắm đang xảy ra nhưng cũng không thoát khỏi tình trạng như ông. Bà khóc lóc, năn nỉ rất nhiều lần “em hoàn toàn không biết ảnh đã có vợ. Sau 8 năm ra ngoài Bắc ảnh mới cưới em…” Với lời lẽ mềm mỏng, chịu an phận, “cũng là đàn bà với nhau”, làm bà Hoài dịu cơn giận dữ đôi chút. “Chị đau khổ mười thì em cũng vậy. Lỗi cũng không hẳn tại ảnh mà chỉ vì chiến tranh quá dài. Chuyện xa cách mấy mươi năm mấy ai ngờ hết được? Nhưng bây giờ để bù đắp và an ủi chị, đặc biệt trong hoàn cảnh khổ đau nầy, em chấp nhận để ảnh ở lại với chị. Đứa con còn lại cũng cần phải có cha. Còn em, em trở về lo cho hai con em. Chúng đều vô tội”.

Bà hai trở về Hà Nội. Còn ông ở lại, chỉ là chiếc bóng cô đơn đi bên cạnh bà Hoài và ngoài xã hội.

Bữa đó là chiều ngày 7 tháng Tư, đang ăn ly chè dưới bếp thì nghe tiếng tui gọi ‘có ai đến tìm con đây, Tuyết Anh’. Bụng bảo dạ tui nghĩ chắc chị về tới rồi! Tuyết Anh bỏ dở ly chè trên bàn, chạy ra tiếp khách. Sau đó nó vội vội vàng vàng vô nhà thay đồ rất nhanh. Trước khi ra khỏi cửa nói với tui ‘họ mời con đi họp. Mẹ con sắp về tới rồi’. Rồi con gái chị biệt tích. Tui có đi hỏi mấy chỗ nó phụ giúp trước đó nhưng không ai biết. Mãi 4, 5 bữa sau nghe mấy đứa chăn bò chạy về thông báo trong xóm là có người chết chôn rất sơ sài, còn lòi cả chưn ra ngoài… Bán tín bán nghi tui chạy ra đó coi thử. Chính nó rồi… Đúng là áo quần nó mặc lúc đi… Tui sửng sờ nhưng sợ quá, không dám nói chi hết, rồi quay về nhà lấy cuốc xẻng, cùng với mấy đứa nhỏ, để nguyên như vậy, đào đất chung quanh đắp thêm lên thành cái mả.”

Rồi ông chậm rãi “nó linh lắm nghe chị, người ở khu vực đó nói thỉnh thoảng thấy nó cứ hiện về hoài nên cả xóm thờ cúng hương khói rất chu đáo”.

Bác chủ nhà Tuyết Anh đã ở trước kia tường thuật tỉ mỉ với vợ chồng bà Hoài như vậy sau gần 8 năm miệt mài tìm kiếm! Bà Hoài biết được bác chỉ do sự tình cờ. Hôm đó ông Toan bị bệnh nên tìm đến nhà ông thầy thuốc Nam hốt thuốc. Gặp đồng hương xứ Quảng nên hai ông ngồi nán lại tâm sự khề khà, cà kê rồi lan man đến cái chết của Tuyết Anh nhưng không biết ai là thân nhân. Vừa nghe xong ông Toan tức tốc tìm bà Hoài, vì có bà con với ông, thông báo.

Sau khi được ông thầy thuốc Nam xác nhận rồi dẫn chỉ ngôi mộ, vợ chồng bà Hoài cho xây đắp, dựng bia và âm thầm điều tra. Bà nhớ đến ông Vũ Linh, là thủ trưởng đơn vị lúc đó, hiện đang là Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, người đã quyết định để bà về Đà Lạt sau cùng. Vì chuyện Tuyết Anh trốn về nên bà bị nghi ngờ, một số người đã không còn thân mật, gần gũi với bà như trước. Có thể đó là lý do bà bị sắp trong toán về sau cùng. Đúng ra họ nên cho bà về trong toán trước vì bà là người biết một số người đang hoạt động nội thành và rất rõ về địa hình Đà Lạt. Trong đầu bà đã dấy lên những câu hỏi mơ hồ từ đó.

Ông bà Hoài đến trụ sở công an Tỉnh, dùng tên ông, là cán bộ ở Hà Nội vô, xin gặp ông Vũ Linh. Vừa nhìn thấy bà Hoài, ông Vũ Linh cố giấu sự ngạc nhiên. Và còn ngạc hiên hơn khi biết chồng bà Hoài cũng tập kết ra Bắc cùng thời với ông, làm việc tại Hà Nội. Còn ông sau đó được tuyển chọn đi học tại Học viện An Ninh bên Trung Quốc, rồi được điều vô Nam công tác khu vực Lâm Đồng, Đà Lạt.

Tôi biết chuyện Tuyết Anh bị giết nhưng không biết tại sao. Vì là con của anh chị tôi hứa sẽ cho điều tra kỹ nhưng vụ án cũng 7, 8 năm rồi nên chắc cần nhiều thời gian và gặp khó khăn không ít đâu” ông Vũ Linh trả lời rất tự tin và dứt khoát trước yêu cầu của vợ chồng bà Hoài. Bà Hoài tỏ vẻ tin tưởng về lời hứa của ông Vũ Linh, che giấu được sự nghi ngờ đã có. Phải mất cả năm sau đó, bà Hoài mới lần mò tìm ra được nhiều nhân chứng, kể cả người thủ trưởng biết rõ về Tuyết Anh, ông Lê Thành Dửng, đang là Trưởng ban Kinh tài. Bà đã có đủ chứng cứ và biết ai là thủ phạm.

Tuyết Anh bị Chín Phát cùng với một nam và 2 nữ đoàn viên xử tử tại khu vực Nghĩa trang Thánh Mẫu, ấp Thánh Mẫu, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 8 km. Đây là nghĩa trang của người Công Giáo. Chín Phát cho biết, cũng giống như lúc còn ở mật khu, chỉ thi hành theo lệnh miệng của ông Vũ Linh. Lệnh là “giết tên gián điệp nằm vùng” chứ hoàn toàn không biết gì hơn về nạn nhân. “Tại sao lại chọn địa điểm đó” “Lệnh như vậy, có lẽ vì đó là nghĩa trang nên không mấy ai để ý” “nhưng tại sao lại chôn rất sơ sài” “vì lúc đó sợ bị dân tình cờ nhận diện nên phải phân tán nhanh”.

Sau vụ giết người Chín Phát được làm nhân viên tại Nhà nghỉ Công Đoàn tỉnh Lâm Đồng.

Khi vợ chồng bà Hoài trưng ra đủ bằng chứng, đặc biệt có thư viết tay của Tuyết Anh cảm ơn người cậu giúp làm lại căn cước, tên mới là Cẩm Thu, sau khi cô trốn thoát trở về Đà Nẵng để chứng minh, thì ông Vũ Linh mới dịu giọng. “Xin lỗi anh chị, lúc đó tôi chỉ nghĩ Tuyết Anh ra hồi chánh vì vai trò gián điệp đã bị lộ. Vì là thư ký riêng của tôi và được tôi tín cẩn nên cô biết có lệnh mật từ Trung ương báo vô là đơn vị ta có gián điệp nằm vùng” Bà Hoài ngắt ngang “con tôi không hồi chánh. Bằng chứng là không một ai trong tổ chức nội thành của ta bị lộ. Còn gián điệp thì tại sao không giữ mạng sống của nó để khai thác mà phải thủ tiêu ngay?” Bà chưa hết nguôi giận “nếu nó là gián điệp bị lộ như đồng chí nói thì tại sao nó không trốn theo Mỹ Ngụy? Đã ở lại mà còn tình nguyện ra trình diện để tiếp tục công tác trong mấy ngày đầu?”. Vũ Linh đứng dậy, xoa hai tay vào nhau, tỏ ra rất ân hận “đây là lỗi lầm lớn nhất của tôi trong công tác. Nhưng mọi chuyện đã qua và thời gian cũng quá lâu nên chỉ còn cách xin lỗi anh chị. Tôi thành thật xin lỗi, mọi việc đã lỡ rồi…”

Không chấp nhận lời xin lỗi, vợ chồng bà Hoài khiếu nại lên Tỉnh ủy. Đã mấy lần ông bà đến xin gặp ông Bí thư đều bị thư ký riêng của ông từ chối khéo. Lúc thì “Thủ trưởng bận họp”, lúc thì “Thủ trưởng đi công tác chưa về”… Lần cuối vẫn không được, chồng bà Hoài mới nói với bà “làm việc ở Hà Nội tôi biết khá rõ. Chuyện chi khó khăn thì ít ai dại gì đứng ra giải quyết. Giải quyết đã khó, không những có thể bị trách móc, oán giận mà đôi khi còn phải gánh lấy trách nhiệm. Đã thế có khi còn bị phê bình kiểm điểm nữa. Rất khó gặp được ông Bí thư thì chắc chắn ông đã nắm rõ vụ nầy nên mới dặn trước thư ký. Họ cứ đùn đẩy…”. Suy nghĩ rất lâu, ông tiếp “như vậy chuyện ni chắc chắn gay lắm nên họ mới né. Bi chừ muốn kiện chắc chỉ còn cách chạy ra Hà Nội mới may ra!”

Ra Hà Nội cũng không hề đơn giản cho dù ông đã từng làm việc tại đó, tương đối biết đường đi nước bước. Cũng gần cả năm khiếu nại liên tục vợ chồng ông mới được gặp người phụ trách. Vị nầy đã nắm vững nội vụ nên rất mềm mỏng. “Vụ nầy lỗi ở đồng chí Vũ Linh rõ ràng nhưng là lỗi cá nhân chứ không phải chủ trương của Đảng. Chúng ta đều là đảng viên phải đặt Đảng lên trên hết. Do đó đề nghị các đồng chí bỏ qua và tôi sẽ liên lạc thẳng với Lâm Đồng tìm cách giải quyết” rồi ông đánh động tâm lý “cuộc chiến đã để lại quá nhiều mất mát trong đó có con gái anh chị, thật đáng tiếc. Nhưng không ai không mắc sai lầm” “Thưa đồng chí, sai lầm là vì nông nỗi nhưng ở đây là âm mưu. Xử tử con gái tôi về tội gián điệp chỉ là cái cớ vì đồng chí Vũ Linh đã chuẩn bị rất kỹ từ trước đó. Phải giết con gái tôi trước khi tôi về đến Đà Lạt! Vì nếu tôi có mặt thì không thể thực hiện. Bà Hoài bị ngắt lời “làm sao đồng chí biết chỉ là cái cớ?” Bà Hoài hơi khựng lại, giải thích “lý do chính để giết con gái tôi, tôi nghĩ vì đồng chí Vũ Linh cưỡng hiếp nó mấy lần nên sợ bị nó tố cáo” “cho dù có bị cưỡng hiếp thì con gái chị lấy gì làm bằng chứng để đồng chí Vũ Linh sợ gặp nguy hiểm? Chị có nghĩ vì con gái chị là thư ký riêng của đồng chí Vũ Linh nên có thể đã biết được ít nhiều điều bí mật gì đó, đó mới là lý do chính không?” “chuyện đó thuộc về Tổ chức tôi không thể biết được nhưng chỉ biết là đồng chí Vũ Linh đã dàng dựng việc con gái tôi ăn cắp công quỹ, đem nó ra phê bình, bắt nó làm kiểm điểm mấy đêm liên tiếp với mục đích tìm cách buộc tội nó phản đảng. Vì thế người yêu của nó mới lo sợ tính mạng bị nguy hiểm nên tìm mọi cách để nó trốn thoát. Như đồng chí đã biết, ngay sau đó anh ấy đã bị trừng phạt nghiêm khắc. Bị khai trừ đảng, bị tước bỏ công trạng” Bà Hoài ngừng trong giây lát, không thấy phản ứng gì, nên nói tiếp “hơn thế nữa, khi chúng tôi đào mả để cải táng đem về Đà Nẵng thì mọi người đều chứng kiến trong mả có ém một lưỡi lê dài với một số đinh 10 phân mà theo như thầy bói nói, là mả bị yểm bùa để linh hồn con gái tôi không thể nào về báo oán được. Như vậy dứt khoát đây không phải hành động nông nỗi mà là âm mưu thâm độc. Giết người để bịt miệng!” Đến lúc nầy chồng bà Hoài mới lên tiếng “Theo điều lệ Đảng, chúng tôi không dám khiếu kiện vượt cấp nhưng ở Lâm Đồng không ai muốn giải quyết, buộc lòng chúng tôi phải ra đến đây. Rất mong đồng chí cho giải quyết sớm vì điều kiện đi lại của chúng tôi rất khó khăn” “Tôi nhất trí là con gái anh chị bị giết oan nên phải được đền bù. Chuyện nầy chúng tôi sẽ đề nghị với Lâm Đồng tìm cách giải quyết dứt điểm”.

Tháng năm dằng dặc sau đó vợ chồng bà Hoài vẫn cứ phải ra vào Hà Nội liên tục. Trung ương bảo về địa phương, địa phương bảo đã hết thẩm quyền vì đồng chí Vũ Linh thuộc diện Trung ương quản lý! Đuối sức vì tuổi già trong một vụ khiếu kiện vô vọng, cuối cùng vợ chồng bà Hoài đành chấp nhận cách giải quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng. “Trung ương giải quyết hợp tình hợp lý rồi. Đồng chí Vũ Linh cho dù rất có công với đảng nhưng vẫn bị kỷ luật. Bị tước hết mọi chức vụ. Còn đòi hỏi phải đem ra Tòa án xét xử công khai để minh oan cho Tuyết Anh rồi xét phong danh hiệu liệt sĩ thì không thể được. Muốn đem ra Tòa trước hết phải khai trừ đảng đồng chí Vũ Linh vì Toà không có quyền xử đảng viên, đặc biệt là cấp Trung ương quản lý. Luật của đảng trước tiên là phải bảo mật. Bảo mật tuyệt đối! Nên không thể đem ra Tòa được. Hơn nữa luật pháp chỉ áp dụng với dân thôi! Chốt lại, để đền bù mất mát lớn lao nầy đề nghị anh chị nhận 2 lô đất có giá trị, ngay tại trung tâm thành phố. Với 2 lô đất đó sẽ có người chịu đầu tư xây 2 căn nhà để anh chị chọn một. Như vậy tuổi già của anh chị cũng được đảm bảo”.

Mọi việc xảy ra đúng như gợi ý của Tỉnh ủy. Nhưng cảnh vật Đà Lạt dù có đẹp, có thơ mộng cũng không còn là nơi để an cư. Đi đâu, làm gì thì hình bóng bất hạnh của đứa con gái và dư luận vẫn cứ đeo đuổi, ám ảnh. Đành phải trốn chạy quá khứ, bà Hoài bán căn nhà quay về quê cũ hy vọng sẽ nguôi ngoai dần. Nhưng về Đà Nẵng lại rơi vào một hoàn cảnh trớ trêu khác. Gia đình bên chồng bà nghi ngờ đứa con gái thứ hai không phải là con ông! Vì ngay sau ngày ông tập kết bà mới phát hiện mình có thai. Bất kể nhân dáng cũng như nét mặt đứa con gái thứ hai rất giống ông, dư luận chòm xóm cũng tin là con ông, nhưng khi tiếp xúc bên ngoài ông vẫn không thoải mái. Ông và gia đình bên ông cứ lẫn quẫn. Ông bị dằn vặt. Tiếp đến là tuổi già, bị đau yếu liên miên, bà Hoài cũng không còn đủ sức khỏe để chăm sóc ông. Cuối cùng bà đồng ý để 2 đứa con bà sau đem ông ra Hà Nội chăm sóc đến cuối đời.

Từ khi biết được ông có gia đình riêng ở Hà Nội, rồi chịu điều tiếng phía bên chồng, bà như mất tất cả! Mất Tuyết Anh, đứa con gái lớn, rồi mất cả chồng! Hạnh phúc đã tan vỡ từ bên trong. Ông bà chỉ còn là sự chịu đựng nhau.

Bà hương khói bàn thờ Tuyết Anh nhưng không thể nào thoát được ám ảnh quá khứ. Vẫn ôm ấp di ảnh đứa con như là chiếc bóng của “Cách mạng”. Của một thời sôi nổi hết mình nhưng cuối cùng là hỗn độn. Tan nát. Nỗi uất ức đó giằng xé bà! Ở tuổi 89, ngưỡng cửa của tử sinh, bà chỉ mong ngóng được minh oan cho con gái và trừng trị người đã giết con bà.

Đó là mong ước làm cuộc “Cách mạng” cuối cùng trong đời bà!

Hôm 7 tháng Tư vừa rồi, là ngày giỗ thứ 42 của Tuyết Anh, lấy ngày Tuyết Anh rời nhà ông thầy thuốc Nam rồi biệt tích, đứa cháu gái gọi về Đà Nẵng để xác minh đôi điều. Thăm hỏi, trao đổi về sức khỏe thấy tương đối bình thường nhưng khi nhắc đến Tuyết Anh thì phía bên kia đầu dây bỗng nghe rất rõ tiếng thở có vẻ dồn dập của bà. Tiếp theo là một số tiếng lắp bắp đặc sệt chất giọng Quảng Nam không rõ nghĩa… thì cái điện thoại rơi. Một ai đó hét thất thanh vọng vào … “mau, mau, kêu xe cấp cứu, cấp cứu… mau, mau…”.

(19/5/2017)

Hoàng Thy Ban Mai

(*) “Ngày 30 tháng Tư có triệu người vui và cũng có triệu người buồn” (Võ Văn Kiệt, cố Thủ Tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam)

—————————————–

Ghi chú:

[1] Ông Vũ Linh sau khi mất hết chức vụ đã về quê ở Phú Yên. Hiện đang sống trong tình trạng bị tai biến mạch máu não.

[2] Năm 2003 cháu gái bà Hoài ra Hà Nội có ghé thăm gia đình bà vợ hai. Thấy có bàn thờ của Tuyết Anh rất trang nghiêm nên người cháu đã đốt một nén hương. Bà ôn lại chuyện cũ, đẫm nước mắt.

[3] Người viết không nêu tên chồng bà Hoài cũng như tên bà vợ sau vì tôn trọng sự riêng tư và vì họ không liên quan đến vụ án. Còn tất cả các nhân vật đều thật với tên thật.

[4] Truyện được viết dịp cuối tháng Tư, nhưng ngày 19/5 mới xong, vì cần kiểm chứng với gia đình nạn nhân, vô tình trùng hợp ngày nhà nước Việt Nam kỷ niệm sinh nhật ông Hồ.

8 BÌNH LUẬN

    • Bài viết hay, đau lòng, cay đắng, nghẹn ngào, mất mát!
      Thật ngao ngán cho tình đời, tình người, nhân danh “giải phóng” để giết hại lẫn nhau! Cuối cùng vẫn chỉ là KHỔ ĐAU!
      Cám ơn tác giả Hoàng Thy Ban Mai và Đàn Chim Việt

  1. Một trong những câu chuyện thương tâm của thời đại. Người đã gây ra dại nạn cho dân tộc Việt nam này là ‘Hồ Ly Tinh’. Một con ác quỉ đội lốt người và cho đến giờ này rất nhiều người vẫn còn bị ‘quì ám’. Đó là cái nghiệp của đất nước Việt Nam. Không biết quê hương còn tang thương, con người VN còn khổ đến bao giờ?

  2. Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm.
    Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm.
    Hồ Chí Minh muôn năm.

    • MTGPMN bị thằng anh bắc kỳ, không những giái phỏng mà còn bị thiến, chúng vác mạt mo chạy tứ tung.
      khong có gì muôn năm cả 10 ui, cả mi nữa rán sống thêm 10 năm nữa cho khôn nhen.

  3. ANH HÙNG

    Thế gian khó có anh hùng
    Tỷ người được một đã mừng hay chưa
    Điều này vốn tự ngàn xưa
    Vài trăm năm mới một người nổi lên

    Cho nên chỉ loại cà mèn
    Anh hùng ra ngõ gặp hoài kể chi
    Chỉ đều thời buổi lâm li
    Tuyên truyền dối gạt ích gì cho ai

    Vì đời phải có người tài
    Cứu dân cứu nước đâu sai bao giờ
    Ví như Lê Lợi Quang Trung
    Ví như Hưng Đạo Bà Trưng tuyệt vời

    Hoàn toàn tự chủ lấy mình
    Hoàn toàn độc lập hoàn toàn tự do
    Đâu cần thế lực từ ngoài
    Đâu cần tư tưởng của ai sai mình

    Còn như chỉ kiểu linh tinh
    Kiểu toàn cán bộ anh hùng nỗi chi
    Toàn dùi đánh đục đánh săn
    Con gà ăn lúa thì quăng con gà

    Anh hùng kiểu đó la đà
    Dễ mà hiểu biết được nào hơn ai
    Nhưng cần phải ở tầm cao
    Thiên văn địa lý điều nào cũng hay

    Nhất là hiểu biết con người
    Hiểu toàn xã hội biết đời đảo điên
    Mới thành không nói huyên thiên
    Mới thành thực tế giúp miền nhân gian

    Một khi đã tạo âu vàng
    Ngàn đời bền vững mới càng nhân văn
    Còn mà chỉ cách cuội nhăng
    Biến đời thành khối bê tông khác gì

    Tự do dân chủ mấy khi
    Phải đều khuôn đúc có gì hơn ai
    Có gì giải phóng một hai
    Thật đều nô lệ chỉ hài vậy thôi

    Nên chi nhân phẩm con người
    Phải toàn độc lập phải toàn tự do
    Hoàn toàn bình đẳng với nhau
    Nhân tài xuất hiện mới đời văn minh

    Chớ mà nô lệ tự mình
    Còn thêm nô lệ mọi người ra chi
    Anh hùng giải phóng thường khi
    Mọi người độc lập mới đời tự do

    NGÀN TRĂNG
    (25/5/17)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên